Tiên Phước phát triển vườn thuốc nam
Những năm gần đây, cây thuốc nam ở huyện Tiên Phước phát triển nhanh không những đáp ứng đủ lượng thuốc trên địa bàn mà còn cung ứng ra nhiều nơi mang lại lợi ích cho cộng đồng, nhất là tạo hiệu quả kinh tế cao cho người trồng dược liệu.
Nhiều loại thuốc nam được trồng xen canh cho lợi ích kép. Ảnh: DT |
Ông Lê Văn Phúc, người đã gần 10 năm trồng cây thuốc nam ở Tiên Sơn cho biết, thuốc nam khó trồng, ưa sống trong bóng râm, nếu mưa quá cây sẽ bị chết, quá nắng cây sẽ không phát triển. “Từ khi Tổ dược liệu của xã hình thành, cây thuốc nam ở đây phát triển rất mạnh. Nếu trước kia tôi chủ yếu trồng thuốc nam để trị bệnh trong nhà thì nay cây thuốc nam là cây làm giàu về kinh tế” - ông Phúc nói. Hiện nay ông Phúc có gần 2000m2 diện tích trồng cây thuốc nam, trong đó có 1 sào đất chuyên canh mỗi vụ thu hàng chục ký thuốc khô cho thu nhập hàng chục triệu đồng. Còn ông Thái Hồng Hội, từ khi có dự án phát triển cây thuốc nam tại địa phương, ông tích cực tham gia và ngày càng mở rộng chuyên canh và tích trữ giống. Ông Hội có 5 sào cây thuốc hoắc hương trong đó có với 3 sào đất chuyên canh ở ngoài đồng ruộng cho hiệu quả cao.
Thực hiện Chỉ thị 24 - CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Phát triển nền Đông Y Việt Nam trong tình hình mới”, 15/15 Trạm Y tế xã, thị trấn trên địa bàn huyện Tiên Phước đã có vườn thuốc nam. Bên cạnh đó ngành y tế tập trung phát triển mạnh các vườn thuốc nam trong dân với trên 40 loại cây thuộc 9 nhóm thuốc được Bộ Y tế quy định dùng để chữa một số bệnh thường gặp mang lại hiệu quả cao trong công tác khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền. |
Ông Nguyễn Phúc Lịch - Chủ tịch UBND xã Tiên Sơn cho rằng, dự án phát triển cây thuốc nam trên địa bàn xã là hướng đi hợp lý, không những tạo hiệu quả lớn cho người dân mà còn tạo ra nhiều vị thuốc cho ngành đông y bào chế và trị bệnh. “Với những lợi ích trên, cây thuốc nam cần nhân rộng để phát triển, bên cạnh đó cần tăng cường thu hút đầu tư, hỗ trợ liên kết đầu ra cho sản phẩm, khuyến khích người dân sử dụng thuốc nam để chữa các bệnh thông thường” - ông Lịch nói.
Ngành y tế huyện đang chú trọng phát triển mạnh vườn cây thuốc nam, trong đó tại Trung tâm Y tế và 15/15 trạm y tế xã đều có vườn cây thuốc nam đáp ứng tại chỗ nguồn thuốc trị bệnh. Ngoài ra huyện còn đầu tư nghiên cứu phát triển các vườn thuốc trong dân đáp ứng nguồn nguyên liệu bền vững, trong đó tăng cường trách nhiệm của Trung tâm Y tế và Hội Đông y về việc hướng dẫn, kiểm tra và phát triển nuôi trồng dược liệu trên địa bàn huyện. Bà Lê Thị Thảo - Phó phòng Y tế huyện cho biết: “Với tốc độ tăng trưởng của cây thuốc nam hiện nay, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng cây thuốc nam trên địa bàn huyện sẽ ngày càng phát triển tốt và đa dạng, nhất là với mục đích tạo ra nhiều vị thuốc cho đông y, kết hợp với tiêu chí phát triển kinh tế bền vững cho những người dân làm nghề này”.
DUY THÁI