Ấm áp sở mộ
Ở xóm Đình, thôn Tỉnh Thủy (xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ) có một khu mộ mà người dân sở tại quen gọi là sở mộ, với hơn 30 ngôi mộ không tên, không chủ nhưng vẫn được nhiều thế hệ người dân ở đây tu bổ, tôn tạo, giữ gìn hương khói...
Theo ông Nguyễn Khoa, 93 tuổi ở xóm Đình, thôn Tỉnh Thủy, những ngôi mộ này là hài cốt của những người dân làm biển, những người đi buôn bán ở nhiều địa phương không may bị sóng biển đánh chìm hoặc những người bị chết do lũ lụt cuốn, trôi dạt vào bờ, được người dân thôn Tỉnh Thủy vớt đem về lo mai táng theo phong tục và truyền thống của địa phương. Lúc mới 5 tuổi, ông Khoa đã theo cha và dân làng tham gia vớt thi thể của những người xấu số để lo chôn cất. Mặc dù có không ít thi thể đã bị phân hủy nhưng vẫn được dân làng tổ chức khâm liệm và chôn cất trang nghiêm ở những nơi cao ráo tại khu vực rừng dương liễu nhằm không để gió và sóng biển làm thất lạc nấm mộ. Sau 3 năm chôn cất tại đây, người dân Tỉnh Thủy bốc lên quy tập đưa về cải táng tại khu vực xóm Đình để tiện việc hương khói và tu bổ phần mộ. Tại khu vực này được người dân thôn Tỉnh Thủy xây dựng tường rào, trụ cổng, nhà bia rất quy mô nhưng trải qua hơn một thế kỷ với biết bao biến thiên của lịch sử, tường rào, trụ cổng và nhà bia đã bị xuống cấp, đến năm 1973 mới được tu sửa. Theo lập luận của ông Khoa thì nhiều ngôi mộ có khả năng đã hơn 150 tuổi, bởi lúc ông mới 5 tuổi và người cha đã gần 40 tuổi nhưng trước đó khá lâu cha ông đã thấy có một vài ngôi mộ được quy tập về đây và nhiều năm trước đó cha ông cũng đã từng tham gia tảo mộ. Ngoài việc xây dựng tường rào, trụ cổng và nhà bia tại sở mộ, nơi chôn cất các hài cốt, người dân địa phương còn xây dựng một lăng thờ mà người dân quen gọi là sở lăng cô bác. Hàng năm vào dịp tiết Thanh minh, dân làng tập trung tu bổ phần mộ và đến 16.4 âm lịch tổ chức cúng tế cầu mong trời yên, biển lặng, cá tôm đầy khoang, dân làng bình yên, nhà nhà no ấm. Ông Khoa nói, sau mỗi lần tổ chức cúng tế như vậy hầu hết thuyền ra khơi đánh bắt đều trúng đậm cá tôm. Người dân Tỉnh Thủy chăm sóc khu sở mộ rất chu đáo với cả lòng thành kính.
Ông Nguyễn Như Khiết - Trưởng ban nhân dân thôn Tỉnh Thủy bên nhà bia của khu mộ. |
Tỉnh Thủy là địa phương ở nơi đầu sóng, ngọn gió, đại bộ phận nhân dân chuyên sống về nghề sông nước. Trong những năm trước đây phương tiện đánh bắt thủy hải sản còn thô sơ và kinh nghiệm ra khơi, vào lộng của bà con ngư dân còn hạn chế không thể chống chọi được với sóng gió, nhiều người đã không còn trở về với gia đình, vợ con sau một chuyến ra khơi. Thông cảm và sẻ chia với nỗi đau thương, mất mát đó, nhiều thế hệ người dân Tỉnh Thủy đã tự nguyện vớt thi thể của những người xấu số rồi lo chôn cất, tu bổ, giữ gìn và hương khói phần mộ như những người thân của mình. Điều này đã thể hiện được tình cảm thiêng liêng và tính nhân văn sâu sắc của các thế hệ người dân làng Tỉnh Thủy. Theo ông Nguyễn Như Khiết - Trưởng ban nhân dân thôn, những thi thể được người dân vớt đem về chôn cất ở đây chưa hẳn hoàn toàn là của những người dân làm biển, những người buôn bán hoặc những người bị chết do lũ lụt cuốn trôi mà khả năng trong số đó có thi thể của những thủy thủ đoàn tàu không số, bởi trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ xâm lược, trên quê hương Tam Thanh đã có hàng chục người con ưu tú tham gia đội quân này, trong đó có nhiều người đã hy sinh do bị địch đánh chìm tàu trên đường vận chuyển hàng hóa, thuốc men, đạn dược, đưa cán bộ, chiến sĩ cách mạng từ khu V vào các tỉnh phía Nam để đánh giặc nhưng đến nay việc tìm kiếm hài cốt vẫn còn là niềm vô vọng, cho nên việc tu bổ, giữ gìn và lo hương khói những phần mộ này được người dân làng Tỉnh Thủy từ thế hệ này đến thế hệ khác thực hiện.
Không chỉ vào dịp tiết thanh minh mà vào những ngày lễ, tết hàng năm, dân làng Tỉnh Thủy đều đến sở mộ để lo quét dọn, tu bổ, hương khói làm cho những ngôi mộ này càng ấm áp hơn. Mọi chi phí đều được dân làng đóng góp không hề tính toán, bởi theo họ những phần mộ này là một phần linh hồn không thể tách rời cuộc sống của người dân địa phương.
NGUYỄN ĐIỆN NGỌC