Nhớ phiên chợ choái

NGỌC KẾT 15/01/2014 08:49

Khi những cơn mưa cuối cùng của mùa đông qua đi, cũng là lúc người nông dân ở những vùng quê cát bắt đầu sửa soạn cho mùa trồng khoai sắn. Và, vào thời điểm ấy, trên các miền quê, chợ choái cũng được nhóm họp từ buổi sớm tinh mơ...

Phiên chợ choái vùng quê. Ảnh: NG.KẾT
Phiên chợ choái vùng quê. Ảnh: NG.KẾT

Quê tôi vùng trung du. Cùng với lúa, khoai sắn là nguồn nông sản chính đem lại thu nhập cho mỗi gia đình. Những mảnh vườn, đồi sắn với đủ loại từ sắn gòn, sắn lùn, sắn ta… được trồng phổ biến từ đầu làng đến cuối xóm, ra tận phía nương đồi. Mỗi năm đến mùa thu hoạch, ngoài phần củ, thân sắn được nông dân quê tôi dùng vào nhiều việc. Những thân sắn nhỏ, lép dùng làm củi. Số còn lại được lựa chọn kỹ càng, bó gọn, để ở những nơi có độ ẩm cao như bên giếng nước, cạnh bờ ao hay chái sau nhà…, một ít dùng làm choái cho vụ mùa năm sau, phần nhiều hơn mang đi chợ choái vào những ngày cuối năm.

Khi tôi còn là cậu học trò trường làng, cứ vào những ngày tháng chạp hằng năm, ba thường kêu tôi dậy từ gà gáy canh ba, hai cha con hì hục bê những bó choái sắn đã chuẩn bị từ chiều hôm trước, cẩn thận cột vào yên sau chiếc xe đạp cũ. Nói thì đơn giản vậy, nhưng hai cha con phải làm cẩn thận, bao bọc kỹ càng không cho thân sắn tróc vỏ, rồi đẩy xe choái sắn vượt gần 10 cây số về phía chợ choái.

Chợ choái thường nhóm họp từ rất sớm tại những ngã ba, ngã tư dọc con đường chính chạy về phía biển. Tôi chẳng biết chợ choái có tự bao giờ. Chỉ biết rằng, cứ vào những ngày tháng chạp, khi mùa đông mang theo những cơn mưa phùn và giá lạnh về trời, cũng là lúc chợ choái hình thành. Mỗi lần nhóm họp, chợ choái thường chỉ có vài chục người bán. Những bó choái sắn được dựng đứng thành hàng hoặc xếp nằm ngay ngắn và người bán lặng lẽ ngồi chờ. Chẳng mấy chốc, từ phía biển, người mua choái bắt đầu xuất hiện. Họ lặng lẽ quan sát, tìm cho mình những bó choái vừa ý. Không giống như những phiên chợ thường ngày, ở chợ choái này, cảnh kỳ kèo bớt một thêm hai rất ít xảy ra. Có lẽ, một phần do giá thành của những bó choái sắn không nhiều (từ 20.000 - 25.000 đồng/bó); phần khác, người bán, kẻ mua cũng đều là nông dân quanh năm chân lấm tay bùn, thấu hiểu hạt lúa củ khoai làm ra là mồ hôi, công sức… mà thu nhập chẳng bỏ bèn gì, cớ chi phải trả chác thiệt hơn!

Đưa choái sắn ra chợ.
Đưa choái sắn ra chợ.

Một thời tuổi thơ tôi đã không biết bao nhiêu mùa tháng chạp theo ba đi chợ choái. Để giờ đây, khi mỗi sáng tinh mơ chạm mắt chợ choái ở những chốn cũ ngày nào, vẫn chưa thể giải thích được vì sao chợ choái lại nhóm họp vào lúc tinh mơ và tan chợ trước lúc mặt trời lên. Nhiều năm rồi tôi cố gắng tìm hiểu để tự giúp mình có câu trả lời bằng nhiều giả thuyết. Phải chăng, là nhà nông, ai cũng có tư tưởng tiết kiệm thời gian nên tranh thủ lúc sáng sớm, khi vạn vật còn chìm trong giấc ngủ mà bày cuộc bán mua đặng mau chóng trở về với công việc đồng áng thường nhật của mình. Lại nữa, choái sắn nếu để phơi nắng sẽ dễ khô héo, ảnh hưởng không tốt đến sức sống khi cắm xuống hàng?

Dẫu giá choái sắn có rẻ, việc lại không mấy nhẹ nhàng, nhưng nhiều người dân ở các vùng như quê tôi vẫn không bỏ những buổi chợ choái cuối năm. Bởi chính từ đây đã góp phần làm cho những ngày tết thêm ấm áp khi có thêm ít tiền mua cho con đồng quà, tấm áo mới...

Đã xa ngái một thời tuổi thơ tôi với nhiều kỷ niệm vui buồn của những ngày ở quê gắn với bờ ao, ruộng lúa, gắn với những công việc nhà nông khi ra đồng giúp ba mẹ. Nhưng cứ mỗi lần có dịp bắt gặp chợ choái vào những sáng tinh mơ, lòng lại bồi hồi thương nhớ. Nhớ dáng ba tôi nặng nhọc dắt chiếc xe đạp cũ đi trước còn tôi lặng lẽ đẩy phía sau trong màn sương giăng kín đồng làng. Nhớ quá chừng những gói kẹo giấy đơn sơ ba mua cho sau mỗi buổi chợ choái...

NGỌC KẾT

NGỌC KẾT