Campuchia: bảo tồn và phát triển Angkor
(QNO) - Nằm trong thành phố du lịch lớn nhất của Campuchia, quần thể Angkor (tên chính thức Công viên khảo cổ Angkor) hùng vĩ - được đánh giá là một trong những câu chuyện thành công về việc bảo tồn và phát triển di sản của văn hóa thế giới, đưa Angkor trở thành một điểm đến lý tưởng.
Nguồn lợi kinh tế
Angkor là thủ đô của vương quốc Khmer, được xây dựng năm 802 trước công nguyên trên núi Kulen, khi vua Jayavarman II lên trị vì. Ngày nay, điểm du lịch nổi tiếng nhất ở Angkor là Angkor Thom nơi có ngôi đền Bayon với tượng mặt cười khổng lồ khắc trên đá, hay Angkor Wat - ngôi đền Hindu lớn nhất thế giới và những ngôi đền nhỏ hơn như Ta Prohm, Preah Khan, Pre Rup và Ta Nei. Mỗi ngọn tháp là một tác phẩm nghệ thuật kiến trúc độc đáo đã đi vào huyền thoại. Tới đây, du khách như bị lạc vào một thế giới cổ đại hàng nghìn năm trước công nguyên với cung điện, đấu trường voi, những bức tượng phật khổng lồ với những tâm trạng vui, buồn, suy tư, đau khổ khác nhau.
Lượng du khách đến Angkor càng tăng. |
Theo thống kê của ngành du lịch Campuchia trong năm 2013, số lượng khách thăm quan quần thể Angkor đạt trên 3 triệu lượt người. Nếu như năm 1999, doanh thu từ du lịch tại Angkor là 10 - 20 triệu USD thì đến năm 2013, con số này đã đạt hơn 1 tỷ USD trong tổng số hơn 2 tỷ USD mà ngành du lịch Campuchia mang lại cho nền kinh tế đất nước. Các nhà chức trách ngành du lịch cho biết sẽ nỗ lực để đưa con số du khách đến với Angkor là 7 triệu người vào năm 2015. Rõ ràng, ngành du lịch Campuchia khởi sắc đồng thời mang về nguồn thu kinh tế lớn cho ngân sách địa phương, quốc gia, vừa tạo công ăn việc làm, cải thiện thu nhập cho người lao động trong các ngành nghề liên quan. Hơn nữa, Angkor là biểu tượng văn hóa, là niềm tự hào dân tộc của người dân Campuchia.
Nỗ lực bảo tồn và phát triển Angkor
Trải qua hơn nghìn năm với điều kiện thời tiết, thiên tai ngày càng khắc nghiệt, lượng du khách gia tăng nhanh qua từng năm cũng khiến cho điểm đến nổi tiếng thế giới này bị đe dọa xuống cấp. Angkor được Tổ chức Giáo dục, Văn hóa và Khoa học Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Thế giới vào tháng 12.1992 và cũng ngay trong năm khu đền cổ này được đưa vào Danh sách các di sản Thế giới bị đe dọa. Nhưng vào năm 2004, Angkor được đưa ra khỏi danh sách nguy hiểm này nhờ những nỗ lực của chính phủ Campuchia và các tổ chức tài trợ nước ngoài trong việc triển khai các dự án bảo vệ, bảo tồn, tôn tạo sửa chữa và phát triển khu Angkor.
Hiện chính phủ Campuchia đang hợp tác với 14 quốc gia, 28 tổ chức quốc tế thực hiện hơn 60 dự án bảo tồn, bảo vệ và phát triển Angkor. Chỉ tính trong 10 năm qua, đã có 250 triệu USD được sử dụng trong các dự án sửa chữa và bảo tồn các ngôi đền cổ trong quần thể này. Vào tháng 9.2012, chính phủ Campuchia và UNESCO đã ký hiệp định tiếp tục bảo vệ khu đền Angkor Wat - một di tích của quần thể Angkor trước lo ngại ngày càng xuống cấp. Tại hội nghị liên chính phủ nhằm tổng kết hoạt động bảo trì, tôn tạo và phát triển khu quần thể đền Angkor, thủ tướng Campuchia Hun Sen kêu gọi các chuyên gia cam kết thực hiện các kế hoạch bảo vệ, bảo tồn khu Angkor với Ủy ban Apsara của Campuchia và tập trung vào việc nghiên cứu đảm bảo sự hài hòa giữa quản lý di sản văn hóa với chiến lược xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương, nhằm tạo dựng nền tảng cho sự phát triển bền vững.
Hội nghị tổng kết 20 năm qua cho thấy Campuchia đã và đang làm tốt công tác gìn giữ bảo vệ, sửa chữa, bảo tồn và phát triển khu phức hợp đền cổ Angkor. Hiện nay, bên cạnh các dự án bản tồn, sửa chữa các ngôi đền cổ trong khu quần thể Angkor, Ủy ban Apsara Campuchia đang phối hợp cùng một số chính phủ cấp viện triển khai dự án xây dựng vành đai xanh quanh khu đền cổ và dự án phát triển cộng đồng cho dân cư nằm trong khu vực Angkor.
QUỐC HƯNG