Trò chuyện ở "đồi gió hú"...

TRUNG VIỆT 10/01/2014 09:59

Một tâm trạng có thật, lặp đi lặp lại, là đi đâu đó về khuya, từ hướng Thăng Bình chạy vào, hễ thấy cột ăng ten truyền hình to cao ngất ngưởng chớp sáng đèn là thở dài nhẹ nhõm: sắp tới nhà rồi.

Đó là tôi nói Trạm phát sóng An Hà của Đài Phát thanh - truyền hình Quảng Nam (QRT). Tôi nhớ năm đó mình viết bài “Dưới chân quầng sáng tháp truyền hình” (đăng Báo Quảng Nam), nói về  người dân sống ở khu vực dưới chân tháp truyền hình bao nhiêu năm không có điện, trong khi cái  tháp thì điện vô tư. Báo xuất bản, có người không hiểu sao lại nói: Báo nói xấu đài! Chuyện đến tai anh Hồ Duy Lệ (Tổng Biên tập Báo Quảng Nam lúc bấy giờ), anh “phang” ngay một câu: Nói dật dờ!

Ở trạm phát sóng An Hà. Ảnh: TRUNG VIỆT
Ở trạm phát sóng An Hà. Ảnh: TRUNG VIỆT

Viết là thế, nhưng bây giờ tôi mới vào chốn anh em “ngự” ở nơi được coi là cao nhất Tam Kỳ. Gió lạnh hun hút. “Kiểu này, đêm lạnh và buồn phải biết?”. “Đúng vậy!” - anh Thân Trọng Ca, Trưởng phòng nói ngay. Nói cho đúng, ở đây là Phòng Kỹ thuật truyền dẫn phát sóng, còn gọi trạm là nói vắn tắt cho nhanh. “Ở đây là “đồi gió hú” mà, tâm lý không ổn định không dám ở, gió dữ lắm, nhưng ngán nhất là sét đánh” - anh Ca nói luôn. Mùa dông gió, sét đánh liên tục. Sét theo đường điện cao thế truyền đến. Sét tại chỗ. Nổ râm ran, đì đùng và dữ dội. Mùa mưa, anh em phải đóng kín cửa để bảo vệ máy móc. Ở đây mà gió lớn là hứng đủ. Vừa rồi, nhà đài phải thay hệ thống chống sét hết mấy trăm triệu đồng, vì mười mấy năm đương đầu với “thiên lôi” rồi. Chuyện bão lớn vào quật đổ ngã tháp ăng ten truyền hình nhiều nơi trong năm qua ở một số địa phương, mới lòi ra mấy ông làm ăn gian dối. Tháp này được xây dựng từ năm 1998. Vừa qua kiểm định độ lún, nghiêng, vẫn đảm bảo.  Thông tin này anh Ca nói, và tôi đã từng được nghe từ anh Nguyễn Chín, Giám đốc QRT. Nghĩ ớn thật. Cái ăng ten cao 125m này mà ngã gãy, lỡ như đụng ai, thì nguy. Tôi tò mò, rằng cái chuyện truyền phát sóng này nó ra làm sao? Dạo này VTV và các đài địa phương đã làm cái việc phóng viên dẫn hiện trường, đúng như phong cách báo chí hiện đại. Lên hình, lên sóng, biên tập viên, phóng viên áo xanh, áo đỏ và người ta cũng chỉ cần biết chừng ấy thôi, chứ việc chi phải biết vì sao có được như thế, giống như đâu cần biết nhà in chạy cả đêm để hôm sau cầm tờ báo bắt chân chữ ngũ uống cà phê. “Ừ, nó giống như bên nhà in vậy” - giọng anh Ca đều đều. Ở đây có hai bộ phận truyền dẫn, sửa chữa và khai thác vận hành thiết bị. Công  việc của họ là vận hành máy móc  thiết bị để truyền dẫn tín hiệu, đưa  sóng  QRT và VTV lên sóng, dù  tín hiệu đường truyền ngay tại bản doanh hay trên truyền hình trực tiếp tận Tây Giang.  Quy trình là thế này: phóng viên, biên tập viên làm xong, để vào hệ thống truyền dẫn ở trung tâm, truyền về đây và  phát sóng. Hễ bật ti vi lên mà thấy nói năng hát hò, nghĩa là trạm này đang sáng đèn. Ngồi trước ti vi, phim đang tới đoạn gay cấn, thì không chi điên bằng khi điện không cúp mà ti vi câm như hến, hạt mè nổ tứ tung! “Cái đó là thế này: nếu ở đây mất điện, thì màn hình ti vi sẽ sáng, phẳng, không hề có dấu hiệu gì cả. Còn nếu  trung tâm, cụ thể là ngay tại đài mà mất điện, thì ti vi sẽ có hạt mè” - anh Ca cười. À, ra thế, thế mà lâu nay cứ điên lên là chửi cái ti vi!

“Có ai lên đây chơi không?”. “Không”. Hỏi vậy, chứ tôi biết ai lên đây làm chi. Anh Ca kể, hồi dân xung quanh chưa có điện, họ lên chơi để xem ti vi. Cả trạm 11 người. Buồn tẻ. Ngày nghỉ, càng buồn. Công việc chỉ vậy, nhưng không được phép “tắt đèn”, phải trực 24/24. Tôi nghĩ đến những người trực đèn hải đăng trên biển. Lau đèn, thắp đèn. Chỉ vậy và không được phép dừng, bởi đó là chỗ bám víu đầy hy vọng của những người đi biển khi bị  lạc, khi đuối sức  mà không biết bao giờ về đến đất liền. Trạm phát sóng, không cần nói quá lên, chính là điểm tiếp dẫn của thông tin toàn cầu qua truyền hình. Nếu không có họ, không có hệ thống phát sóng qua vệ tinh của các kênh truyền hình cáp, chảo, thì sẽ buồn  biết bao.

TRUNG VIỆT

TRUNG VIỆT