Một đời nón lá
Trên cánh đồng Võ Xu đang thơm mùi đất mới, những chiếc nón lá nhấp nhô theo từng nhịp gieo hạt... Mặc thời gian trôi, nhiều thế hệ người Quảng Nam sống trên đất Võ Xu (huyện Đức Linh, Bình Thuận) vẫn gắn với nghề làm nón mang theo…
Mang nghề từ quê
Từ hơn 20 năm nay, buổi sáng của bà Nguyễn Thị Chánh (65 tuổi) ở khu phố 2, thị trấn Võ Xu luôn bắt đầu từ 4 giờ sáng thức dậy lấy sương cho lá nón, rồi cẩn thận gói trong mớ lá chuối tươi, để nơi góc ảng nước. Mấy cây tre vừa đủ độ già được chồng bà - ông Trần Thịnh ra khổ và chẻ sẵn thành nan thô để khi rảnh bà ngồi vót lại cho nhuyễn. Bên cái chái nhỏ, con dâu bà - chị Lê Thị Ngọc Yến đang cơi bếp than và cột lại cái túi vải nhỏ đựng cát để chút nữa kéo lá cùng mẹ. Bà Chánh kể: “Hồi xưa nhà tui ở chỗ xóm Bàu, Duy Thành, Duy Xuyên bây chừ đó. Ba tui đan lờ, mẹ tui chằm nón. Đến khi ba tui đi bộ đội hy sinh, má tui cũng nhờ cái nghề chằm nón mà nuôi sống chị em tui. Ngày tui theo chồng vào đây sinh sống, má biểu đem theo cái nghề chằm nón mà phòng thân. Hai đứa con tui giờ ăn học thành tài cũng nhờ mấy cái nón lá tui chằm ngày chằm đêm”.
Mặc thời gian trôi, bà Nguyễn Thị Chánh vẫn gắn bó với nghề làm nón mang theo từ quê hương đất Quảng. Ảnh: M.KIỆT |
Cứ như một lẽ tự nhiên, đến Đức Linh, hỏi thăm bà con đâu là nghề truyền thống ở đây thì tất cả đều trả lời: Nghề làm nón lá. Khắp các con đường có những bụi chè tàu xanh mướt, nhà nào cũng thấy tre, lá nón và nón đã được chằm xong phơi đầy sân. Anh Nguyễn Thế Quang - cán bộ văn xã thị trấn Võ Xu cho biết: “Ở Võ Xu, bà con ở khu phố 2 và 5 sống chủ yếu bằng nghề làm nón. Lúc trước, hồi mới có phong trào đội mũ bảo hiểm cứ tưởng nghề bị mai một đi, nhưng rồi bà con vẫn cứ dùng và sức tiêu thụ ngày một mạnh hơn. Nón lá Võ Xu ngó vậy mà có tiếng quanh vùng, bởi nông dân ở Đức Trọng (Lâm Đồng), Tánh Linh (Bình Thuận), Bà Tô (Vũng Tàu)… vẫn đặt mua về sử dụng”.
Không thể để mai một
Sống trong ngôi nhà xây khá khang trang, nhưng nơi chằm nón, kéo lá của bà Nguyễn Thị Chánh là một góc chái nhỏ, nền đất mát rượi, để đầy các loại dụng cụ làm nón. Khi được hỏi tại sao không vào nhà có nền gạch men, bà cười bảo: “Chằm nón phải ngồi trên nền đất, đi chân không, tay cầm kim cảm giác nó mới thoải mái, cây kim châm mới đều tay”. |
Nghe có khách ở xa ghé thăm, chị Nguyễn Thị Ngọc Hoa (38 tuổi) ở khu phố 5, thị trấn Võ Xu nhanh nhẹn cùng con gái xếp lại hơn 100 chiếc nón lá đang được lặt chỉ. Sống ở Võ Xu hơn 15 năm, cũng là 15 năm chị làm nón lá. Chị Hoa cho biết, nếu trước đây giá 100 đọt lá chỉ có 3.000 đồng thì nay lên đến 35.000 đồng, tre làm nan hồi trước chỉ có 4.000 đồng/cây nay tăng lên 25.000 đồng... Với 100 đọt lá, chị Hoa làm được 25 chiếc nón, mỗi chiếc giá 15.000 - 20.000 đồng tùy loại nón lá đơn hay đôi. Chi phí nguyên vật liệu cao lên nên nhiều hộ không còn làm nghề. Tuy nhiên, với những người lớn tuổi, họ luôn xem đây là một nghề không thể để mai một. Bà Lê Thị Chính (72 tuổi) ở sát bên nhà chị Hoa cho biết: “Nghề làm nón đã nuôi sống chúng tôi, cái nghề mà người Quảng Nam ở đất Võ Xu này rất tự hào. Thời thế thay đổi, lớp trẻ họ có cái nghề của họ, còn tụi tui già rồi, giữ nghề được chừng nào hay chừng ấy. Cứ nhắc đến nón lá là lại nhớ tới quê hương!”. Mời khách một đĩa xôi nếp nấu với khoai lang khô, chị Hoa vẫn thoăn thoắt xếp những chồng nón lá. Giờ chị là người đứng ra thu gom nón là do bà con người Quảng ở Võ Xu làm ra để đưa về những chợ lớn quanh vùng như Bảo Lộc, Bà Tô, thậm chí đưa vào tới Sài Gòn để bán cho bà con ở chợ Bảy Hiền.
Nắng cuối mùa vàng ươm trên những mái nhà, con gái chị Hoa vừa đưa mũi kim lên xuống cái khung chằm được phủ đầy lá nón vừa khe khẽ hát: “...Quê hương là con đò nhỏ, mẹ về nón lá nghiêng che…”.
MINH KIỆT