Dịch vụ y tế cho người nước ngoài: Nhiều khoảng trống
Con số 1,6 triệu lượt khách quốc tế đến Quảng Nam trong năm 2013 vừa được Sở VH-TT&DL công bố. Trong đó, Hội An tiếp tục là tâm điểm thu hút khách quốc tế lưu trú. Sự hoàn thiện về dịch vụ du lịch ở đô thị cổ là điều không cần bàn cãi, nhưng những khoảng trống trong lĩnh vực y tế cho người nước ngoài đang đặt ra nhiều vấn đề cho một thành phố du lịch như Hội An.
Chưa xứng tầm
Lợi thế về giá dịch vụ y tế rẻ, kết hợp với du lịch, vốn là thế mạnh của Hội An đã bắt đầu thu hút một số người nước ngoài đến sử dụng dịch vụ y tế, nhất là ở lĩnh vực nha khoa và một số tiểu phẫu khác. Ông Nguyễn Văn Bình, thành viên HĐQT Bệnh viện Đa khoa Thái Bình Dương cho biết: “Tại Bệnh viện Đa khoa Thái Bình Dương, số khách nước ngoài sử dụng dịch vụ bước đầu đã tăng so với các năm trước. Dịch vụ ở bệnh viện được xây dựng trên cơ sở đáp ứng các tiêu chí của người nước ngoài, nhất là về ngoại ngữ và chất lượng phục vụ, là nền tảng để tạo sự tin tưởng cho du khách, cũng như thỏa mãn những yêu cầu về phía bảo hiểm y tế của người nước ngoài”. Theo phân tích của ông Bình, khác với việc khám chữa bệnh thông thường, người nước ngoài xem khám chữa bệnh là một dịch vụ, nghĩa là bệnh nhân hoàn toàn có quyền lựa chọn đồng ý hay không đồng ý khám chữa bệnh trên cơ sở tư vấn của bệnh viện, chứ không nhất nhất theo yêu cầu của bác sĩ. Ngoài ra, bảo hiểm y tế của người nước ngoài cũng là một yếu tố quyết định việc sử dụng hay không sử dụng dịch vụ y tế, nếu chứng nhận về hoạt động chuyên môn không thỏa mãn yêu cầu.
Cơ sở y tế công lập vẫn chủ yếu khám chữa bệnh cho người dân, chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ cho khách nước ngoài. |
Bác sĩ Trương Văn Thế, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hội An cho biết: “Trong năm, bệnh viện chỉ tiếp nhận một vài ca sơ cứu thông thường cho người nước ngoài. Dù đã xây dựng bảng chi phí khám chữa bệnh cho đối tượng là người nước ngoài, nhưng điều kiện về nhân vật lực của bệnh viện không cho phép bệnh viện lưu bệnh. Bệnh nhân là người nước ngoài chỉ sơ cấp cứu đối với các trường hợp khẩn cấp rồi được chuyển lên Bệnh viện C, Bệnh viện Hoàn Mỹ (Đà Nẵng)”. Trong năm 2013, số ca khám chữa bệnh cho người nước ngoài tại Bệnh viện Đa khoa TP.Hội An chỉ đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu là sơ cứu ... bỏng ống xả xe máy!
Chưa có con số cụ thể về số lượng khách quốc tế sử dụng dịch vụ y tế tại các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, nhưng theo đánh giá chung, con số này còn quá khiêm tốn so với một thành phố du lịch như Hội An. Đa số các trường hợp khám chữa bệnh của người nước ngoài không mang tính “dịch vụ” mà chỉ đơn thuần là cấp cứu, khám chữa bệnh trong các trường hợp tai nạn, ốm đau đột xuất, theo chia sẻ của lãnh đạo các bệnh viện.
Bác sĩ riêng
Lâu nay, du lịch vẫn được xếp vào nhóm văn hóa - xã hội, trong khi xu thế đóng góp vào nền kinh tế của ngành du lịch ngày càng lớn. Chính vì vậy, tình trạng đầu tư manh mún, thiếu nguồn lực của các doanh nghiệp trong lĩnh vực y tế nói riêng đang là trở ngại cho việc phát huy lợi thế của dịch vụ y tế gắn liền với du lịch. “Đơn cử như TP.Hồ Chí Minh, số lượng khách du lịch sử dụng dịch vụ nha khoa, dịch vụ y học cổ truyền khá lớn. Trên thực tế, vấn đề nguồn lực vẫn là khó khăn lớn nhất cho các bệnh viện, đặc biệt là bệnh viện tư nhân khi muốn phát triển dịch vụ y tế cho người nước ngoài, dù Hội An cũng có tiềm năng rất lớn về du lịch” - ông Nguyễn Văn Bình nói. Đối với Bệnh viện Đa khoa Thái Bình Dương, không chỉ đầu tư về cơ sở vật chất, đội ngũ bác sĩ, cán bộ y tế phục vụ khám chữa bệnh đều phải có trình độ ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu phục vụ cho người nước ngoài. Dù là bệnh viện hạng 3, nhưng những hoạt động chuyên môn của bệnh viện đều ở hạng 2, hạng 1 theo cấp phép của Bộ Y tế. Trình độ y khoa và tiêu chí một số phẫu thuật cơ bản ngang bằng, thậm chí cao hơn các bệnh viện ở TP.Đà Nẵng nhưng việc phát triển dịch vụ vẫn gặp nhiều khó khăn.
Những trở ngại về việc phát triển cơ sở y tế đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh cho người nước ngoài tại Hội An khiến các khách sạn, resort tại Hội An “linh động” sử dụng y sĩ, bác sĩ riêng. Y sĩ Trần Văn Hà, phụ trách y tế tại Palm Garden Beach Resort cho biết: “Theo tiêu chí, mỗi khách sạn tiêu chuẩn 4 sao trở lên phải có y tế. Không chỉ sơ cấp cứu cho khách khi có sự cố mà còn kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm, đồ ăn thức uống… Những trường hợp bệnh nặng, cần cấp cứu sẽ liên hệ những bệnh viện lớn, có đầy đủ phương tiện y khoa hiện đại để cứu chữa”. Nhiều khách sạn, resort chủ động liên hệ với các bác sĩ ở Hội An để kịp thời tư vấn, khám bệnh tại chỗ cho người nước ngoài khi có nhu cầu. Đây cũng là đầu mối cho các bệnh viện tiếp nhận và khám chữa bệnh. Nhìn thấy tiềm năng từ lĩnh vực này, các bệnh viện cũng đã bắt đầu đầu tư, phát triển dịch vụ, nhưng để hoạt động dịch vụ một cách hiệu quả là một câu chuyện dài.
“Đầu tư cho y tế cần nguồn lực lớn, nhưng thu lợi lại là cả một quá trình. Vì vậy, cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các bệnh viện cần được nhìn nhận một cách hợp lý mới phát huy hiệu quả từ dịch vụ y tế cho người nước ngoài như mong đợi” - ông Bình chia sẻ. Lấp chỗ trống cho dịch vụ y tế hướng đến người nước ngoài, vẫn còn nhiều việc phải làm.
PHƯƠNG GIANG - MINH HẢI