Bếp lửa chưa thể ấm…
Mùa cưới vô tình lại trở thành gánh nặng với không ít gia đình đồng bào vùng cao, bởi hệ lụy của tập tục “thách cưới” vẫn chưa có lối thoát. Tôi đã từng đặt chân đến khắp các bản làng của đồng bào Cơ Tu, chứng kiến rất nhiều đám cưới và được nghe nhiều câu chuyện về tập tục thách cưới của đồng bào. Cứ mỗi lần như thế, trong tôi đều xót xa...
Bán đất để lo cưới
Tiếng trống K’thu vang vọng gọi hồn núi - báo tin một mùa cưới lại về. Khắp đầu làng cuối xóm, đồng bào Cơ Tu đã hội tụ về nhà chú rể để cùng chuẩn bị cho ngày cưới đầu xuân. Một cụ già mặc bộ áo dài, khăn đóng đón tôi như một khách quý rồi ra hiệu cho đám thanh niên làm mâm rượu nhập cuộc vui.
Quang cảnh lễ hội ở vùng cao trong một đám cưới lớn. |
Sau ba hồi trống, đoàn nhà gái bám theo “người dẫn đường” tiến thẳng vào nhà chú rể. Một không khí đám cưới khá nhộn nhịp. Tiếng người hòa lẫn cùng tiếng kêu eng éc của lũ heo bị trói, nằm la liệt dưới đất. Tôi đếm vội, tất cả là tám con. Nhỏ nhất cũng hơn ba gang tay vòng lại, giá rẻ cũng vài triệu đồng. Alăng D., chú rể của lễ cưới ghé tai tôi nói nhỏ: “Mới bán đất gần nhà để làm đám cưới đó. Giá hơn ba mươi triệu. Đứt luôn”. Nhà nghèo, mẹ lại mất sớm, D. cùng bốn chị em sống lay lắt nhờ sự cưu mang của người bố đã trạc sáu mươi. Nghèo khó, cứ thế trôi qua. Rồi cũng đến ngày D. bắt vợ. Một cô vợ xinh xắn ở tít làng Chờ Nét (xã A Ting, Đông Giang). Nhà cô gái thách cưới phải kiếm đủ tám con heo cùng vài món đồ khác để rước dâu về. Túng bấn, bố của D. đành bán “đứt” miếng đất cạnh nhà để lo đám cưới cho con. “Không bán đất lấy đâu ra tiền mà làm đám cưới. Chấp nhận rứa thôi!” - ông Quýt, bố D. ngậm ngùi. Giữa cuộc vui, tôi đến gần vài người khách nhà gái và buông một câu bâng quơ: “Nhiều heo thế ăn sao cho hết?”. Cô gái chừng đôi mươi, nhìn tôi vẻ sửng sốt, đáp gọn: “Bà con, họ hàng có đến cả chục”. Phía dưới sân đất, đàn heo vẫn kêu eng éc giữa tiếng trống chiêng thúc giục, chuẩn bị lễ cúng Giàng theo phong tục của người Cơ Tu.
Bị nhà cô dâu “thách cưới”, anh D. phải bán đất mua 11 con heo. |
Anh bạn tôi Alăng B. ở xã Sông Kôn (huyện Đông Giang) cho hay, thực ra câu chuyện về một vài gia đình người Cơ Tu ở Đông Giang bán đất để làm đám cưới cho con cái đã có từ nhiều năm trước. Nhưng từ hơn nửa năm nay, tình trạng đó bỗng rộ lên khá nhiều ở một số vùng như một “trào lưu” mới. Anh B. nói toạc ra những cái khó trong công tác tuyên truyền với đồng bào, nhất là chuyện hệ trọng như cưới hỏi. “Làm sao cản. Bán đất để lấy tiền lo chuyện cưới hỏi cho con cái, thấy cũng chính đáng. Chỉ tội cho thế hệ con cháu sau này thôi” - B. nói như chấp nhận với “trào lưu” đang hình thành ngay chính thôn bản của mình. Ở vài thôn của xã Sông Kôn, mặc dù chuyện bán đất để làm đám cưới chỉ xảy ra ở một số hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn nhưng cũng kéo theo không ít hệ lụy trong đời sống văn hóa của đồng bào. Đó là chưa kể đến khoản nợ nần mua sắm các loại tặng phẩm bánh kẹo, chè chiếu, mã não… cho nhà gái. Cứ thế, nợ chồng nợ, lời đồn về tục “mua vợ” của đồng bào vùng cao nghĩ cũng không lấy gì gọi là sai nghĩa.
Hủ tục khiến đời sống của đồng bào vùng cao chưa thể “ấm hơn”. |
Chưa có hồi kết
Các buôn làng vùng cao bây giờ đã khác xưa rất nhiều, như đang khoác trên mình màu áo mới, một diện mạo rất đáng tự hào. Nhưng có một nghịch lý khác đang tồn tại, vòng luẩn quẩn của hủ tục cứ lặp đi lặp lại, tạo nên một màu đen nhức nhối. Túng bấn, nghèo khổ, thất học…, những chuỗi đời cơ cực còn theo suốt họ dai dẳng. Trong tôi, có nỗi ám ảnh khi nghĩ về một góc bếp chưa thể ấm sau những câu chuyện về hủ tục vẫn chưa có hồi kết.
Mùa cưới Cơ Tu Không ai biết từ bao giờ, mùa xuân lại trở thành mùa cưới của đồng bào Cơ Tu sống trên dãy Trường Sơn hùng vĩ. Theo cách lý giải của những bậc cao niên thì mùa xuân thường có tiết trời ấm áp, chim muông theo bầy đàn, nương rẫy đã xong mùa gặt. Vì thế, đồng bào Cơ Tu cũng vào mùa nhàn rỗi, tự thưởng cho mình những ghè rượu cần ngon nhất để hưởng thụ sau một năm ròng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Người Cơ Tu thường có hai loại hình đám cưới. Một là “đám cưới nhỏ” (tiếng Cơ Tu là têng bhiệc ếp) chỉ giết heo, gà… chứ không có đâm trâu, múa cồng chiêng và chỉ diễn ra một ngày. Còn “đám cưới lớn” (têng bhiệc zal) thì hiển nhiên có đâm trâu, múa cồng chiêng và kéo dài đến hai ngày liền. Giữa tiết trời mùa xuân, cuộc vui ngày cưới của đồng bào cứ thế liên tiếp diễn ra và kéo dài cả hàng tháng trời. Bởi vậy, nhiều người hay nói đùa rằng, mùa xuân là mùa cưới và cũng là mùa “ăn chơi” với nhiều lễ hội truyền thống độc đáo riêng của đồng bào vùng cao. |
Cuộc đời thăng trầm, cũng có nhiều câu chuyện mà đôi khi các già làng không muốn kể cho con cháu nghe. Một khoảng không trầm lắng như con sông chảy dài về tận hạ nguồn, không còn gì luyến tiếc. Đi nhiều nơi, ở vùng nào tôi cũng thấy hủ tục vẫn còn bám víu trên từng nóc nhà, trở thành một nỗi ám ảnh đối với rất nhiều người miền núi. Chính họ cũng không có một lời giải thích, rất lạ lùng. Nheo nhóc, đen đúa, gầy còm… là những gì mà tôi thường thấy ở đàn con của họ - những mái nhà chưa thể ấm giữa chốn thâm sơn cùng cốc. Và câu chuyện về một “bi kịch đời thường” của chàng trai Cơ Tu Đinh Văn L. ở xã Ba (Đông Giang) chợt khiến nhiều người xót xa. Từ một chàng trai siêng năng, chăm chỉ bỗng chốc L. trở thành một người đàn ông suốt ngày chỉ biết bầu bạn với rượu chè, kể từ khi người yêu đi lấy chồng. Kể cũng lạ nhưng cái éo le thì vẫn luôn hiển nhiên vậy, tàn phá một đời người chỉ trong phút chốc. “Cũng vì nhà gái thách cưới thôi. Nhà hắn nghèo nên bán miếng đất. Nhưng ngày cưới chưa đến thì người yêu hắn đi lấy chồng về tận Tây Giang. Nó sốc nặng và chẳng buồn nói chuyện với ai. Tiền bán đất, cứ thế nó lao vào cuộc vui rượu chè một cách vô hồn” - anh Alăng G. - một người hàng xóm kể vội như sợ để ai đó nhìn thấy, mang điều tiếng không hay.
Đêm. Bếp lửa nhà sàn khói nghi ngút bên những ống tre đang được vài thanh niên làng của một ngôi làng người Cơ Tu của huyện Đông Giang hì hục nướng cá. Những đứa con của ông Alăng N. nằm co ro giữa đêm lạnh. Ngày mai, làng này lại có một cuộc vui mới. Ngày cưới của cô dâu chỉ bước qua tuổi mười ba, hồn nhiên ngồi cười đùa bên góc bếp cùng với lũ làng. Bên ché rượu cần, ông N. cùng vợ ngồi tính đến chuyện đòi của “hồi môn” cho cô con gái…
Ghi chép của LĂNG A CÚI