Học luật từ những tình huống

CHÂU NỮ 08/01/2014 08:43

Gần một năm nay, chương trình “Sinh hoạt pháp luật” vào chiều thứ Sáu hằng tuần đã trở thành nếp quen ở đơn vị Thanh tra Công an tỉnh, không chỉ gây hứng thú cho cán bộ chiến sĩ đơn vị mà còn được cấp trên đánh giá cao.

Một buổi “Sinh hoạt pháp luật” ở đơn vị Thanh tra Công an tỉnh.
Một buổi “Sinh hoạt pháp luật” ở đơn vị Thanh tra Công an tỉnh.

Thượng tá Đinh Xuân Nghĩ - Chánh Thanh tra Công an Quảng Nam cho biết, để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đồng thời xuất phát từ thực tế hầu hết cán bộ còn trẻ, có chuyên môn nghiệp vụ nhưng thiếu kinh nghiệm thực tế, nên đơn vị tổ chức sinh hoạt pháp luật định kỳ vào chiều thứ Sáu hằng tuần để trau dồi thêm. Thời gian đầu, chương trình chỉ đơn thuần là phổ biến các văn bản luật pháp luật mới ban hành, nên khá đơn điệu, ít hiệu quả. Còn bây giờ, hình thức sinh hoạt đã được đổi mới, lồng ghép phổ biến kiến thức pháp luật với việc thảo luận, giải quyết các tình huống pháp luật đã xảy ra trong thực tế, tình huống giả định - do chính cán bộ chiến sĩ đề xuất và đều liên quan mật thiết với công việc thường ngày của mỗi người.

Giải quyết tình huống

Hầu như buổi “Sinh hoạt pháp luật” tuần nào của đơn vị Thanh tra Công an tỉnh cũng rất “nóng” với những tranh luận “nảy lửa” để tìm “đáp án” đúng. Mới đây nhất, trong buổi sinh hoạt cuối năm 2013, Đại úy Nguyễn Xuân Tiến - Đội phó Đội xét khiếu tố nêu tình huống: “Công ty TNHH Y. được Sở Kế hoạch - đầu tư tỉnh X. ra quyết định thành lập, hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản. Tháng 10.2012, Thanh tra tỉnh X. đến công bố quyết định thanh tra tại Công ty TNHH Y., theo kế hoạch được UBND tỉnh X. phê duyệt. Nhưng lãnh đạo công ty phản đối quyết định thanh tra vì cho rằng chỉ có Thanh tra Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh X. mới có thẩm quyền thanh tra công ty mình. Vậy, hành vi của lãnh đạo Công ty TNHH Y. có trái với quy định pháp luật về thanh tra hay không? Tại sao? Thanh tra tỉnh X. có thẩm quyền thanh tra doanh nghiệp này không?”. Ngay sau khi tình huống được đưa ra, hàng chục lượt ý kiến thảo luận bằng việc viện dẫn những điều luật thật sôi nổi. Có ý kiến cho rằng doanh nghiệp phản ứng đúng theo Luật Doanh nghiệp, lập tức có ý kiến “phản kháng” bằng dẫn chứng của Luật Thanh tra. Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến tranh luận tại buổi sinh hoạt, Thượng tá Đinh Xuân Nghĩ phân tích cụ thể từng ý kiến, và nêu quan điểm giải quyết của mình dựa vào các điều cụ thể của Luật Thanh tra. Khi tất cả các cán bộ, chiến sĩ đều “tâm phục, khẩu phục”, cuộc tranh luận mới dừng lại.

Tình huống khác: “Một công dân tố cáo cán bộ Cục Thuế tỉnh X. móc nối với công ty lập hóa đơn khống để tham ô tiền hoàn thuế giá trị gia tăng của Nhà nước. Người tố cáo đề nghị cơ quan công an cần có biện pháp bảo vệ bản thân và gia đình của họ. Trường hợp này cán bộ tiếp công dân phải tham mưu hướng giải quyết cho lãnh đạo như thế nào?”. Tình huống này cũng có hàng chục ý kiến, gần giống nhau cũng có, trái ngược nhau cũng có... Qua phân tích, tranh luận, mọi người đã “gặp” nhau ở một điểm: Nhiệm vụ của cán bộ thanh tra là tiếp đón, ghi nhận tất cả ý kiến của công dân đến khiếu nại, tố cáo; việc xem xét và chuyển đơn đến các cơ quan liên quan là nhiệm vụ của cán bộ thanh tra...

Thêm kiến thức, thêm kinh nghiệm

Thượng sĩ Bùi Anh Tiến, công tác tại Đội xét khiếu tố - thanh tra Công an tỉnh được 3 năm, cho biết: “Tuy đã được trang bị kiến thức pháp luật trong trường học nhưng là cán bộ trẻ nên tôi còn ít kinh nghiệm thực tiễn trong giải quyết công việc. Qua những buổi sinh hoạt như thế này, tôi có thêm kinh nghiệm và cũng nâng cao hơn kiến thức về pháp luật”. Trong khi đó, theo Thiếu tá Nguyễn Thị Phương Nam - Đội trưởng tham mưu thanh tra Công an tỉnh, nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ thanh tra là tiếp công dân, thanh tra giải quyết khiếu nại tố cáo, thanh tra chuyên đề, nên điều quan trọng là phải nắm rõ và cập nhật kịp thời các điều luật, nhất là các văn bản pháp luật mới ban hành để giải quyết công việc đúng và hiệu quả. Việc tổ chức “Sinh hoạt pháp luật” như thế này, nhất là qua tranh luận để tìm “đáp án” đúng về một tình huống cụ thể nào đó, đã giúp cán bộ thanh tra nhớ lâu, biết thêm kinh nghiệm thực tế, vỡ ra nhiều vấn đề... Chính vì thế, không khí những buổi “Sinh hoạt pháp luật” bao giờ cũng sôi nổi.

“Cái được lớn nhất của việc đổi mới hình thức sinh hoạt pháp luật đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác của cán bộ, chiến sĩ thanh tra Công an tỉnh” - Thượng tá Đinh Xuân Nghĩ nói. Năm 2013, Thanh tra Công an tỉnh 2 lần được Giám đốc Công an tỉnh tặng giấy khen. Riêng đồng chí Đinh Xuân Nghĩ được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì thành tích xuất sắc nhiệm vụ trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong năm, đơn vị đã thực hiện thanh tra hành chính 20 cuộc đối với 20 công an đơn vị, địa phương; thanh tra chuyên ngành 30 cuộc đối với 5 UBND huyện và 25 xã, phường, thị trấn; kiểm tra 36 cuộc về kết quả thực hiện kết luận thanh tra chuyên đề năm 2013, thực hiện pháp luật về phòng - chống tham nhũng, trách nhiệm của thủ trưởng trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tiếp hơn 100 lượt công dân; nhận 281 đơn thư các loại và đã giải quyết 281 đơn, đạt 100%...

CHÂU NỮ

CHÂU NỮ