Thực hiện nhiệm vụ năm 2014: Đồng bộ các giải pháp
Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân đón Tết Nguyên đán Giáp Ngọ an toàn, đầm ấm; thắt chặt chi tiêu; dứt khoát trong lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội… là những giải pháp đáng chú ý được UBND tỉnh đề ra trong nhiệm vụ công tác năm 2014.
Chuẩn bị tết chu đáo
Đến nay, nhiều địa phương đã lên kế hoạch, phương án tổ chức cho nhân dân vui xuân đón tết. Chính quyền các huyện, thành phố đã lên danh sách nhu cầu cứu trợ gạo đối với các trường hợp khó khăn. Cuối năm 2013, Trung ương phân bổ cho tỉnh 2.500 tấn gạo phục vụ tết cho người nghèo. Ông Lê Sáu – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, thời điểm này, các địa phương đều đã đề nghị tỉnh phân bổ lương thực, trừ TP.Tam Kỳ. Hiện UBND tỉnh phê duyệt danh sách đối tượng, mức thăm hỏi và nguồn kinh phí hỗ trợ cho các địa phương, đơn vị để thăm hỏi các đối tượng chính sách nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ năm 2014 với tổng kinh phí 36,5 tỷ đồng. Dự kiến, dịp tết hơn 500 đối tượng nuôi dưỡng trong các cơ sở bảo trợ xã hội sẽ được hỗ trợ với mức 500 nghìn đồng/người. Những trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở miền núi sẽ được thăm hỏi, tặng quà. “Với số gạo của Trung ương, cộng với nguồn lực của tỉnh, chúng tôi khẳng định sẽ không để những trường hợp thực sự khó khăn mà không được hỗ trợ suất quà trong dịp tết này. Thêm nữa, ngành sẽ đôn đốc hoàn thành nhà ở cho người có công trước ngày 25.1” – ông Sáu nói.
Chủ tịch UBND tỉnh điều hành hội nghị trực tuyến về triển khai công tác năm 2014, chuẩn bị đón Tết Nguyên đán. Ảnh: T.H |
Trong khi đó, từ khi có Công điện của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong đợt nghỉ Tết Nguyên đán và lễ hội Xuân 2014, ngành giao thông vận tải đã lên kế hoạch kiểm soát chặt chẽ các bến khách ngang sông, xử lý cương quyết các trường hợp vi phạm. Cạnh đó, xây dựng phương án giải tỏa khách ùn đọng tại các nhà ga, bến tàu, bến xe, sân bay, bảo đảm không để khách phải ở lại qua đêm tại các điểm trên trong đêm 30 tết vì không có vé; triển khai các biện pháp ngăn chặn tình trạng đua xe trái phép ở khu vực đô thị. Từ đầu tháng 1, các đơn vị quản lý đường bộ đồng loạt ra quân chỉnh trang kết cấu hạ tầng giao thông, sửa chữa nền, mặt đường bị hư hỏng, xuống cấp, vá ổ gà… nhằm đảm bảo giao thông thông suốt. Đối với những công trình không hoàn thành trước tết, UBND tỉnh yêu cầu các nhà thầu chủ động dừng thi công. Ông Trương Văn Cận, Giám đốc Sở Giao thông vận tải khẳng định, ngành sẽ ưu tiên khắc phục những đoạn quốc lộ, tỉnh lộ hư hỏng, đoạn đường bộ có nguy cơ bị sạt lở. Đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các hành vi xâm hại công trình giao thông và hành lang an toàn đường bộ. Cũng theo ông Cận, dịp tết, lực lượng chức năng cũng kiểm soát chặt chẽ giao thông đường thủy nội địa, nhất là tuyến vận tải Hội An - Cù Lao Chàm, Cẩm Thanh - Duy Nghĩa, Cẩm Thanh - Duy Hải, Hội An - Cẩm Kim, Hội An - Duy Nghĩa…
Thắt chặt chi tiêu, đầu tư
Thông điệp năm 2014 của UBND tỉnh là nhất quán trong chỉ đạo, điều hành thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế. Theo Giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư Trần Văn Tri, năm nay, tinh thần chung của tỉnh là chỉ đầu tư xây mới những dự án thực sự cần thiết. Nguyên tắc bố trí vốn trong lĩnh vực xây dựng cơ bản sẽ quán triệt theo Chỉ thị 27 của Thủ tướng Chính phủ nên không thể có chuyện “linh hoạt”, “lách léo” trong phân bổ vốn. “Tinh thần chung là chỉ bố trí vốn cho các dự án đã hoàn thành và đã bàn giao đưa vào sử dụng trước ngày 31.12.2013 nhưng chưa bố trí đủ vốn. Trong đó ưu tiên bố trí đủ vốn cho các dự án, công trình đã quyết toán; hoàn trả vốn ứng trước ngân sách và trả tạm ứng vốn tồn ngân kho bạc nhà nước theo quy định” – ông Tri nói.
Các chỉ tiêu phấn đấu trong năm 2014: Tổng sản phẩm nội địa (GRDP) tăng 11,5% so với thực hiện năm 2013; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 22%; thu nội địa tăng 11,6%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm khoảng 31,5% GRDP; tạo việc làm mới 41.000 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo 51%; giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 13%. |
Các địa phương miền núi kiến nghị, Trung ương, tỉnh cần phân bổ thêm vốn đầu tư cho các chương trình giảm nghèo, phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, miền núi, đặc biệt là 6 huyện nghèo theo Nghị Quyết 30a. Ông Đỗ Tài – Chủ tịch UBND huyện Đông Giang đề nghị tỉnh cần mạnh dạn bàn giao những diện tích đất lâm nghiệp do các đơn vị, tổ chức quản lý về cho địa phương sử dụng, vì thực tế đồng bào dân tộc thiểu số rất cần quỹ đất sản xuất, trồng trọt. Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang, thời gian qua, tỉnh đã nỗ lực trong quy hoạch chi tiết 3 loại rừng; tổ chức, sắp xếp lại các lâm trường, ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ theo hướng tinh gọn, hiệu quả, khoa học. Mục tiêu giảm nghèo, xây dựng chương trình nông thôn mới cũng sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm. Huy động mọi nguồn lực để xây hơn 200km đường bê tông nông thôn nhằm phấn đấu đến năm 2015 hoàn thành chương trình theo Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra.
Năm 2014 cũng là năm tỉnh gương mẫu trong tiết kiệm chi tiêu, cắt giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, công tác nước ngoài… Cương quyết không mua xe công, trừ xe chuyên dùng theo quy định. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh, năm nay, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện ba đột phá chiến lược về hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, cải thiện môi trường đầu tư. Đồng thời tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu nông nghiệp gắn liền với xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu dịch vụ và công nghiệp. “Phải quyết liệt hơn trong giám sát, tái cơ cấu đầu tư công. Ưu tiên bố trí vốn cho các dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2014 – 2015. Đối với các dự án không bố trí được vốn thì chuyển sang thực hiện đầu tư theo hình thức khác, hoặc tạm thời đình hoãn, chuyển sang giai đoạn sau năm 2015. Tăng cường quản lý đầu tư, thanh tra, giám sát, đảm bảo chất lượng các công trình” – Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh nhấn mạnh.
TRẦN HỮU