Chốn mộng mơ Đà Lạt

SONG ANH 04/01/2014 11:38

Từ café, con người đến không gian văn hóa, Đà Lạt luôn có chỗ để bạn thưởng thức.

Café

Hình như cái thói quen khi đến một địa điểm mới – khác nơi mình ở thì phải tìm đến quán café đã mặc nhiên với nhiều chuyến đi của tôi. Café Đà Lạt, ấp lòng bàn tay vào ly, thấy mình như ấm hơn giữa một cuộc đi đơn độc. Khu Hòa Bình với đầy rẫy quán café cùng nhiều phong cách khác nhau. Indoor hay outdoor là do cách bạn chọn để nhìn thành phố này di chuyển. Trên những triền dốc thoai thoải, các quán café với bố cục không gian làm sao để khách có thể vừa nhấp một loại thức uống vừa dõi mắt ra phía cảnh ngoài kia. Indoor để bạn có khoảng lặng đủ ấm áp, sau lớp cửa kính vẫn có thể nhìn mưa Đà Lạt thả xuống phố như thể những cánh hoa li ti đang rơi, nghe một đĩa nhạc Pháp và để cảm xúc của mình rơi tự do. Còn những dãy ghế sofa bày ngoài kia, nơi giới nghệ sĩ và nhiếp ảnh gia tự đặt chỗ cho mình, khách có thể nghe muôn ngàn chuyện từ nhiều phía. Một người bạn tôi là dân gốc Đà Lạt, hệt như những tiểu thư châu Âu từ thuở nào vẫn thường rủ bè bạn, khi đến Đà Lạt thì vào café Tùng. Ở đây, chỉ phục vụ loại nhạc cổ điển, tiền chiến… được mở bằng những đĩa nhạc thu âm trước giải phóng. Café ở đây đậm đặc, mùi café rang phảng phất trong từng ngách nhỏ.

Một góc thành phố Đà Lạt. Ảnh: SONG ANH
Một góc thành phố Đà Lạt. Ảnh: SONG ANH

Café Đà Lạt, có những chốn chỉ dành cho người dân Đà Lạt, vẫn cái gu âm nhạc tiền chiến, vẫn những ly café đen nóng nguyên chất, nhưng quán thì nhẹ nhàng như thể tính cách người dân nơi này. Không cầu kỳ, chỉ một góc nhỏ với vài ba chiếc bàn gỗ, người đàn ông rít một hơi thuốc dài, trao đổi dăm câu chuyện với bạn già, cạn café lại châm thêm nước trà từ cái tích nhôm… Nó chỉ vậy thôi nhưng lại khiến người ta cứ nhớ nhung khi đã từng ngồi ở góc này, góc kia. Chỉ là góc thôi, vì quán không tên. Cả trong những thao thức về ngõ hẻm Đà Lạt, tôi vẫn không thôi nghĩ về cảm giác khi một mình ngồi trong những góc quán này, nghe bàn bên cạnh u hoài kể về câu chuyện chợ đêm Đà Lạt.

Đà Lạt có những con người khi nhắc đến tên – người ta đã nghĩ ngay ra nơi này. “Người đàn bà điên” của quán Cung tơ chiều, hơn 10 năm rồi vẫn giữ cái cung cách phục vụ café như vậy, với giọng hát liêu trai bên cây guitar hòa vào cái se sắt của tiết trời Đà Lạt. Vậy là dù khó đến mấy người vẫn tìm về đây, bên nỗi buồn hoang vu của dinh Bảo Đại về đêm, giọng ca của người đàn bà mộc mạc làm nên nỗi nhớ với thành phố này. Hay “những giọt sương” tinh khiết trong ảnh của MPK, và Phước ngoài đời… vẫn là những dị biệt đáng yêu mà Đà Lạt để lại trong lòng người. Cánh nhà báo lên cao nguyên còn hay tìm đến Nguyễn Hàng Tình, người Quảng Nam gốc, để nghe anh kể chuyện xứ núi – những câu chuyện đằng sau thành phố du lịch, những trăn trở bao năm qua Tình vẫn vướng víu. Nhưng MPK còn dễ tìm hơn Nguyễn Hàng Tình…

Chợ đêm Đà Lạt.
Chợ đêm Đà Lạt.

Hoa và cồng chiêng

Đến Đà Lạt mà không ngắm hoa, e rằng sẽ mất đi nửa hành trình. Không cần phải đến tận vườn hoa thành phố mới thấy những nét kiêu sa của hoa. Hoa dại mọc hai bên đường, hoa bám trên cây lưu niên, trên mái nhà, những bồn hoa rực rỡ sắc màu tại những ngả đầu phố… cũng đủ làm du khách say mê. Tôi đã hỏi, liệu Đà Lạt ra sao khi không có ngàn hoa? Và bạn người Đà Lạt trả lời tôi, rằng thành phố này đẹp trong từng ngôi biệt thự, từng những cánh rừng, từng hàng quán và cả trong từng cánh hoa. “Đà Lạt không thể không có hoa” - bạn nói. Vậy là còn may, vì trong cảnh “chạy đua” bê tông như hiện nay, người Đà Lạt còn ý thức được rằng, nếu không có cảnh thiên nhiên, họ sẽ mất dần thành phố của mình.

Hoa bất tử ở Đà Lạt.
Hoa bất tử ở Đà Lạt.

Trước khi trở lại Đà Lạt sau nhiều năm, tôi có đọc qua “Giã biệt hoang vu” của Nguyễn Hàng Tình. Và đã rất thích thú khi đọc đến phóng sự “Cả làng thành… nghệ sĩ” của anh. Thật không ngờ, không cần phải đến tận chân núi Langbiang tôi cũng được xem tận mắt cồng chiêng Tây Nguyên, cả một cộng đồng nghệ sĩ bước ra từ đại ngàn. Ngay tại Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng, nằm ngay trung tâm TP.Đà Lạt, một nhóm nhạc đến từ xã Lát (huyện Lạch Dương, Lâm Đồng) mang tên Hoa Langbiang với 18 thành viên, trang bị đủ nhạc cụ dân tộc như trống, cồng, chiêng, đàn tơ-rưng... Họ say sưa biểu diễn, dù không có bếp lửa và không gian cũng không được mang tính “bản sắc” cho lắm. Nghệ nhân Cil Jak (52 tuổi, nhóm trưởng nhóm nhạc Hoa Langbiang) cho biết: “Riêng làng tôi có hơn 10 nhóm nhạc tự thành lập, tự tổ chức biểu diễn phục vụ du khách. Ngày mùa nương rẫy thì chỉ diễn buổi tối ở Langbiang, còn hết mùa, có đoàn ở thành phố kêu diễn thì nhóm đi thôi”. Người nhỏ nhất nhóm nhạc này là em Cil Bun, 13 tuổi. Em hồn nhiên cho biết bình quân mỗi ngày hát, múa phục vụ du khách, em được trả thù lao 50 nghìn đồng. Nhiều thiếu nữ tuổi mười tám đôi mươi như em Cli Trip, Cil Bel…ngoài tiếng hát, điệu múa mộc mạc, các em còn có vẻ đẹp dịu dàng, mơn mởn của những cô sơn nữ vùng này. Em Cli Trip cho biết, hầu hết thành viên là người dân tộc Lạch, là chị em họ với nhau.  Nhìn họ, lại nghĩ về những nhóm cồng chiêng của đồng bào Cơ Tu xứ mình. Có khác nhau mấy đâu, dù cho mục đích của những nhóm nhạc ở Langbiang là biểu diễn, làm du lịch, nhưng cái cuối cùng họ có được, ấy là cồng chiêng được truyền và gìn giữ qua nhiều thế hệ.

Thời gian này, tại TP.Đà Lạt đang có rất nhiều hoạt động nằm trong chương trình Tuần văn hóa du lịch 2013 gồm 3 sự kiện chính: chào mừng 120 năm Đà Lạt hình thành và phát triển, công bố Năm du lịch quốc gia 2014 Tây Nguyên – Đà Lạt và Festival hoa Đà Lạt lần thứ 5 (2013 – 2014) chính thức bắt đầu vào ngày 30.12.

Đến Đà Lạt, nếu chưa nghe cồng chiêng, chưa lê la café để nghe những người đàn ông Đà Lạt bàn chuyện đông tây thì có thể bạn chưa hòa vào nhịp sống nơi này. Còn nếu chưa đến đây lần nào, thì có rất nhiều gợi ý cho những nơi chốn bạn nên đi như núi Langbiang, Suối Vàng, dạo xe lên đèo Prenn rồi vòng xuống hồ Tuyền Lâm. Sau đó bạn cũng nên dành thời gian thăm thú các kiến trúc châu Âu tại đây như trường Đại học Đà Lạt – ngôi trường được mệnh danh là trường Đại học thơ mộng nhất Việt Nam, trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, nhà thờ Mai Anh, các dinh thự của vua Bảo Đại… Còn những địa danh đã đi vào nhạc thơ như hồ Than Thở, Thung lũng tình yêu, thác Cam Ly thì tôi khuyên bạn không nên đi vào thời điểm này, vì nó đã mất đi rất nhiều dáng vóc của thuở xa xưa. Nhưng bạn đừng vội buồn, bởi ở thành phố ngàn hoa, đừng để những tiểu tiết buồn phá vỡ cảnh thi vị.

SONG ANH

SONG ANH