"Khen" và "thưởng"
Đến thời điểm này, nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp... đã tổ chức tổng kết năm. Theo đó, những cán bộ, công nhân viên chức có thành tích tốt được nhận giấy chứng nhận danh hiệu thi đua, giấy khen, bằng khen (sau đây gọi chung là giấy khen) kèm một khoản tiền thưởng nhất định. Tuy nhiên, việc tặng và nhận giấy khen cũng có đôi điều cần nói.
Cách đây vài năm, ở một cơ quan văn hóa nọ, khi được trao tiền thưởng kèm giấy khen, một số cán bộ viên chức chỉ nhận tiền, còn giấy khen nhờ bộ phận văn phòng... giữ giúp. Sau tết vài ba tháng, văn phòng cơ quan vẫn còn nhiều giấy khen chưa có người nhận. Sau đó, trong một buổi sinh hoạt, thông qua một câu chuyện kể về “bánh mì” và “hoa hồng” khá thú vị, vị thủ trưởng cơ quan đã tế nhị nhắc nhở cán bộ công chức, đại thể: ai cũng cần “bánh mì” để sống, nhưng nếu chỉ quan tâm đến “bánh mì” để rồi bỏ quên “hoa hồng”, cuộc sống sẽ trở nên đơn điệu và nhuốm màu thực dụng. Sau câu chuyện ấy, số giấy khen “tồn đọng” ở cơ quan nọ đã được các chủ nhân đến nhận!
Cũng có chuyện ngược lại. Cuối năm, nhiều tập thể, cá nhân được cấp trên khen thưởng. Quyết định khen thưởng đã có, tiền thưởng được nhận trước nhưng giấy khen, do thời gian gấp rút, chưa in kịp, đành phải nhận sau! Được khen thưởng đương nhiên là vui nhưng nhận thưởng kiểu này xem ra chưa trọn vẹn!
Chợt nhớ có lần tôi được thay mặt cho ban đại diện cha mẹ học sinh trao phần thưởng cho những học sinh xuất sắc cho một lớp học nọ. Phần thưởng tuy không lớn, chỉ là vài quyển vở, bút, thước và bánh kẹo kèm với một “Bảng danh dự”, chứng nhận học sinh đạt thành tích tốt trong học tập và rèn luyện. Khi nhận thưởng xong, một số em đã vứt ngay giấy chứng nhận, chỉ giữ lại quà.
Xem ra “ứng xử” với giấy khen sao cho có văn hóa là chuyện không nhỏ.
T.DÂN