Kết toán ngân sách năm 2013: Khả quan… nhưng vẫn lo!
(QNO) - Tính đến 16 giờ 30 ngày 30.12.2013, tổng thu, chi ngân sách nhà nước hay tốc độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư dù chưa đạt kế hoạch, nhưng vẫn được xem là khả quan trong bối cảnh nền kinh tế vẫn chưa vượt được “bão” khó khăn.
Những con số
Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước Quảng Nam, tất cả các khoản thu ngân sách nhà nước năm 2013 dù chưa đạt yêu cầu 100%, nhưng đã cao hơn rất nhiều so với năm 2012. Nếu như kết toán ngân sách năm 2012, tồng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn chỉ đạt khoảng 63% dự toán, bằng 87% so với cùng kỳ năm 2011 thì đến 16h30 phút ngày 30-12-2013, tổng số thu ngân sách nhà nước năm 2013 đã đạt 6.541 tỷ đồng (ngân sách TW 1.404 tỷ đồng (89%) và ngân sách địa phương 5.137 tỷ đồng (99%), bằng 96,4% dự toán và tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Chiếm ưu thế vẫn là thu nội địa 4.715 tỷ đồng, tăng 18% cùng kỳ năm trước và đạt 105 dự toán. Trong đó, khoản thu từ kinh tế ngoài quốc doanh và thu từ đất đều vượt 100% dự toán, lần lượt là 115% và 103%. Số còn lại thu từ doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nhà nước dù chưa đạt kế hoạch nhưng vẫn đạt đến 94% và 88%. Thu xuất nhập khẩu dù chỉ đạt 1.394 tỷ đồng (89% dự toán), nhưng cũng đã tăng 25% so với năm ngoái và thu để lại chi qua ngân sách nhà nước cũng tăng 26%. Tuy nhiên, về phía chi ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2013 đã bị giảm sút khá nhiều khi chỉ đạt 77% với 14.122 tỷ đồng (ngân sách TW tăng 10% nhưng chỉ đạt 64% và ngân sách địa phương lại giảm 3%, chỉ đạt 83% dự toán).
Doanh nghiệp xoay xở trong khó khăn nên đóng góp vào nguồn thu ngân sách hạn chế hơn. |
Không như những dự báo lo ngại rằng trước tình trạng khủng hoảng kinh tế, doanh nghiệp rơi vào vòng xoáy của sự đình đốn sản xuất, lẫn không thể giải phóng được hàng tồn kho, những con số được công bố này cho thấy lượng thu ngân sách vẫn nằm trong diện khả quan. Riêng sự sụt giảm của chi ngân sách, dù thực hiện chính sách cắt giảm chi tiêu, thắt lưng buộc bụng, cũng đã khiến tốc độ tăng trưởng của Quảng Nam bị chậm lại, khi chi cho đầu tư phát triển chỉ đạt có 62% dự toán. Trong một diễn trình khác, tốc độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư đã có nhiều tín hiệu lạc quan, không còn viễn cảnh lo lắng đến việc nhiều dự án có thể kết thúc năm mà không giải ngân được đồng vốn nào. Theo thống kê, tỷ lệ giải ngân các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản, chương trình mục tiêu khoảng 5.450 tỷ đồng, đạt 81,66% kế hoạch. Trong đó, kế hoạch vốn năm 2013 đã cấp phát 4.436 tỷ, đạt 86% và kế hoạch vốn ứng trước, tồn ngân 1.014 tỷ đồng, đạt 64,53%. Tỷ lệ giải ngân cao nhất thuộc về nguồn trái phiếu Chính phủ (1.091 tỷ, 95% kế hoạch), nguồn TW hỗ trợ có mục tiêu đạt 90%. Kế đến là nguồn chương trình mục tiêu quốc gia 88% và nguồn xây dựng cơ bản tập trung 87%. Tuy nhiên, có điều cơ quan quản lý chưa thể yên tâm khi con số nợ tạm ứng chi ngân sách nhà nước trên địa bàn (không kể kinh phí ứng trước), dù thấp hơn năm ngoái 3%, nhưng vẫn ở mức 8% so với tổng chi ngân sách. Con số này khoảng 1.176 tỷ đồng, bao gồm 495 tỷ đồng tạm ứng để chi thường xuyên và kinh phí cho đầu tư phát triển 681 tỷ đồng, trong đó nợ tồn đọng từ năm 2010 trở về trước khoảng 157 tỷ đồng chưa thể thu hồi, quyết toán hay hoàn ứng được. Số tạm ứng tăng cao đồng nghĩa với việc năm nào ngân sách nhà nước cũng phải dành để trả nợ, thiếu hụt kinh phí để đầu tư phát triển cho các năm tiếp theo.
"Giấc mơ" giải ngân 100%
Theo nhận định của các cơ quan quản lý, trong bối cảnh nguồn lực nhà nước, doanh nghiệp đều ở trong “tâm bão” khủng hoảng tài chính thì tốc độ cấp phát dù chưa thể đạt 100% như ước định, cũng đã là một con số khả quan. Kết quả này cho thấy đây là minh chứng rõ nhất giữa các chủ đầu tư, cơ quan quản lý và sự giám sát, chỉ đạo của chính quyền khi cùng cam kết tìm kiếm một con đường nhanh nhất để giải ngân tốt vốn đầu tư. Ông Lê Xuân Khanh, Giám đốc Kho bạc Nhà nước Quảng Nam nói nhờ công tác giao, phân bổ kế hoạch vốn đã được các bộ, ngành, địa phương triển khai ngay từ tháng 12-2012 và tháng 1-2013, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư chủ động triển khai thực hiện theo kế hoạch. Tỷ lệ giải ngân tăng đã chứng minh cam kết hợp tác giữa các chủ đầu tư, nhà thầu và cơ quan quản lý đã phát huy hiệu quả cao hơn rất nhiều.
Ở một góc nhìn khác, nếu như thu ngân sách phụ thuộc rất nhiều vào kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước thì kết quả khả quan này cũng không thể giấu che hết hiện trạng chưa bao giờ thôi tái diễn cảnh “không thể tiêu hết vốn” ở nguồn vốn đầu tư. Lý do được nêu ra không ngoài việc hầu hết hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu chỉ được giải ngân tối đa là 30% kế hoạch vốn giao hàng năm cho dự án (trừ các dự án được người quyết định đầu tư xem xét, quyết định tạm ứng tối đa 50% giá trị hợp đồng). Ngoài ra, do năng lực tài chính yếu, khó tiếp cận vốn vay và sự kéo dài niên độ cấp phát của nhiều nguồn vốn…đã khiến các nhà thầu “không thể đẩy nhanh tiến độ dự án”, dẫn đến tình trạng công trình ì ạch từ nhiều năm nay. Hầu như trong các cuộc họp bàn về giải ngân, chính quyền, cơ quan quản lý vẫn thường cho rằng chính thái độ chủ quan của các chủ đầu tư, ban quản lý đã khiến tốc độ giải ngân chậm. Nếu những chương trình, dự án mới được cho là chưa đủ thời gian và kinh nghiệm để hấp thụ vốn và triển khai chương trình thì những biện giải của các chủ đầu tư (kế hoạch vốn thông báo chậm, giải phóng mặt bằng yếu, chưa thể nghiệm thu khối lượng hoàn thành…) dẫn tới tỷ lệ giải ngân thấp vẫn như con bệnh đã “lờn thuốc”? Hạn chế này là do cơ chế hay năng lực của chủ đầu tư, nhà thầu? Theo Kho bạc Nhà nước Quảng Nam để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, “loại bỏ” kiểu “chùng chình” của nhiều chủ đầu tư khi không đến kho bạc thanh toán hay giải ngân thấp vẫn là chuyện theo dõi chặt chẽ các khoản tạm ứng quá thời gian quy định. Toàn bộ số vốn ứng quá hạn này đều buộc phải áp dụng việc tính lãi suất theo như quy định. Nếu như các nhà thầu không hợp tác, “lần lữa” thì sẽ chuyển cho các cơ quan chức năng xử lý theo pháp luật! Tuy nhiên, câu chuyện này chỉ là trên lý thuyết, còn thực tế, rất nhiều cuộc họp bàn, khuyến cáo… chuyện giải ngân đã được mở, dù chế tài này đã được ban hành, nhưng việc tính lãi trên số vốn đã được cấp nhưng không thanh toán số lượng khi đến hạn vẫn chưa được áp dụng. Chưa thấy một ai bị quy trách nhiệm cụ thể hoặc kỷ luật chủ đầu tư khi không hoàn thành nhiệm vụ, để mất vốn, nên việc chậm trễ thanh toán này vẫn cứ xảy ra hàng năm. Vì vậy, việc giải ngân 100% vốn kế hoạch chẳng lẽ mãi là chuyện ước mơ?
TÙY PHONG