Tập trung mọi nỗ lực cho năm nông nghiệp 2014
(QNO) – Ngày 31.12, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến với lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước để tổng kết năm nông nghiệp 2013 và triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2014. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đến dự tại điểm cầu Hà Nội. Tham gia ở điểm cầu Quảng Nam có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang cùng đại diện các ngành, đơn vị liên quan.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang và các ngành liên quan tham gia điểm cầu tại Quảng Nam. |
Tăng trưởng chưa bền vững
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, mặc dù phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, thách thức nhưng năm 2013 ngành nông nghiệp cả nước đã đạt được nhiều thành quả quan trọng. Theo đó, tổng giá trị sản xuất nông – lâm – thủy sản đạt hơn 801 nghìn tỷ đồng, tăng gần 3% so với năm 2012. Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 2,67%, tương đương với mức tăng của năm ngoái. Trong đó, trồng trọt tăng 2,6%, chăn nuôi tăng 1,4%, lâm nghiệp tăng 5,18%, thủy sản tăng 3,05%.
Theo kế hoạch, năm 2014 tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm của Quảng Nam là 158.000 ha, trong đó diện tích đất sản xuất lúa 86.500 ha. Dự kiến, tổng sản lượng lương thực cây có hạt cả năm đạt 503.650 tấn, tổng đàn gia súc đạt 746.500 con, tổng đàn gia cầm 5.600.000 con, tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy hải sản đạt 85.000 tấn. Ngoài ra, trong năm tới toàn tỉnh sẽ trồng mới 14.500 ha rừng tập trung. |
Đối với Quảng Nam, theo ngành nông nghiệp thì năm 2013 tổng giá trị sản xuất nông – lâm – thủy sản đạt 10.595 tỷ đồng, tăng 2,84% so với năm trước. Được biết, năm nay tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm của tỉnh là 158.000 ha, trong đó cây lương thực có hạt khoảng 100.596 ha, giảm 1.324 ha so với năm 2012. Riêng cây lúa, trong 2 vụ đông xuân và hè thu nông dân toàn tỉnh gieo sạ 87.903 ha, năng suất bình quân cả năm là 50,16 tạ/ha, tổng sản lượng đạt 440.909 tấn, giảm 6.406 tấn so với năm ngoái. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là thời tiết diễn biến phức tạp, khô hạn xảy ra trên diện rộng, chuột và nhiều loại sâu bệnh nguy hiểm bùng phát mạnh. Trên lĩnh vực chăn nuôi, trong khi tổng đàn gia cầm tăng mạnh thì tổng đàn gia súc (gồm trâu, bò, heo) lại giảm 10.293 con so với thời điểm cuối năm 2012. Lý do khiến tổng đàn gia súc giảm là vì thời gian qua dịch tai xanh, bệnh lở mồm long móng tái bùng phát nhiều đợt. Trong khi đó, giá thức ăn liên tục tăng còn giá bán sản phẩm thì lại tụt giảm dẫn đến người chăn nuôi không có lãi. Theo thống kê, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt và nước lợ trong năm 2013 của Quảng Nam là 6.975 ha, sản lượng thu hoạch ước đạt 17.300 tấn, giảm 2.700 tấn so với kế hoạch đề ra. Về khai thác hải sản, nhờ ngư dân chú trọng đầu tư mua sắm ngư lưới cụ hiện đại và đóng mới, cải hoán, nâng cao công suất tàu thuyền nên tổng sản lượng đánh bắt đạt 66.500 tấn, tăng 3.400 tấn so với năm trước. Về lâm nghiệp, trong năm nay toàn tỉnh tiến hành trồng mới 12.000 ha rừng tập trung, tăng 5,3% so với năm ngoái. Sản lượng gỗ khai thác ước đạt 450.500 mét khối, trong đó rừng kinh tế là 450.000 mét khối, tăng gấp 2 lần so với kế hoạch đề ra...
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, tuy tăng trưởng của ngành nông nghiệp toàn quốc được duy trì và phục hồi vào cuối năm nhưng tính bền vững chưa cao và nếu tính chung cả năm thì vẫn trong xu hướng chậm dần. Các giải pháp tiêu thụ nông sản chưa thật sự căn cơ, chủ yếu mang tính tình thế, ngắn hạn nên đã cản trở sự tăng trưởng của ngành. Công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tuy đã tạo được sự chuyển biến nhưng nhìn chung vẫn chưa toàn diện, không đáp ứng được yêu cầu, do đó vẫn còn là vấn đề bức xúc trong xã hội. Tình trạng cháy rừng và phá rừng vẫn diễn ra gay gắt ở một số địa phương. Chương trình xây dựng nông thôn mới tiến độ còn chậm, huy động nguồn lực xã hội chưa cao, có nguy cơ chậm về đích theo yêu cầu và mục tiêu của Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về phát triển nông nghiệp – nông dân – nông thôn. Ông Phát nói: “Thời gian qua, việc thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp mới chỉ tập trung ở Bộ NN&PTNT và các đơn vị trực thuộc, nhiều địa phương triển khai còn chậm, vẫn chưa thực sự quan tâm và còn lúng túng đối với chủ trương này. Do đó, kết quả chủ yếu mới chỉ là xây dựng các kế hoạch hành động, giải pháp, còn việc thực hiện trên thực tế thì chưa nhiều, nhất là vấn đề rà soát quy hoạch, điều chỉnh cơ cấu cây trồng, con vật nuôi”. Ngoài ra, theo ông Phát, năm 2013 công tác thông tin chưa được kịp thời, độ chính xác chưa cao, năng lực dự báo còn thấp, nhất là dự báo về cung – cầu của thị trường...
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, để sản xuất nông nghiệp phát triển mạnh, mang lại hiệu quả cao trong năm 2014 và những năm tiếp theo thì còn rất nhiều việc phải làm. Ông Phát nói: “Thời gian tới, cần phải tập trung rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung quy hoạch sản xuất nông nghiệp, kiên quyết chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản phẩm trên từng vùng, cả nước để vừa phát huy lợi thế của địa phương vừa quản lý sản xuất theo quy hoạch, theo chuỗi giá trị và phù hợp với cung cầu của thị trường. Căn cứ vào các quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN&PTNT phê duyệt, các địa phương phải tiến hành rà soát, đánh giá tình hình thực hiện, báo cáo kiến nghị điều chỉnh để phù hợp hơn, đặc biệt là chú trọng đối với quy hoạch phát triển các loại cây công nghiệp chủ lực. Cạnh đó, thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, trong đó ưu tiên cao nhất cho nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất các loại giống chất lượng cao, công nghệ chế biến, bảo quản giảm tổn thất sau thu hoạch, phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đây được xem là khâu đột phá để thực hiện tái cơ cấu ngành”.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng đề nghị, ngay từ bây giờ các địa phương phải tập trung tổ chức lại sản xuất thông qua việc tổng kết kinh nghiệm và phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất, quản lý có hiệu quả trong thực tiễn, nhất là mô hình cánh đồng mẫu lớn. Đẩy mạnh quá trình liên kết giữa nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông, trước hết tập trung ở những vùng đã phát triển nông nghiệp hàng hóa với quy mô lớn. Khuyến khích hợp tác, liên kết từ khâu sản xuất, bảo quản, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm nhằm giảm chi phí đầu tư, nâng cao giá trị kinh tế và đảm bảo hài hòa lợi ích. Tổ chức thực hiện đồng bộ những giải pháp đổi mới để tạo điều kiện thuận lợi cho các lâm trường quốc doanh hoạt động hiệu quả và chú trọng chuyển đổi các hợp tác xã nông nghiệp theo Luật Hợp tác xã năm 2012...
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những nỗ lực của các bộ, ngành ở Trung ương và chính quyền các địa phương trong việc chỉ đạo, tổ chức sản xuất năm nông nghiệp 2013. Đồng thời, đề nghị các đơn vị liên quan và 63 tỉnh, thành phố phải quyết liệt thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong thời gian tới. Đây là một đòi hỏi rất bức xúc, là nhiệm vụ chính trị hàng đầu nhằm tạo động lực cho việc phát triển sản xuất có tính bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng giá trị gia tăng, đảm bảo vấn đề an sinh xã hội và xây dựng thành công mô hình nông thôn mới. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói thêm: “Ngoài việc tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để khuyến khích mạnh mẽ các thành phần kinh tế đầu tư vào khu vực nông nghiệp thì cần phải chú trọng xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất hàng hóa và chuyển giao rộng rãi các tiến bộ của khoa học công nghệ cho đại bộ phận nông dân”...
VĂN SỰ