Gương mặt thanh niên tiêu biểu
Trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn, 2 thanh niên trẻ Phan Hòa Bình (SN 1985, hiện ở xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên) và Nguyễn Ngọc Hiệp (SN 1992, trú xã Hương An, huyện Quế Sơn) đã nỗ lực vươn lên làm giàu ngay trên chính quê hương mình. Cả hai đều được giải thưởng Lương Định Của năm 2013 của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
1. Khi đang học lớp 11 Phan Hòa Bình (Duy Phú, Duy Xuyên) phải bỏ học giữa chừng để nhường “suất” học lại cho các em. Bình vào TP.Hồ Chí Minh tìm việc, phụ giúp cha mẹ nuôi đàn em nhỏ ăn học. Sau một thời gian bôn ba, năm 2003 anh lại trở về quê làm nông. Nghèo lại vẫn nghèo! Bình kể: “Có lúc, mình không biết phải làm gì, làm như thế nào với ước mơ về tương lai tươi sáng? Nhưng khao khát, mơ ước vẫn cứ nuôi nấng. Cuối cùng, đầu năm 2005 mình quyết định ra làng đá mỹ nghệ Non Nước Đà Nẵng học nghề chạm khắc trên đá”.
Phan Hòa Bình với Giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn trao tặng. |
Qua 2 năm miệt mài, cần mẫn học nghề, tích lũy được một số kinh nghiệm, cuối năm 2006 Bình trở về quê nhà mở một cơ sở nhỏ làm đá granite và đá mài tại thôn La Tháp Tây, xã Duy Hòa. Ban đầu, anh nhận làm một số sản phẩm đơn giản, phục vụ khách hàng là những người có mức sống trung bình ở địa phương. Năm 2008, nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp đoàn thanh niên, anh được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Duy Xuyên cho vay ưu đãi 15 triệu đồng. Cùng với số tiền bạn bè, gia đình cho mượn, anh mạnh dạn đầu tư mở rộng cơ sở từ 30 lên 170m2, làm thêm các mặt hàng đá mỹ nghệ. Bình cho biết, trong quá trình sản xuất anh luôn thực hiện triệt để phương châm “uy tín, chất lượng, mẫu mã đẹp, giá cả phải chăng” nên các sản phẩm làm ra tiêu thụ mạnh, khách hàng tìm đến ngày một đông, vì thế mỗi năm anh lãi ròng hơn 150 triệu đồng. Đặc biệt, anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 12 thanh niên nghèo ở địa phương với mức thu nhập bình quân ít nhất 3 triệu đồng/người/tháng.
Suốt một thời gian dài đi phụ hồ, bốc vác ở nhiều nơi nhưng cuộc sống vẫn cứ thiếu trước hụt sau khiến anh Nguyễn Văn Bình (31 tuổi, quê xã Duy Phú) nản lòng. Nghe một số bạn bè giới thiệu, anh tìm đến cơ sở đá granite của thanh niên trẻ Phan Hòa Bình để xin vào làm việc. Anh Nguyễn Văn Bình chia sẻ: “Làm ở đây tôi cảm thấy thoải mái, ít nặng nhọc, hơn nữa lại gần nhà nên rất yên tâm. So với những việc từng làm tại các nơi khác thì thu nhập của tôi ở cơ sở đá granite Hòa Bình này tương đối cao, đảm bảo cuộc sống gia đình”.
Nguyễn Ngọc Hiệp (bên trái) hướng dẫn thợ học nghề tại cơ sở điêu khắc gỗ Lạc Việt do mình làm chủ. |
Đã có cơ sở, có nghề trong tay, ông chủ trẻ Phan Hòa Bình tích cực tham gia các hoạt động do Đoàn Thanh niên xã Duy Hòa tổ chức như vận động những nhà hảo tâm, doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn tặng quà cho trẻ em nghèo, đóng góp ngày công xây dựng nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách, tham gia dọn vệ sinh môi trường dọc tuyến đường ĐT610A, phục dựng cây xanh ngã đổ sau bão lũ... Anh Đào Xuân Dũng - Bí thư Đoàn Thanh niên xã Duy Hòa nhận xét: “Những việc làm của Phan Hòa Bình góp phần đưa hoạt động đoàn và phong trào thanh niên ở địa phương ngày càng đi lên. Đặc biệt, anh đã tạo ra một diện mạo mới trong phát triển kinh tế của xã Duy Hòa và cùng chính quyền, nhân dân chung tay xây dựng thành công mô hình nông thôn mới. Chúng tôi luôn tự hào khi có một đoàn viên xuất sắc, một tấm gương sáng như Bình để các bạn trẻ học tập và noi theo”.
2. Cũng như Bình, anh Nguyễn Ngọc Hiệp (xã Hương An, huyện Quế Sơn) cũng nghỉ học giữa chừng vì cha tật nguyền, nhà đông anh em. Vốn có năng khiếu về chạm khắc trên gỗ, Hiệp tìm ra một cơ sở ở thị trấn Nam Phước (huyện Duy Xuyên) xin học nghề này. Hiệp chia sẻ: “Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của gia đình mình nên khi đang theo học mỗi ngày chủ cơ sở điêu khắc gỗ đó trả cho mình 20 nghìn đồng. Với nhiều người, đấy là số tiền nhỏ nhưng lúc ấy đối với mình thì nó cực kỳ lớn”. Tháng ngày chăm chỉ học nghề, Hiệp luôn nuôi ước mơ là sẽ quay về lại Hương An mở một cơ sở và tạo việc làm cho các bạn thanh niên ở vùng đất còn nghèo khó. Đến năm 2012, với đồng vốn ít ỏi tích góp, Hiệp thuê mặt bằng ngay tại trung tâm xã Hương An và mở cơ sở điêu khắc gỗ mang tên Lạc Việt. Thời gian đầu, cơ sở điêu khắc gỗ của Hiệp thưa vắng khách, có lúc không đủ tiền trả mặt bằng nhưng anh vẫn không từ bỏ ước mơ, cần mẫn tạo ra những sản phẩm đẹp mắt, chất lượng. Dần dần, tiếng lành đồn xa, nhiều người ở địa phương và các huyện lân cận như Duy Xuyên, Thăng Bình, Nông Sơn tìm đến xem và đặt hàng. Hiện tại, Hiệp trở thành ông chủ với số vốn nắm trong tay hơn 100 triệu đồng và mức thu nhập bình quân mỗi tháng khoảng 14 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, Nguyễn Ngọc Hiệp còn tạo việc làm thường xuyên cho 5 thanh niên tại địa phương với mức lương cơ bản hơn 5 triệu đồng/người/tháng. Đồng thời Hiệp cũng tổ chức đào tạo nghề cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn trong vùng.
Hiệp còn được biết đến với vai trò đoàn viên gương mẫu, nhiệt tình trong mọi hoạt động đoàn ở địa phương. Thời gian qua, anh cùng một số bạn đoàn viên của xã Hương An thành lập nhóm nhảy Overdose gồm 10 thành viên nòng cốt. Nhóm nhảy của Hiệp đã đoạt được nhiều giải thưởng cao như giải Nhất cuộc thi “Bước nhảy xì-tin năm 2011” khu vực miền Trung và lọt vào Top 5 cả nước, đoạt giải Ba cuộc thi “Vũ điệu xanh” khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2012...
VĂN SỰ - PHI THÀNH