Những điển hình
Trong nhiều phong trào thi đua do Công đoàn Viên chức tỉnh phát động, các công đoàn cơ sở (CĐCS) luôn hưởng ứng một cách thiết thực nhất.
Đội ngũ cán bộ trẻ, năng động của Trung tâm Công nghệ thông tin & truyền thông luôn hăng say lao động sáng tạo.Ảnh:D.L |
Chăm lo cho đoàn viên
Ông Hồ Xuân Tịnh - Phó Giám đốc, Chủ tịch CĐCS Sở VH-TT&DL mở đầu câu chuyện bằng lời khẳng định: “Muốn quy tụ được đoàn viên, trước hết tổ chức công đoàn phải chăm lo, bảo vệ cho được quyền lợi của người lao động. Tổ chức CĐCS gần đoàn viên, sát đoàn viên và trực tiếp hiểu những tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, nên quyền lợi của đoàn viên được chăm lo hay không là do tổ chức CĐCS. Nắm được điều đó, nhiều năm qua, CĐCS Sở VH-TT&DL liên tục là đơn vị vững mạnh xuất sắc của Công đoàn Viên chức tỉnh”.
CĐCS Sở VH-TT&DL có 13 tổ chức CĐCS thành viên với tổng số 338 đoàn viên. Lợi thế hoạt động của CĐCS của đơn vị nằm ngay ở nhiệm vụ chuyên môn của ngành. Các hoạt động VH-TT&DL được thực hiện thường xuyên, vì thế hoạt động chuyên môn của cán bộ viên chức của đơn vị không chỉ bổ trợ qua lại với các hoạt động phong trào mà thông qua đó, đời sống vật chất và tinh thần của đoàn viên cũng gián tiếp được nâng cao. Ông Tịnh nói: “Trong tổ chức các giải đấu thể thao hay giải văn nghệ quần chúng, phong trào, hoạt động giao lưu là chính. Các hoạt động công đoàn vì thế cũng phong phú hơn. Đặc biệt là đội ngũ cán bộ trẻ, năng động thường tổ chức các đợt giao lưu với đơn vị bạn, xã miền núi, xã kết nghĩa, qua đó học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, tạo sự liên kết, nâng cao đời sống tinh thần”. Cũng từ lợi thế hoạt động ngành, đoàn viên công đoàn Sở VH-TT&DL thường được lãnh đạo đơn vị phối hợp với Công đoàn tổ chức những đợt công tác gắn với tham quan du lịch nên tiết kiệm được chi phí.
Để bảo vệ quyền lợi cho người lao động, các tổ chức công đoàn thành viên của CĐCS Sở VH-TT&DL thường xuyên tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách cho cán bộ viên chức và người lao động tại đơn vị, đảm bảo việc thực hiện được đầy đủ, kịp thời. Trong năm 2013, CĐCS Sở VH-TT&DL đã thăm hỏi, động viên 109 đoàn viên công đoàn và người lao động, trợ cấp khó khăn cho 3 trường hợp. Từ nguồn Quỹ tương trợ tình nghĩa của CĐCS, có 65 lượt cán bộ, viên chức, lao động được mượn giải quyết khó khăn với tổng số tiền hơn 240 triệu đồng. Các đợt vận động đóng góp các quỹ xã hội, từ thiện cũng được đoàn viên hưởng ứng nhiệt tình.
Thi đua sáng tạo
Nhắc đến phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, không thể không nói đến Trung tâm Công nghệ thông tin & truyền thông (gọi tắt là Trung tâm) thuộc Sở Thông tin & truyền thông. Từ khi thành lập đến nay, dù cơ sở vật chất còn tạm bợ, tập thể cán bộ trẻ của Trung tâm đã khắc phục khó khăn, thi đua lao động sáng tạo, cống hiến trí tuệ, tâm huyết trên lĩnh vực công nghệ thông tin của tỉnh. Bà Phạm Thị Thanh Thủy - Chủ tịch CĐCS Trung tâm (thuộc CĐCS Sở Thông tin & truyền thông) cho biết: “Trong hoạt động chuyên môn cũng như các hoạt động công đoàn, thanh niên, đội ngũ cán bộ của Trung tâm luôn tràn đầy nhiệt huyết. Bởi đội ngũ cán bộ còn rất trẻ, ở thế hệ 8X, thậm chí 9X nên rất năng động, nhanh nhạy và nhiệt tình”.
Trung tâm hiện có 15 cán bộ, nhân viên, trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh hằng năm, Trung tâm đều có sản phẩm tham dự và luôn đạt được thứ hạng cao. Từ năm 2008 đến nay, các thành viên của Trung tâm tham gia hội thi và đạt được 6 giải cao từ cấp tỉnh, ngành đến toàn quốc. Điều đáng nói là các giải pháp sáng tạo khoa học kỹ thuật của Trung tâm đều mang tính thực tiễn cao, nhiều giải pháp được ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn. Trong đó, có thể kể đến “Phần mềm một cửa điện tử” hay “Phần mềm quản lý hộ tịch”. Các phần mềm này sau hội thi đã được ứng dụng, mang lại hiệu quả cao trong công tác cải cách thủ tục hành chính theo hướng hiện đại, nhanh, tiết kiệm.
Nói về “Phần mềm một cửa điện tử”, ông Đinh Trường Giang - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm cho biết: “Hiện nay phần mềm này đã được ứng dụng ở gần 40 đơn vị như Văn phòng HĐND, UBND tỉnh, các sở, ngành và huyện, thành phố trong tỉnh. Phần mềm giúp quản lý văn bản và hồ sơ công việc một cách khoa học, tiện ích, giảm tối đa giấy tờ, tăng cường sử dụng văn bản điện tử. Từ đó, việc tiếp nhận, giao trả hồ sơ cho tổ chức, công dân được thực hiện hiệu quả, nhanh và không sai sót”. Hay “Phần mềm quản lý hộ tịch” đang được Trung tâm ứng dụng cho các huyện Bắc Trà My, Nông Sơn, Quế Sơn, Điện Bàn đã chứng tỏ hiệu quả thực tế và được triển khai tới tận xã, phường, giúp quản lý công dân. Khi công dân có bất cứ sự thay đổi nào như đi xa, thay đổi chỗ ở, đổi tên, kết hôn..., cán bộ hộ tịch xã chỉ cần điền thêm thông tin vào phần mềm, từ đó cán bộ cấp huyện, thậm chí ở tỉnh nếu được kết nối sẽ biết ngay những thay đổi, không cần cán bộ xã phải thống kê, báo cáo một cách thủ công, tốn thời gian và công sức.
LÊ DIỄM