Trải nghiệm du lịch sông nước
Lâu nay, những tour du lịch sông nước luôn cuốn hút du khách. Đặc biệt trong những kỳ nghỉ dài ngày, các hãng lữ hành tranh thủ đưa ra nhiều sản phẩm du lịch mới lạ. Nhưng liệu Quảng Nam đã tận dụng hết tiềm năng của mình?
Trải nghiệm cùng sông nước Cẩm Thanh, Hội An.Ảnh: L.QUÂN |
Trải nghiệm, cùng tham gia vào sinh hoạt hằng ngày của cư dân hai bên bờ sông Thu Bồn, rồi lên tận thượng nguồn để thưởng thức đặc sản rừng, hoặc xuôi về dập dềnh cùng sóng biển thả lưới với ngư dân…, Quảng Nam có đầy đủ yếu tố để phát triển mạnh các tour du lịch sông nước. Ngoài những điểm du lịch đã hình thành và đang phát triển tại Hội An như rừng dừa nước Cẩm Thanh, các hoạt động tại vùng biển Cù Lao Chàm, ngay ở Điện Bàn, một số vùng đất cũng nằm trong tầm ngắm của các hãng lữ hành.
Tiềm năng chưa khai phá
Làng dệt chiếu Triêm Tây (Điện Phương), như một hòn đảo nổi giữa bốn bề sông nước Thu Bồn. Gần đây ốc đảo này đang xúc tiến một dự án du lịch sinh thái sông nước - làng quê. Hiện trạng làng xóm với lũy tre làng, giếng nước, đường quê, nhà cửa vách gỗ, mái tranh được kết nối với các biệt thự mới, các gian hàng triển lãm làng nghề truyền thống là những ý tưởng khá hay được vạch ra cho ngành du lịch của địa phương. Hay như tại xã Điện Hòa, với vùng sinh thái sông nước ven đập Bầu Mít - Hà Thanh, hệ thống vườn quê, nhà cổ, đình làng, làng hoa Hà Đông cũng dễ dàng làm nên sức hút với du khách...
Tuy nhiên, vẫn chưa hãng lữ hành nào thành công trong việc kết nối các vùng quê sông nước này trong tour du lịch của mình. Các sản phẩm vẫn còn khá đơn điệu, trong khi tiềm năng hiện có của các làng dọc sông Thu Bồn đủ để làm nên những tour du lịch hấp dẫn. Lý do nào khiến các doanh nghiệp du lịch không mặn mà với vùng sông nước Quảng Nam? Theo một số hãng lữ hành nội địa, phần lớn các làng quê sinh thái sông nước dọc bờ thu Bồn vẫn chưa có một doanh nghiệp hoặc chính quyền địa phương đứng ra kết nối người dân và hướng dẫn họ tư duy làm du lịch. Nếu làng quê, làng nghề truyền thống vùng ven Hội An có điểm nhấn là những sản phẩm lưu niệm, người dân có thể trình diễn nghề và du khách có thể tham gia vào quá trình làm nghề của họ thì khi đi ngược Thu Bồn, những làng quê vùng ven sông vẫn thiếu điểm nhấn cho những tour với lượng khách khá đông. Những hãng lữ hành không thể đứng ra làm công việc của một nhà quản lý, tức là không thể tập hợp người dân làm nghề, kết nối họ lại hoặc hỗ trợ họ làm nên điểm nhấn cho vùng quê của mình.
Một số khách du lịch vẫn tìm đến những làng quê ven sông từ cuốn sách Cẩm nang du lịch hoặc đi theo kiểu tự khám phá. Nhưng để tổ chức một tour du lịch dọc bờ Thu Bồn, qua các làng nghề, các hãng lữ hành không thể gánh được. Còn nhớ cách đây vài năm, Sở VH-TT&DL có ý định tổ chức tour du lịch ngược nguồn Thu Bồn, đi từ Hội An lên đến hòn Kẽm - đá Dừng, sau khi đưa đoàn đi khảo sát, đến nay mọi thứ vẫn còn trong ý tưởng.
Siết chặt quản lý
Tận dụng tối đa những cảnh sắc cũng như sự phong phú về một vùng biển đa dạng sinh học, Cù Lao Chàm đã phát huy tốt thế mạnh du lịch biển đảo. Các tour du lịch Cù Lao Chàm đều có những điểm độc đáo mới mẻ với các hạng mục tham quan cũng như hoạt động khác làm vừa lòng du khách. Hiện nay tại Hội An có 27 đơn vị đăng ký tổ chức tour tham quan Cù Lao Chàm trong đó có 7 đơn vị quốc tế, 18 đơn vị nội địa và 2 văn phòng đại diện.
Sau sự cố một du khách Hàn Quốc thiệt mạng tại vùng biển này, Sở VH-TT&DL tổ chức thanh tra, kiểm tra và đã phát hiện nhiều sai phạm trong tổ chức hoạt động và điều kiện kinh doanh. Trong đó, nhiều đơn vị không có chức năng kinh doanh lữ hành nhưng vẫn tổ chức bán tour cho du khách đi Cù Lao Chàm; không thực hiện mua bảo hiểm cho khách du lịch; không khuyến cáo du khách có bệnh án về tim mạch không nên tham gia tour lặn biển; tàu thuyền chở khách đậu đỗ không đúng nơi quy định... Trước đó, UBND tỉnh cũng đã yêu cầu các ngành chức năng kiểm soát chặt hoạt động du lịch tại Cù Lao Chàm trong tiểu khu bảo tồn biển Bãi Hương. Theo đó, các hoạt động du lịch được cấp phép (tàu đáy kính quan sát đáy biển, bơi có ống thở không có bình khí, lặn có bình khí...) đều phải chịu sự quản lý của các Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, Cộng đồng bãi Hương, Du lịch Cù Lao Chàm.
Ông Hồ Tấn Cường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng, các hãng lữ hành nội địa lẫn quốc tế thời gian qua đã làm rất tốt công việc của mình, đảm bảo chất lượng dịch vụ và giới thiệu được văn hóa của địa phương đến với du khách. “Môi trường du lịch văn minh, an toàn là tiêu chí đầu tiên chúng tôi đặt ra cho người dân vùng du lịch và các hãng lữ hành. Các tour du lịch sông nước càng cần đề cao yếu tố an toàn. Chúng tôi khuyến khích những sản phẩm du lịch mới, độc đáo dựa trên tiềm năng sẵn có của địa phương và luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất cho bất cứ cá nhân, doanh nghiệp nào muốn hoạt động trong lĩnh vực này” - ông Cường nói.
LÊ QUÂN