Mái ấm biên cương
Được triển khai từ năm 2010, chương trình “Mái ấm biên cương” của Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh đã giúp cho người dân vùng biên gặp khó khăn về nhà ở được “an cư” để từng bước ổn định cuộc sống.
Chiến sĩ BĐBP tỉnh tham gia dựng nhà cho người dân vùng biên. |
Cựu chiến binh Phông Cheng, dân tộc Ve, ở thôn 49A (xã Đắc Pring, huyện Nam Giang) vui mừng khôn xiết khi được các chiến sĩ Đồn Biên phòng Đắc Pring giúp sức xây dựng ngôi nhà từ nguồn hỗ trợ của chương trình “Nghĩa tình Trường Sơn” vào năm 2011. Trước đây, vợ chồng ông Phông Cheng cùng các con sống trong căn nhà tạm, dột nát. Kể từ khi ngôi nhà mới hoàn thành và bàn giao, gia đình ông ổn định chỗ ở. Ông Cheng chia sẻ: “Cuộc sống ở vùng biên khó khăn nên nhiều gia đình không có tiền để xây dựng nhà cửa kiên cố. Điều kiện đi lại khó khăn, đau ốm, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, cái ăn phải kiếm từng ngày thì lấy tiền đâu ra để làm nhà cửa. Được BĐBP hỗ trợ giúp đỡ, người dân mới có nhà ở. Ai cũng ưng cái bụng lắm!”.
Đến nay, BĐBP tỉnh đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể, nhà hảo tâm, doanh nghiệp xây dựng được 162 nhà “Đại đoàn kết”, 8 công trình dân sinh nơi biên giới với tổng trị giá hơn 5,6 tỷ đồng. Bên cạnh đó, BĐBP tỉnh cũng xây dựng các nguồn quỹ phúc lợi như: Quỹ đền ơn đáp nghĩa, Quỹ đồng đội, Quỹ tình thương,... hỗ trợ nhân dân và cán bộ chiến sĩ gặp khó khăn. |
Làng Pêtapoóc nằm giáp ranh giữa huyện Nam Giang với địa bàn tỉnh Kon Tum chỉ có 9 hộ người Giẻ Triêng sống bằng nghề phát nương rẫy và săn bắn. Năm 1999, Pêtapoóc được chính quyền địa phương “phát hiện”. Thời đó, đời sống người dân nơi đây chồng chất khó khăn, hủ tục lạc hậu, bệnh tật, nghèo khó triền miên. Để hỗ trợ cho đồng bào có nơi ăn, chốn ở ổn định, xóa bỏ tập tục du canh du cư, Đồn Biên phòng Đắc Pring đã triển khai xây dựng nhà ở, kéo nước về tận làng cho người dân sử dụng. Đồng thời từng bước tập trung khai hoang ruộng lúa nước, mở đường sá,... với sự giúp sức của chính quyền địa phương. Đến nay, 5/9 hộ dân của Pêtapoóc đã được hỗ trợ xây dựng nhà ở, ổn định đời sống. Đại úy Alăng Sơn - Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Đắc Pring cho biết: “Năm nay, Ban vận động quần chúng của Đồn Biên phòng Đắc Pring thường xuyên đến giúp đỡ bà con làm nhà cửa trong các chương trình làm nhà “Đại đoàn kết”, “Mái ấm biên giới”... Qua đó giúp đỡ người dân ổn định về nhà ở, từng bước phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống mới. Ngoài ra, chúng tôi còn lồng ghép các nội dung vận động, tuyên truyền chính sách, chủ trường, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với từng người dân địa phương”.
Những “Mái nhà biên giới” tại làng Pêtapoóc.Ảnh: Lăng A Cúi |
Với mục đích hỗ trợ bà con người dân tộc thiểu số (kể cả gia đình cán bộ, chiến sĩ BĐBP) có nơi ở ổn định, những năm qua, lực lượng BĐBP tỉnh đã phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Báo Sài Gòn Giải Phóng, các tổ chức, đoàn thể trong và ngoài tỉnh vận động hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở. Theo đó, mỗi gia đình được hỗ trợ từ 30 - 45 triệu đồng, tùy điều kiện vật giá từng năm mà có mức hỗ trợ khác nhau. Trong quá trình xây dựng, sửa chữa, cán bộ chiến sĩ BĐBP đóng chân trên địa bàn còn hỗ trợ ngày công, xây dựng các công trình phụ giúp đồng bào. Theo Đại tá Nguyễn Văn An - Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, xuất phát từ nhu cầu của nhân dân vùng biên giới về nhà ở, chương trình “Mái ấm biên cương” được triển khai đã nhận được sự giúp sức của các đơn vị, tấm lòng hảo tâm. Ở vùng biên giới, các chiến sĩ BĐBP đề xuất với địa phương tận thu gỗ tại các điểm mở đường để làm cột, cửa, phên hay bàn ghế cho người dân. Trị giá cho mỗi ngôi nhà hoàn chỉnh như vậy cũng gần 100 triệu đồng.
Dù mang nhiều tên gọi khác nhau như “Nhà nhân ái”, nhà “Nghĩa tình Trường Sơn”, “Mái ấm biên giới”,... nhưng tất cả đều là phong trào xây dựng nhà ở để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh sinh sống ở vùng biên gặp khó khăn. Từ chủ trương này, tình quân dân vùng biên giới ngày càng thắt chặt.
LĂNG A CÚI
LĂNG A CÚI