Phát triển du lịch nông thôn
Cũng như nhiều địa phương trong cả nước, phát triển du lịch nông thôn đã trở thành xu hướng chung ở Quảng Nam. Thành công của loại hình du lịch này góp phần quan trọng cải thiện sinh kế, thay đổi cuộc sống người dân nông thôn, nhất là lao động thanh niên.
Sản phẩm du lịch hấp dẫn
Quảng Nam được xác định có nhiều lợi thế để phát triển du lịch nông thôn. Thực tế thời gian qua đã có nhiều dự án du lịch nông thôn được triển khai tại các huyện sâu trong đất liền của tỉnh thông qua các mô hình du lịch dựa vào cộng đồng tại Trà Nhiêu, Mỹ Sơn (Duy Xuyên), Zara (Nam Giang) hay làng Bhơ Hôồng, Đhờ Rôồng (Đông Giang)… Hoạt động du lịch không chỉ giúp người dân bản địa có thu nhập từ việc cung cấp các dịch vụ cho du khách như lưu trú, ẩm thực, văn nghệ, bán hàng lưu niệm,… mà còn góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa, những làng nghề truyền thống.
Ngày càng có nhiều sản phẩm du lịch nông thôn hấp dẫn, thu hút khách tham quan. Ảnh: V.LỘC |
Theo bà Nguyễn Thị Huyền - điều phối viên quốc gia dự án ILO tại Quảng Nam, phát triển du lịch nông thôn là cách tốt nhất đa dạng hóa nguồn thu nhập từ nông nghiệp, góp phần chống đói nghèo, phát huy sức mạnh nội lực của cộng đồng, bảo vệ môi trường và bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc. “Phát triển du lịch nông thôn không có nghĩa người dân từ bỏ ruộng vườn mà là biến những hoạt động nông nghiệp đó trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn” - bà Huyền nói. Tại Quảng Nam, thời gian qua các doanh nghiệp cũng đã xây dựng nhiều tour tuyến gắn kết du lịch với các làng nghề cùng những hoạt động sản xuất nông nghiệp địa phương. Nổi bật có thể kể các tour “Một ngày làm ngư dân ở Cẩm Thanh”, “Đi cày ruộng cùng nông dân”, “Trồng rau với nông dân làng rau Trà Quế”... của Công ty TNHH Lữ hành Khoa Trần (Hội An) hay các tuyến du lịch lên thăm Bhơ Hôồng, Đhờ Rôồng (Đông Giang), khám phá làng quê, núi rừng những huyện miền tây xứ Quảng của Công ty TNHH Du lịch dịch vụ Hoa Hồng, Lê Nguyễn… đang ngày càng hấp dẫn du khách.
Ông Trần Văn Khoa - Giám đốc Công ty TNHH Lữ hành Khoa Trần cho rằng, các hoạt động du lịch nông thôn đã thật sự mang lại lợi ích cho cộng đồng, nhất là tạo cho thanh niên nông thôn tại các xã vùng ven Hội An có nguồn thu nhập ổn định. “Hàng trăm gia đình đã được hưởng lợi trực tiếp và gián tiếp từ du lịch sinh thái của công ty thông qua các dịch vụ như hướng dẫn khách tham gia trồng rau ở Trà Quế; học bơi thuyền thúng, đánh rớ, kéo chài ở Cửa Đại; hoặc dạy du khách thử làm nông dân trồng lúa ở Cẩm Thanh” - ông Khoa cho biết.
Ước vọng “di sản nông thôn”
Kiến trúc sư Bùi Kiến Quốc - Giám đốc Khu du lịch sinh thái Triêm Tây (xã Điện Phương, Điện Bàn), người đã rời bỏ nước Pháp trở về Quảng Nam làm du lịch sau gần 40 năm sống là làm việc tại Paris cho rằng, tại châu Âu tìm được một không gian nông thôn hoang sơ như Việt Nam rất hiếm. Đến một lúc nào đó làng quê nông thôn Việt Nam với những con đường chạy quanh co uốn lượn dưới lũy tre xanh, những ngôi nhà bình dị, nơi tiếng thoi đưa dệt chiếu, tiếng đẽo đục gỗ lách cách giữa trưa hè cũng sẽ mất đi nếu bây giờ không có kế hoạch gìn giữ. Ý tưởng đó đã đưa ông đến với quyết định đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái giữa cồn cát Triêm Tây cùng ước mơ “biến nông thôn trở thành di sản”. Dù mới chính thức khai trương hơn nửa năm nhưng khu du lịch đã bước đầu gặt hái thành công, người dân trong làng cũng đã có nguồn thu nhập ổn định từ việc cung cấp nông sản và tham gia làm việc tại đây.
Trong cuộc hội thảo tham vấn sáng kiến phát triển du lịch và việc làm thanh niên nông thôn do Sở VH-TT&DL phối hợp với Văn phòng Tổ chức Lao động thế giới (ILO) tại Quảng Nam tổ chức vừa qua, ông Ngô Quang Vịnh - điều phối viên quốc gia ILO cho biết, du lịch nông thôn thường có 5 hình thức chủ yếu gồm: du lịch tự nhiên, mang tính giải trí; du lịch văn hóa; du lịch sinh thái, quan tâm tới việc bảo vệ nguồn lợi tự nhiên; du lịch làng xã, trong đó du khách được chia sẻ cuộc sống làng quê và người dân được hưởng lợi ích kinh tế do các hoạt động du lịch mang lại; du lịch nông nghiệp với việc du khách được tham quan và tham gia vào các hoạt động nông nghiệp truyền thống. Vì vậy, việc định hướng cho người dân cách thức, phương pháp làm du lịch chuyên nghiệp, cũng như trang bị những kiến thức nền tảng về du lịch là điều cần thiết. Để làm điều này, theo ông Vịnh, trước mắt cần tập trung vào các dự án đào tạo kỹ năng nghề, chương trình thanh niên và du lịch bền vững nhằm tăng cường khả năng có việc làm của thanh niên khu vực nông thôn; phát triển sản phẩm thủ công truyền thống, cải thiện kết nối giữa các nhóm sản xuất với thị trường du lịch tại chỗ; bảo tồn, phát huy nguồn lực văn hóa nhằm vào thị trường du lịch và nâng cao nhận thức về phát triển du lịch bền vững. “Những dự án này không chỉ tạo việc làm cho thanh niên nông thôn mà còn góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, phát triển kinh tế - xã hội địa phương ” - ông Vịnh nói.
VĨNH LỘC