Quần vợt công sở
Quần vợt có sự phát triển khá nhanh so với các môn thể thao khác tại Quảng Nam. Sau khi tái lập tỉnh, trên địa bàn TP.Tam Kỳ chưa có bất cứ sân quần vợt nào, người chơi “môn thể thao nhà giàu” này cũng chỉ “đếm trên đầu ngón tay”; lẽ dĩ nhiên, để được thi đấu họ phải đến… sân ở các tỉnh, thành phố khác. Từ khi sân quần vợt đầu tiên của tỉnh được Sở TDTT xây dựng (nằm trong khuôn viên sở), không mấy khi sân này được “sáng đèn”. Mãi đến năm 2008 (thời điểm mà Liên đoàn Quần vợt tỉnh Quảng Nam được thành lập), số người biết chơi quần vợt và trở thành hội viên của liên đoàn cũng chỉ dừng lại ở con số khá khiêm tốn là 34 người.
Giải Quần vợt Quảng Nam mở rộng thu hút nhiều tay vợt trên cả nước tham gia. Ảnh: AN NHI |
Khi Liên đoàn Quần vợt tỉnh Quảng Nam đại hội nhiệm kỳ 2 vào năm 2012, con số hội viên đã phát triển gấp 5 lần với hơn 150 người. Nhưng điều đáng nói hơn, phong trào tập luyện, thi đấu ở cơ sở; đặc biệt là nhiều giải đấu quy mô cấp tỉnh, thậm chí khu vực được tổ chức đã góp phần làm cho phong trào quần vợt trở nên sôi động, hấp dẫn hơn. Đến nay, chưa có môn thể thao nào làm được như quần vợt. Một giải thể thao phong trào cấp tỉnh nhưng vẫn mời được các tay vợt đẳng cấp quốc gia thi đấu. Vừa giúp cho các tay vợt trong tỉnh học hỏi kinh nghiệm, tạo nên sự hấp dẫn, chất lượng cho giải, khán giả hâm mộ đất Quảng cũng được “hưởng lợi” khi có dịp tận mắt chứng kiến các tay vợt chuyên nghiệp thể hiện tài năng.
Tuần qua, giải Quần vợt Petro miền Trung lần thứ I năm 2013 được tổ chức tại sân quần vợt Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Đây là giải đấu mới nhất trong hệ thống các giải quần vợt của tỉnh, sau các giải câu lạc bộ (CLB) tỉnh Quảng Nam, Quảng Nam mở rộng, CLB Hùng Vương mở rộng, CLB Bưu điện mở rộng, Chi đoàn Sở VH-TT&DL… Dù chưa thu hút được nhiều vận động viên trong tỉnh nhưng giải đấu cũng đã góp phần tạo nên bức tranh sôi nổi, đa sắc màu cho bộ môn thể thao còn non trẻ tại Quảng Nam. Đáng mừng hơn, các nhà tổ chức và nhà tài trợ đã nêu quyết tâm đưa giải trở thành giải đấu truyền thống hàng năm và là một trong những hoạt động chào mừng kỷ niệm ngày truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Với những diễn biến sôi động như hiện nay, phong trào quần vợt đã có bước phát triển mạnh mẽ, làm cho thể thao phong trào của tỉnh thêm phong phú, hấp dẫn. Tuy nhiên, điều đó cũng không thể khỏa lấp những “khoảng trống” trong phong trào. Có người gọi quần vợt là “môn thể thao công sở” bởi thực tế hiện nay quần vợt gần như chỉ phát triển trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cả về con người lẫn điều kiện cơ sở vật chất. Vẫn biết rằng đây là môn thể thao khá “kén” người chơi và cũng có phần “tốn kém” nhưng không vì thế mà không thể phát triển ra bên ngoài. Để quần vợt phát triển rộng rãi, không còn là “môn thể thao công sở”, rất cần sự quan tâm đầu tư cho phong trào từ các nhà quản lý, hoạch định chính sách phát triển TDTT. Lúc đó, phong trào mới phát triển toàn diện, không còn tình trạng khán giả ngồi trên khán đài toàn là những vận động viên quần vợt!
AN NHI