Xã hội hóa trùng tu di tích: Những cách làm hay

VĨNH LỘC 19/12/2013 11:25

Khi nguồn kinh phí dành cho công tác tôn tạo di tích còn nhiều hạn chế, công tác xã hội hóa đóng vai trò quan trọng để cứu vãn nhiều di tích trước nguy cơ sụp đổ hư hại…

Quảng Nam hiện có 283 di tích cấp tỉnh, 58 di tích cấp quốc gia, những năm qua việc bảo tồn trùng tu di tích luôn gặp khó khăn do hạn chế nguồn kinh phí hỗ trợ từ nhà nước.

Kinh phí hạn hẹp

Nhà thờ Ngũ xã Trà Kiệu (Duy Sơn, Duy Xuyên) là một trong những di tích có lịch sử lâu đời gắn liền với quá trình khai cơ lập nghiệp của 13 vị thủy tổ tiền hiền, 12 chư tộc từ xứ Thanh, Nghệ An, Hà Tĩnh trong tiến trình mở cõi về phương Nam. Dù là một di tích quốc gia gắn liền với đời sống tâm linh của người dân nhưng hơn 8 năm qua việc tu bổ mái hiên nhà thờ bị nứt gãy vẫn chưa được thực hiện. Cách đó không xa về phía tây, Lăng Bà Thu Bồn (Duy Thu) không cổng ngõ tường rào. Đây chỉ là 2 trong số gần 10 di tích trên địa bàn huyện Duy Xuyên đang được Phòng VHTT huyện Duy Xuyên lập danh sách xin kinh phí cắm bia, tu bổ những năm đến.

Di tích đình làng Ái Nghĩa, Đại Lộc.                                                                                                                                                                         Ảnh: VĨNH LỘC
Dinh bà Chiêm Sơn được trùng tu từ nguồn xã hội hóa . Ảnh: VĨNH LỘC

Tình trạng di tích xuống cấp có rất nhiều ở các địa phương: di tích chùa Hoa Yên, đình Ái Mỹ Đông (Đại An), di tích mộ chum (Ái Nghĩa), Gò Đình (Đại Lãnh) huyện Đại Lộc; di tích Tượng Thủy Bồ (Điện Thọ), đình Đông Bàn, đình Cảnh Đông (Điện Trung) huyện Điện Bàn…Nguyên nhân chủ yếu vẫn là thiếu kinh phí. Năm 2011, đề án “Tu bổ di tích cấp tỉnh giai đoạn 2011 - 2020” ra đời với nguồn kinh phí hơn 42 tỷ đồng cùng lộ trình phân bổ hàng năm cho những di tích đang trong trình trạng nguy cấp. Qua 3 năm triển khai dù nhiều di tích đã được cứu vãn kịp thời nhưng chỉ là con số rất ít. Đặc biệt, với các di tích quốc gia và di tích chưa được xếp hạng thì hầu như không được hưởng ưu đãi này.

Theo Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam, không thể bổ sung thêm số di tích vào danh sách hỗ trợ kinh phí từ đề án đến năm 2015 vì mức phân bổ từ tỉnh đã ổn định. Riêng với các di tích quốc gia, dự kiến nguồn kinh phí chương trình mục tiêu của Bộ VH-TT&DL năm 2014 cũng sẽ hạn hẹp do kinh tế khó khăn nên di tích nào thật sự cấp thiết mới có cơ hội được hỗ trợ đầu tư tu bổ.

Huy động trùng tu

Di tích cấp tỉnh Dinh Bà Chiêm Sơn (thôn Chiêm Sơn, Duy Trinh, Duy Xuyên) với nguồn huy động gần 1 tỷ đồng là một điển hình thành công của xã hội hóa trùng tu di tích. Ngoài ra, nhiều di tích khác ở Duy Xuyên như Tượng đài chiến thắng Vân Quật (Duy Thành); đình Mỹ Xuyên Đông, đình tiền hiền Long Xuyên (thị trấn Nam Phước); di tích các vụ thảm sát ở các xã Duy Hải, Duy Nghĩa, Duy Trinh… cũng được tu bổ từ nguồn kinh phí xã hội hóa.

Tại huyện Điện Bàn, với phương châm “nhân dân làm, tộc họ làm, nhà nước hỗ trợ”, những năm qua đã vận động hơn 20 tỷ đồng nâng cấp tôn tạo các di tích, trong đó gần 95% huy động từ nguồn xã hội hóa. Nổi bật như di tích đình Thanh Quýt được trùng tu hơn 2 tỷ đồng; đình Diệm Sơn, kinh phí đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng hay các di tích mang tính dòng tộc như nhà thờ tộc Phan Công (Điện Thọ), tộc Hồ (Điện Tiến), lăng mộ Lê Đình Dương, bia chứng tích Chương Dương (Điện Quang)... Đi đầu trong việc huy động nguồn lực xã hội phải kể đến huyện Đại Lộc với việc huy động hàng chục tỷ đồng tu bổ mở rộng các di tích như chùa Cổ Lâm (xã Đại Đồng), đình làng Thanh Bộ (thôn Bộ Bắc, Đại Hòa), đình làng Phiếm Ái...  Trong đó, riêng chùa Cổ Lâm từ năm 2011 đến nay đã huy động gần 20 tỷ đồng từ các phật tử, cá nhân, tổ chức mở rộng nâng cấp ngôi chùa nơi từng gắn với hoạt động chống Pháp của nhà chí sỹ yêu nước Trần Cao Vân.

Ông Phan Văn Cẩm - giám đốc Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam khẳng định, xã hội hóa là yếu tố tích cực thể hiện sự gắn bó giữa cộng đồng dân cư với di tích nhằm tạo ra nguồn lực để hướng đến bảo tồn di tích tốt hơn. Thời gian qua các địa phương chủ yếu thực hiện xã hội hóa mạnh ở các loại hình di tích mang yếu tố tâm linh như đình, chùa, miếu mạo... vì liên quan trực tiếp đến gia đình, dòng tộc, dân làng. Tuy vậy, không phải mọi yêu cầu xin tu bổ đều được trung tâm đồng ý nếu như thiết kế không tuân thủ yếu tố gốc của di tích. “Trước khi phê duyệt, địa phương phải gửi toàn bộ hồ sơ lên trung tâm để thẩm định thiết kế kỹ thuật nếu không hợp lý sẽ phải sửa lại đến khi nào phù hợp mới được triển khai” - ông Cẩm nói. Thực tế, rất ít di tích trùng tu vi phạm vì đa số di tích như đình, chùa, lăng… được xếp hạng dựa trên sự kiện liên quan không phải dựa trên yếu tố kiến trúc nên việc phục dựng, xây mới dễ dàng hơn.

 VĨNH LỘC

VĨNH LỘC