Phổ biến, giáo dục pháp luật trong tình hình mới: Gắn với công tác dân vận
Nhiều năm trở lại đây, hệ thống pháp luật ngày càng được Nhà nước ta tích cực quan tâm xây dựng, hoàn thiện trên cả 2 phương diện: ban hành mới; sửa đổi, bổ sung cái cũ. Qua đó, tăng cường tính đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả của hệ thống pháp luật, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu quản lý xã hội, phát triển đất nước.
Yêu cầu mang tính đặc trưng của nhà nước pháp quyền là phải sử dụng công cụ quản lý xã hội bằng pháp luật chứ không phải nghị quyết hay chỉ thị của Đảng. Điều này có mâu thuẫn hay có ảnh hưởng gì đến vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội hay không? Hoàn toàn không.
Chúng ta cần nhận thức rằng chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng không chỉ là cương lĩnh, nghị quyết hay chỉ thị của Đảng mà phải hiểu theo nghĩa rộng còn bao hàm tất cả văn bản pháp luật do Nhà nước ban hành. Bởi vì văn bản pháp luật của Nhà nước chính là sự thể hiện tập trung cô đọng, thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng. Chính vì vậy để bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng trong điều kiện nhà nước pháp quyền, mọi quan điểm, chủ trương của Đảng được thể chế hóa thành cơ chế, chính sách pháp luật cụ thể cho phù hợp với lợi ích của nhân dân, vì nhân dân.
Do đó, trong điều kiện hiện nay nếu những người làm công tác dân vận chỉ đơn thuần chú trọng đến việc tuyên truyền giải thích quan điểm, đường lối, nghị quyết của Đảng mà không gắn kết với việc phổ biến các quy định pháp luật có liên quan thì hiệu quả sẽ không cao. Về nguyên tắc, nghị quyết, chỉ thị của Đảng chỉ có tính ràng buộc đối với đảng viên, nhưng một khi nghị quyết, chỉ thị đó được thể chế hóa thành văn bản pháp luật thì bắt buộc mọi người phải tuân theo. Để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ công tác dân vận trong tình hình mới, đòi hỏi những người làm công tác này nâng cao hiểu biết pháp luật và kết hợp vận dụng tốt kiến thức pháp luật vào công tác dân vận để minh họa cho tính khả thi và thực tiễn trong quan điểm, đường lối của Đảng.
Ngược lại, vấn đề cần đặt ra đối với những người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) là luôn nhận thức và nắm vững quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về từng lĩnh vực pháp luật cần được phổ biến cho nhân dân. Cương lĩnh, nghị quyết của Đảng như cội rễ, văn bản pháp luật của Nhà nước như thân cành; cội rễ và thân cành có gắn liền với nhau thì cây cối mới xanh tươi và đơm hoa kết trái được. Nếu coi công tác PBGDPL chỉ đơn thuần là việc tuyên truyền những quy định bắt buộc của Nhà nước đối với người dân để họ biết và làm theo thì công tác này chưa hoàn thành được nhiệm vụ dân vận mà nó cần phải hàm chứa trong đó. Cũng như yêu cầu đối với những người làm công tác dân vận, đội ngũ những người làm công tác PBGDPL cần được thường xuyên bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, kịp thời nắm bắt chủ trương, nghị quyết của Đảng để vận dụng làm “mềm hóa” các quy định pháp luật giúp người dân dễ hiểu, dễ tiếp thu.
Về lâu dài, công tác dân vận và công tác PBGDPL nên có sự tăng cường phối hợp lồng ghép một cách tích cực hơn nữa để trong công tác tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng có sự cụ thể hóa bởi các cơ chế pháp luật của Nhà nước. Ngược lại, trong công tác PBGDPL phải thể hiện được vấn đề cốt lõi là xuất phát từ quan điểm, chủ trương của Đảng được cụ thể hóa, qua đó giúp người dân hiểu được bản chất và vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội.
KỲ SANH