Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa VIII: "Mổ xẻ" chuyện đất đai, môi trường
Hôm qua (11.12), HĐND tỉnh bước vào ngày làm việc thứ hai của Kỳ họp thứ 9, khóa VIII. Nhiều vấn đề liên quan đến quản lý tài nguyên khoáng sản, sử dụng đất, bảo vệ môi trường, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội… đã được các đại biểu “mổ xẻ”, phân tích đa chiều.
|
Các đại biểu thảo luận tại kỳ họp. Ảnh: HỮU PHÚC |
Giá đất tiếp tục “đóng băng”
Theo ông Nguyễn Viễn – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường, khung giá đất năm 2014 không có nhiều thay đổi so với năm 2013, do thị trường bất động sản trầm lắng, giao dịch quyền sử dụng đất năm 2013 ít xảy ra. Việc xác định giá đất vùng giáp ranh giữa Quảng Nam với các tỉnh, thành phố lân cận không có sự chênh lệch lớn. Cụ thể, đoạn quốc lộ 1 qua Núi Thành giáp ranh với Bình Sơn (Quảng Ngãi) tỷ lệ chênh lệch tương đối cao (Núi Thành 720 nghìn đồng/m2, Bình Sơn 1,5 triệu đồng/m2), đoạn sân bay Chu Lai đi Dung Quất, giá đất chênh lệch không vượt quá 8%. Quốc lộ 1, đoạn xã Điện Thắng (Điện Bàn) giá hơn 1 triệu đồng/m2, trong khi vùng giáp ranh xã Hòa Phước (Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) 1,2 triệu đồng/m2; đường ĐT 605 giữa xã Điện Hòa giáp với xã Hòa Tiến chênh lệch 3% giá đất.
Tại các vị trí giáp ranh tại xã Điện Ngọc – Hòa Quý, đường ĐT 603 giáp với đường Trần Đại Nghĩa, xã Đại Hiệp (Đại Lộc) với xã Hòa Khương (Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) giữ nguyên giá đất như năm 2013. Vùng giáp ranh giữa các huyện, thành phố trong tỉnh có độ chênh lớn từ khi tuyến ĐT 609 được mở rộng, nâng cấp thông thoáng. Vị trí thuộc huyện Điện Bàn chỉ 240 nghìn đồng/m2, nhưng khu vực Đại Lộc lên 2 triệu đồng/m2. “Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có một số dự án đang triển khai dang dở như mở rộng quốc lộ 1, các dự án trong Khu Kinh tế mở Chu Lai, dự án du lịch ven biển, sắp xếp dân cư ven biển, đường cứu nạn cứu hộ nên việc xây dựng giá đất năm 2014 tại các địa phương dựa theo nguyên tắc kế thừa, điều chỉnh từng bước, tránh những tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư của tỉnh” - ông Viễn nói.
Thị trường bất động sản năm 2013 tiếp tục “đóng băng”. Ảnh: HỮU PHÚC |
Giải thích về dự thảo bảng giá đất nông nghiệp bất thường ở các địa phương, Sở Tài nguyên - Môi trường cho rằng, việc định khung giá đất hiện nay không chỉ dựa vào mục đích sử dụng đất của từng nơi mà còn xem xét các yếu tố khác như điều kiện kết cấu hạ tầng, so sánh lợi thế cạnh tranh. Thực tế, giá đất nông nghiệp ở Hiệp Đức thấp, Điện Bàn cao.
Tại kỳ họp, ông Trần Văn Quỳnh - Phó Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh đề nghị, khi quyết định giá đất, tỉnh cần bình ổn giá đất để người dân không so bì quyền lợi khi bồi thường, giải phóng mặt bằng. Theo ông Hường Văn Minh - Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước, cơ chế đền bù, giải phóng mặt bằng cố gắng duy trì ổn định giá trong một thời gian dài, có thể kéo dài từ 4 - 5 năm.
Lúng túng quy hoạch, bảo vệ môi trường
Bà Nguyễn Thị Thu Lan - Phó Bí thư Thành ủy Tam Kỳ cho biết, các địa phương TP.Tam Kỳ, Núi Thành rất lúng túng trong vấn đề quy hoạch nghề nuôi trồng thủy sản, đặc biệt nuôi tôm thẻ chân trắng. Nhân dân vùng đông rất bức xúc về ô nhiễm môi trường, phá rừng dương ở vùng cát ven biển để nuôi tôm thẻ chân trắng. Tình trạng nuôi tôm nước lợ cũng vướng về quy hoạch, vượt ngoài tầm kiểm soát của địa phương, các xã vùng đông gặp khó khăn khi giải quyết chất lượng nguồn nước khi nuôi trồng thủy sản. “Quy hoạch con tôm, trồng cây cao su ở các vùng như thế nào cho hiệu quả, khoa học, đúng định hướng vẫn là thách thức lớn cho tỉnh” - bà Lan băn khoăn.
Phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng bùng phát. Ảnh: HỮU PHÚC |
Đại biểu Núi Thành đề nghị quy hoạch vùng nuôi tôm trên cát ven biển, xử lý môi trường. Bí thư Huyện ủy Núi Thành Nguyễn Tiến kiến nghị, các ngành chức năng cần rà soát lại diện tích đất quá lớn của Xí nghiệp Lâm đặc sản Quảng Nam nên nghiên cứu giao lại cho địa phương. Hiện nay, tình trạng tranh chấp đất trồng rừng ở các xã Tam Xuân 1, Tam Xuân 2 và Tam Hiệp (Núi Thành) nằm trong diện tích quản lý của Xí nghiệp Lâm đặc sản rất phức tạp.
Không đặt vấn đề quy hoạch nuôi tôm thẻ chân trắng Về quy hoạch cây trồng ở miền núi, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Thanh Quang khẳng định, các huyện miền núi Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Nông Sơn, Phước Sơn, Bắc Trà My… phải nên xác định cây cao su là cây trồng chính, cần đưa vào nghị quyết; không nên khuyến khích người nghèo trồng cao su tiểu điền. Ở vùng tây chưa có gì bền vững, đầu ra ổn định như cây cao su, keo nguyên liệu… Còn về tình trạng nuôi tôm thẻ chân trắng, ông Quang cho rằng, nghiêm cấm tuyệt đối không cho phát sinh mới, nhằm lặp lại trật tự xã hội ở vùng ven biển. Hơn 700 hộ nuôi tôm trái phép trên địa bàn tỉnh phải xử lý theo lộ trình. Quan điểm không đặt vấn đề quy hoạch con tôm, mà nên xác định vùng tạm thời nuôi tôm… |
Các đại biểu ở Tiên Phước đặt vấn đề thu hồi và giao lại một phần diện tích trong 1.500ha đất của Xí nghiệp Lâm đặc sản Quảng Nam đang sử dụng kém hiệu quả về cho địa phương quản lý. Về việc này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang cho rằng, sắp đến tỉnh sẽ khảo sát, rà soát lại hiệu quả sử dụng đất của Công ty Lâm đặc sản Quảng Nam, khu vực nào đã giao mà bỏ hoang đất sẽ bị thu hồi. Về nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát, quan điểm của tỉnh là dùng biện pháp cứng rắn dừng ngay những trường hợp đang san ủi mặt bằng, yêu cầu người nuôi ký cam kết bảo vệ môi trường và không tái phạm sau khi thu hoạch. Về lâu dài, tại các xã vùng đông Núi Thành sẽ khảo sát, lựa chọn nơi nào phù hợp sẽ quy hoạch tương tự như ở huyện Thăng Bình; thống kê lại những nơi đã làm mà không ảnh hưởng môi trường, khu dân cư… sẽ cho phép nuôi nhưng phải cam kết cụ thể. Quan điểm của tỉnh là không để phát sinh “điểm nóng” về nuôi tôm thẻ chân trắng, vì thông tin về thị trường giá cả quá mơ hồ.
Nhiều đại biểu đề xuất tăng tối đa mức phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh, đặc biệt với các loại khoáng sản khai thác kiểu lộ thiên như sắt, mangan, titan, đồng, than antraxit hầm lò lộ thiên. Bởi lẽ, các loại khoáng sản trên có giá trị kinh tế cao, công nghệ khai thác và chế biến lạc hậu gây tác động xấu đến môi trường nên buộc phải có nghĩa vụ đóng phí tăng hơn so với quy định cũ. Trong khi đó, các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường thì vẫn giữ nguyên mức phí quy định tại Quyết định số 18/2009/QĐ-UBND ngày 4.7.2009 của UBND tỉnh, nhằm bình ổn giá thành xây dựng phục vụ cho phát triển kết cấu hạ tầng tại địa phương.
Thiếu vốn và nhân lực * Tại kỳ họp, ông Vũ Xuân Sơn - Bí thư Huyện ủy Tiên Phước cho biết, trong quá trình xây dựng nông thôn mới không nên đưa ra mục tiêu, chỉ tiêu hoàn thành trong khi chưa nắm chắc nguồn lực vốn của Trung ương phân bổ. Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước Hường Văn Minh đề xuất, tỉnh cần cơ chế rõ ràng về nông nghiệp, định hướng phát triển vùng và triển khai bền vững các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Chất lượng khám chữa bệnh ở trạm y tế xã rất khó khăn, cơ chế quản lý y tế cơ sở bất cập. HĐND tỉnh nên quan tâm đến nguồn lực xây dựng giao thông nông thôn. Thực tế, nguồn vốn đầu tư hạ tầng cho nông thôn mới rất thấp. * Lý giải vì sao các xã “trắng” đội ngũ bác sĩ, bà Huỳnh Thị Thùy Dung - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My nói, chính sách thu hút đầu tư tại miền núi còn hạn chế. Việc truy quét khoáng sản trái phép chưa triệt để do thiếu kinh phí hoạt động, lực lượng. * Theo bà Lê Thị Thu Bồn - Phó Giám đốc Ban Quản lý các khu công nghiệp, yếu kém về hạ tầng, đặc biệt giao thông các xã mới chia cắt tại vùng cao Nam Giang trở lực lớn dẫn đến tình trạng chậm phát triển của địa phương. Thêm nữa, việc cắt vốn đầu tư cho khu vực cửa khẩu Nam Giang càng gây khó khăn cho việc tiếp tục hoàn thiện các hạng mục dang dở. * Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang, thời gian qua, tỉnh rất cân nhắc trong việc phân bổ nguồn vốn cho xây dựng cơ bản, công trình nào thực sự bức xúc mới phân bổ. Nguồn vốn chỉ ưu tiên cho việc thanh toán khối lượng công trình và trả nợ cho nhà thầu. |
HỮU PHÚC