Thủ tướng Thái Lan tuyên bố giải tán Quốc hội

KIM OANH 09/12/2013 15:13

(QNO) - Sáng 9.12, phát biểu trên truyền hình trực tiếp toàn quốc, thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra tuyên bố giải tán quốc hội và tiến hành bầu cử càng sớm càng tốt.

Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra.
Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra.

Quyết định của bà Yingluck được đưa ra khi cuộc biểu tình rầm rộ nhằm lật đổ nữ thủ tướng lại tiếp diễn ra tại thủ đô Bangkok sau dịp sinh nhật nhà vua hôm 5.12 vừa qua. Diễn biến mới đây nhất, toàn bộ gần 1/3 số ghế trong quốc hội, tức 153 nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ, đảng đối lập lớn nhất trong quốc hội tuyên bố từ chức tập thể vào ngày 8.12. Mặc dù theo các nhà phân tích, động thái này không thể ngăn cản đảng Pheu Thai (Đảng Vì người Thái) cầm quyền thông qua các điều luật mới, nhưng đã làm lung lay tính hợp pháp của quốc hội.

Trong bài phát biểu, bà Yingluck nói: “Sau khi thảo luận với các đảng phái khác, tôi đã đệ trình sắc lệnh lên hoàng gia yêu cầu giải tán quốc hội. Ở giai đoạn này, khi mà nhiều người phản đối chính phủ đến từ nhiều nhóm khác nhau, cách tốt nhất là chuyển giao lại quyền lực cho người dân Thái và tổ chức bầu cử. Hãy để người Thái sẽ quyết định”. Bà Yingluck cho biết sẽ tham vấn ủy ban bầu cử để sớm ấn định thời điểm tổ chức bầu cử và bà vẫn sẽ đảm nhiệm chức vụ thủ tướng cho đến khi vòng bầu cử mới được tiến hành. Theo hiến pháp Thái thì bầu cử sẽ được tổ chức trong vòng 60 ngày tới sau khi quốc hội được tuyên bố giải tán.

Theo các nhà phân tích, đây được xem là bước đi đầu tiên của bà Yingluck trong nỗ lực kiềm chế khủng hoảng chính trị trước làn sóng biểu tình vẫn dâng cao. Hãng thông tấn AP (Mỹ) cho hay, trong ngày 9.12, có khoảng 50-60 nghìn người biểu tình hướng vào tòa nhà chính phủ nhằm buộc bà Yingluck từ chức. Hơn 60 trường học tại Bangkok phải đóng cửa đề phòng bạo lực. Bộ trưởng Nội vụ Jarupong Ruangsuwan cho biết: “Cảnh sát không được trang bị vũ trang, chỉ có gậy và lá chắn. Chúng tôi sẽ không dùng hơi cay, và trong trường hợp không còn cách nào khác thì cũng sẽ sử dụng một cách rất hạn chế”.

Trong khi đó, lo ngại rằng đảng của bà Yingluck vẫn có thể thắng cử nếu tổ chức bầu cử lại. Lãnh đạo phe đối lập, ông Suthep Thaugsuban kiên quyết lập trường không chấp nhận một cuộc bầu cử mới, mà đề nghị thành lập một “Hội đồng nhân dân” với các thành viên được lựa chọn kỹ càng, nhằm tránh khả năng một chính phủ thân Thaksin, cựu thủ tướng bị lật đổ năm 2006, anh trai của bà Yingluck, được bầu lên. Bà Yingluck khẳng định đề xuất này là vi hiến và phi dân chủ. Còn ông Suthep Thaugsuban nói rằng cuộc vận động vẫn sẽ được tiến hành và các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục diễn ra bởi giải tán quốc hội không phải là mục đích cuối cùng của những người biểu tình mà là lật đổ bà Yingluck.  

Còn nhớ, trong bài phát biểu trong lễ kỷ niệm 86 năm ngày sinh của mình mới đây, nhà vua Bhumibol Adulyadej của Thái Lan đã kêu gọi nhân dân hợp tác, đoàn kết với nhau để ổn định đất nước, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng chính trị hiện nay. Ông nói: “Tất cả người dân Thái Lan cần nhận thức được điều này và cần thể hiện vai trò của mình vì lợi ích của đất nước, đó là sự ổn định và an ninh của đất nước. Đất nước đã có được hòa bình trong một thời gian dài là nhờ tất cả mọi người làm việc cùng nhau”. Đồng thời quân đội Thái Lan cũng tái khẳng định không có đảo chính sau sinh nhật nhà vua.

Các cuộc biểu tình chống chính phủ tại Bangkok những ngày qua đã khiến 5 người thiệt mạng và hơn 200 người bị thương. Đây là cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất tại Thái Lan kể từ năm 2010.

KIM OANH

KIM OANH