Xây dựng trường học thân thiện: Ngôi nhà thứ hai
Trường học trở thành “ngôi nhà thứ hai” của học sinh (HS) nhờ “sạch, đẹp, an toàn và thân thiện”, giúp các em có cảm nhận “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.
Quang cảnh xanh - sạch - đẹp của trường Mầm non Sơn Ca (Hội An).Ảnh: X.PHÚ |
Những điển hình
Nhìn bên ngoài, nếu không có bảng tên trường, có lẽ không ít người nhầm tưởng trường Mầm non Sơn Ca (Hội An) là một khu nhà nghỉ hay khách sạn nào đó. Bên cạnh sự sang trọng của những khu nhà lớp học 2 tầng khang trang, có thể thấy sự đầu tư khá chăm chút của những chủ nhân nơi đây trong việc sắp xếp, “bài binh bố trận” không gian ngôi trường. Rất nhiều cây xanh, cả mô hình đồi với thảm cỏ mượt mà và nhiều cây vạn tuế xù xì trong khuôn viên khiến cho không gian ngôi trường một màu xanh mát mắt. Trong trường còn có cả “vườn rau của bé” với nhiều loại rau được trồng theo kỹ thuật “sạch - an toàn”, dùng để bổ sung cho các bữa ăn của trẻ. Cô Hiệu trưởng Trần Thị Bán chia sẻ, để tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, hàng năm, nhà trường trồng thêm nhiều hoa, cây cảnh, tạo bóng mát về mùa hè nhưng vẫn đủ ánh sáng về mùa đông, đảm bảo sức khỏe cho các cháu. Riêng trong 5 năm gần đây, trường trồng thêm 300 cây xanh các loại. Vào chiều thứ Sáu hàng tuần, hưởng ứng cuộc vận động “Một giờ vì Hội An sạch đẹp”, toàn thể cán bộ, giáo viên cùng nhau dọn vệ sinh xung quanh khu vực trường. Nhờ đó, trường Mầm non Sơn Ca không chỉ là ngôi trường xanh - sạch - đẹp mà còn là đơn vị tiêu biểu của cả tỉnh về chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, được tặng nhiều phần thưởng cao quý, trong đó vinh dự hơn cả là Huân chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước.
Tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực” (2008 - 2013) được tổ chức mới đây, Sở GDĐT cho biết, đến nay có 95% số trường học trên địa bàn tỉnh đảm bảo an toàn, sạch đẹp, có cây xanh thoáng mát, lớp học đủ ánh sáng, bàn ghế hợp lứa tuổi HS. Thông qua hoạt động của Đội, Đoàn, các trường tổ chức cho HS thực hiện tốt “Ngày thứ Bảy tình nguyện”, “Ngày Chủ nhật xanh” để làm cho trường học sạch và đẹp hơn. Nhiều trường học cũng đã phối hợp với công an địa phương tổ chức tuyên truyền, giáo dục về an toàn giao thông, phòng chống ma túy. |
Nằm ở xã Đại An của huyện Đại Lộc, trường Tiểu học Nguyễn Công Sáu nổi lên là một trong những điển hình với nhiều sáng tạo mang tính đột phá. Có giai đoạn trước đây, nhà trường thử nghiệm phương pháp dạy học “phi truyền thống” bằng việc mỗi giáo viên chỉ dạy 1 môn thay vì nhiều môn. Cạnh đó, mô hình giáo dục an toàn giao thông cho học sinh của trường cũng được coi là điển hình không chỉ của huyện Đại Lộc mà được nhân rộng ra phạm vi toàn tỉnh. Những năm gần đây, nhà trường cũng tạo ra được tiếng vang khi tổ chức hoạt động “Tuổi thơ giữ hồn Việt” với nhiều trò chơi dân gian, hát đồng dao, dân ca, ẩm thực với những món ăn dân gian, thu hút sự tham gia hưởng ứng của HS và phụ huynh. Ngoài ra, nhà trường còn tạo được môi trường thân thiện qua các hạng mục xây dựng để phục vụ HS khuyết tật, phụ huynh đón HS. Với những hoạt động tạo ra hiệu ứng tích cực của mình, trường Tiểu học Nguyễn Công Sáu đã được vinh danh sau chặng đường 5 năm thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực” toàn tỉnh.
Sạch - đẹp - an toàn
Năm 2008, Bộ GDĐT phát động phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực”. Tuy nhiên, trước đó, các trường học đã ý thức đến việc phải làm sao cho ngôi trường trở thành sạch - đẹp - an toàn, giúp các em HS “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Theo ông Nguyễn Tấn Thắng - Giám đốc Sở GDĐT, trong 5 năm qua, những nội dung cơ bản của phong trào được các trường chú trọng thực hiện gồm: trường lớp xanh - sạch - đẹp; đổi mới việc tổ chức dạy học, phù hợp với tâm sinh lý HS; rèn luyện kỹ năng sống, tổ chức các hoạt động vui chơi bổ ích, lành mạnh cho các em. Do đó, không chỉ một vài trường tiêu biểu như Mầm non Sơn Ca (Hội An) hay Tiểu học Nguyễn Công Sáu (Đại Lộc) mà còn có rất nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã triển khai khá tốt, trở thành những ngôi trường sạch, đẹp, thân thiện.
Một trong những nội dung của phong trào được các trường học quan tâm thực hiện là rèn luyện kỹ năng sống phù hợp với tâm lý từng lứa tuổi HS. Thông qua từng bài học, từng buổi sinh hoạt, HS được trang bị kiến thức về các kỹ năng nhận thức, giao tiếp, trình bày suy nghĩ, ý tưởng cũng như kỹ năng làm chủ bản thân. Từ đó, giúp các em có kỹ năng ứng xử văn hóa, ý thức chung sống thân thiện, giải quyết hợp lý các tình huống mâu thuẫn, xung đột. Điều đáng nói, trong phong trào, vai trò của các ngành, đoàn thể được thể hiện rõ nét không chỉ qua trách nhiệm là thành viên Ban chỉ đạo phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực” mà còn trực tiếp tham gia vào các hoạt động của trường học. Cụ thể, Hội LHPN tỉnh vận động hội viên và cộng đồng giúp đỡ HS nghèo, góp phần ngăn chặn tình trạng bỏ học; Tỉnh Đoàn phối hợp triển khai phong trào “Học tốt yêu khoa học”, “Hoa điểm 10”, “Khăn quàng danh dự”, “Thanh niên làm theo lời Bác”... tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong HS. Trong khi đó, ngành VH-TT&DL hỗ trợ cho các trường đưa loại hình nghệ thuật dân gian và văn học địa phương vào giảng dạy, giới thiệu các di tích lịch sử, di tích cách mạng cho HS tham quan, chăm sóc. Đánh giá về kết quả 5 năm thực hiện, ông Nguyễn Tấn Thắng cho rằng, phong trào thi đua đã huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong và ngoài nhà trường để xây dựng một môi trường giáo dục an toàn, thân thiện. Mô hình trường học thân thiện đã làm cho hoạt động giáo dục trở nên nhẹ nhàng, vui tươi, hấp dẫn HS, tạo điều kiện cho các em tích cực học tập, rèn luyện.
XUÂN PHÚ