Không đầu hàng số phận
Hôm qua 2.12, Hội Người khuyết tật (NKT) tỉnh tổ chức buổi gặp mặt hội viên nhân Ngày quốc tế NKT; đồng thời biểu dương nhiều tập thể xuất sắc và hội viên vượt qua khó khăn, bất hạnh để vươn lên trong cuộc sống.
Nhiều chương trình dự án hỗ trợ được triển khai tạo điều kiện cho người khuyết tật hòa nhập hơn với cuộc sống. Ảnh: K.THẠCH |
Vượt lên bất hạnh
Buổi gặp mặt có sự tham dự của khoảng 100 hội viên NKT tiêu biểu ở các địa phương trên địa bàn tỉnh. Đến với buổi gặp mặt, có người tập tễnh trên đôi nạng gỗ, người ngồi xe lăn... nhưng trên khuôn mặt ai cũng có vẻ phấn khởi. Họ - dù không được lành lặn như người bình thường, nhưng ẩn bên trong chứa đựng sự nỗ lực và biết vượt khó vô cùng to lớn. Và chính điều đó đã giúp họ vươn lên trong cuộc sống, không bao giờ “đầu hàng số phận”.
Chị Lê Thị Hạnh, trú tại xã Điện Thắng Bắc, hội viên Hội NKT huyện Điện Bàn, cho biết, rất phấn khởi vì được dự buổi gặp mặt ý nghĩa nhân Ngày quốc tế NKT. Nếu như trước đây, việc đi ra ngoài, giao lưu, tiếp xúc với mọi người khiến bản thân mặc cảm, không tự tin thì nay đã khác. Với sự nỗ lực, vượt khó trong cuộc sống, hiện nay chị Hạnh là chủ một cơ sở làm mắm nổi tiếng ở địa phương, giải quyết việc làm cho 10 lao động với thu nhập từ 100 - 150 nghìn đồng/ngày. Trước đó, không chịu đầu hàng số phận, chị đã tự mày mò, học hỏi và làm đủ nghề như thêu, chằm nón, đan áo len… Với suy nghĩ “tàn nhưng không phế”, chị quyết tâm chữa trị, sau đó nỗ lực tập luyện để có thể đi lại bằng xe lăn và đến nay đã có thể đi lại bằng nạng gỗ. Chị Hạnh cũng vừa vươn lên thoát được hộ nghèo. Thương hiệu mắm cá cơm, mắm cái “Tuyết Hạnh” dần dần bay xa, tạo thu nhập cho gia đình chị và lao động địa phương làm việc tại cơ sở.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Bé (xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên) cũng là tấm gương NKT vượt khó khăn, tự ti mặc cảm để vươn lên hòa nhập cộng đồng. Năm 11 tuổi, lúc chăn bò, không may dẫm phải mìn còn tồn sót sau chiến tranh, chị Bé bị thương nặng ở cột sống và tê liệt hoàn toàn 2 chân. Lớn lên, mọi sinh hoạt đối với chị Bé hết sức khó khăn. Sống với bố mẹ già, chị tự nhủ nếu như cứ mãi chấp nhận số phận thì sau này ai sẽ lo cho mình. Vì vậy, bản thân chị đã tự học nhiều nghề thủ công để kiếm thêm thu nhập, phụ bố mẹ. Hiện nay, chị đang “ăn nên làm ra” với nghề làm vàng mã. Nhờ cần cù, chịu khó nên việc làm ăn của chị khá thuận lợi. Chị còn tạo thêm việc làm cho 2 lao động có thu nhập ổn định. Đặc biệt, với những nỗ lực của bản thân, chị được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Hội NKT huyện Duy Xuyên từ tháng 6.2012. Với trách nhiệm và vị trí của mình, chị Bé đã giúp đỡ nhiều NKT có điều kiện hòa nhập cộng đồng. Chị Bé chia sẻ: “Là một người kém may mắn nên tôi hiểu và thông cảm với nhiều hoàn cảnh như mình. Không chỉ chia sẻ với hội viên, bản thân tôi luôn cố gắng làm cầu nối để những tổ chức, đơn vị quan tâm nhiều hơn đến NKT”.
Cầu nối
Năm 2007, Hội NKT huyện Đại Lộc được thành lập, là một trong 4 huyện đầu tiên của các nước thành lập hội NKT cấp huyện. Qua 6 năm hoạt động, Hội NKT huyện đã thực sự là cầu nối, chỗ dựa tinh thần cho hàng trăm hội viên. Ông Trương Tấn Bửu - Phó Chủ tịch Thường trực Hội NKT tỉnh, Chủ tịch Hội NKT huyện Đại Lộc chia sẻ: “Trước khi Hội NKT Đại Lộc ra đời, NKT trên địa bàn huyện thiệt thòi đủ đường. Họ không biết làm gì, trao đổi, giãi bày cùng ai. Kể từ khi thành lập, hội đã trở thành chỗ dựa tinh thần tin cậy cho hàng trăm hội viên. Hội cũng là cầu nối để chính quyền, các tổ chức, đoàn thể xã hội đến gần hơn với NKT. Những chương trình, dự án giúp đỡ đến nhiều hơn, tạo điều kiện để NKT hòa nhập hơn với cuộc sống”.
Hiện nay, mạng lưới tổ chức Hội NKT được mở rộng ra 6/18 huyện, thành phố, với 17 hội cấp xã. Các tổ chức hội đại diện cho NKT được thành lập ở các địa phương đã thực sự trở thành “mái nhà chung” để hội viên sinh hoạt, giao lưu chia sẻ với nhau những khó khăn trong cuộc sống, giúp nhau vượt khó vươn lên. Tuy nhiên, ông Hứa Quốc Dũng - Chủ tịch Hội NKT tỉnh cho rằng, với hơn 36 nghìn NKT nhưng mới chỉ có 6 huyện, thành phố thành lập được Hội NKT thì quả rất khiêm tốn. Đồng thời mới chỉ có duy nhất Hội NKT Điện Bàn được công nhận là hội đặc thù cho nên vấn đề kinh phí hoạt động luôn là “bài toán” cho các cấp hội. Trong khi đó, những định kiến của xã hội với NKT chưa được thay đổi; tư tưởng xem NKT không làm được việc gì vẫn đang tồn tại... khiến cho NKT chưa có môi trường thuận lợi để phát huy hết những khả năng mà họ có.
Tuy mới thành lập được 3 năm nay nhưng Hội NKT tỉnh cũng đã trở thành “cánh tay nối dài” kết nối cộng đồng xã hội đến gần hơn với NKT. Ông Hứa Quốc Dũng cho biết: “Sự ra đời của Hội NKT tỉnh là một bước ngoặt trong công tác chăm lo cho NKT trên toàn tỉnh. Mặc dù mới ra đời nhưng hội thực sự đã trở thành chỗ dựa tinh thần cho nhiều NKT. Sinh hoạt trong tổ chức hội, các hội viên được tiếp cận với Luật NKT, các chương trình mục tiêu quốc gia…”. Để giúp NKT vươn lên trong cuộc sống, có môi trường thuận lợi phát huy khả năng của mình, những năm qua, Hội NKT tỉnh và các huyện hội đã làm cầu nối cho các tổ chức quốc tế như APHEDA, Malteser, CRS... thực hiện các dự án giúp đỡ NKT về dạy nghề, hỗ trợ vốn, giúp nâng cao năng lực cho NKT trong rủi ro thiên tai, hỗ trợ xe lăn, xe lắc làm phương tiện di chuyển…, đặc biệt là tuyên truyền nâng cao nhận thức, cách nhìn của cộng đồng đối với NKT. Qua đó, góp phần cải thiện đời sống tinh thần và vật chất, giúp NKT hòa nhập xã hội.
VINH ANH