Bùng phát dịch lở mồm long móng ở Phước Sơn

DUY THÁI 29/11/2013 16:13

(QNO) - Dịch lở mồm long móng (LMLM) đang bùng phát mạnh tại huyện Phước Sơn khiến gần 60 con trâu, bò nhiễm bệnh. Chính quyền và thú y huyện đang nỗ lực dập dịch nhưng thời tiết diễn biến phức tạp khiến công tác dập dịch gặp nhiều khó khăn.

Lây lan nhanh

Dịch LMLM xuất hiện tại Phước Sơn khoảng 10 ngày nay và có chiều hướng lây lan nhanh. Hiện 2 xã có trâu, bò bị dịch bệnh LMLM là Phước Chánh và Phước Công. Trong đó thôn 5 Phước Chánh là điểm xuất hiện dịch đầu tiên với 4 con bò bị bệnh. Đến nay toàn xã đã có 50 con bò, trâu bị nhiễm bệnh. Ông Võ Hưng – Phó Chủ tịch, Trưởng ban phòng chống dịch xã Phước Chánh cho biết: “Dịch bệnh bùng phát tại thôn 5 với 4 con bò có dấu hiệu bị bệnh, đến nay 5/7 thôn là thôn 5,6,7,3 và thôn 2 đã xuất hiện dịch với 46 con bò và 4 con trâu bị bệnh. Trong đó thôn 5 có trâu, bò bị dịch bệnh nhiều nhất”.

Phương án cách ly, tiêu độc cho vật nuôi nhanh chóng được triển khai.
Phương án cách ly, tiêu độc cho vật nuôi nhanh chóng được triển khai. Ảnh: DUY THÁI

Toàn xã Phước Chánh có hơn 2 nghìn con trâu bò nhưng dịch bệnh lây lan nhanh khiến người dân vô cùng lo lắng. Ông Hồ Văn Hiền (thôn 5) cho biết: “Ban đầu con bò thứ nhất của tôi có dấu hiệu bỏ ăn, sau đó xuất hiện các triệu chứng như lở mồm và nổi mụt nước ở chân, tôi liền cách ly con bò còn lại đến nơi khác để tránh bệnh nhưng chỉ một ngày sau con bò thứ 2 của tôi cũng bị triệu chứng trên. Thấy bò bị bệnh nhiều người dân rất hoang mang, lo lắng”. Còn tại thôn 3 dịch bệnh cũng lây lan nhanh chóng, mầm bệnh tiếp tục tấn công đàn bò của người dân. Ông Hồ Văn Chuôn có 7 con bò nhưng tất cả đều bị bệnh khiến gia đình ông mất ăn mất ngủ. “Đàn bò là tất cả tài sản gia đình tôi tích góp được nhưng hiện nay chúng đều bị bệnh, tôi phải đưa chúng đi cách ly ở xa và tích cực điều trị mong đàn bò mau khỏi bệnh”. Ông Chuôn buồn rầu.

Trong khi đó, theo thông tin từ phòng NN&PTNT huyện, tại  thôn 4 xã Phước Công đã xuất hiện dịch với 9 con bò bị nhiễm bệnh, đây là nơi giáp ranh với ổ dịch thôn 7 Phước Chánh.

Khó kiểm soát dịch bệnh

Ông Hưng cho biết, hiện tại Phước Chánh đã tiêu hủy 2 con bò nhiễm bệnh tại thôn 5 và thôn 3, đây là những con phát bệnh lâu ngày nhưng không kịp chữa trị khiến bệnh trầm trọng nên bắt buộc phải tiêu hủy để tránh dịch bệnh bùng phát mạnh.

Trước tình hình dịch bệnh lây lan nhanh, chính quyền xã Phước Chánh đã thành lập ngay ban phòng chống dịch bệnh, kết hợp với thú y huyện rà soát, khoanh vùng dịch bệnh, tiến hành phun thuốc tiêu độc, khử dịch, tiêm thuốc, trực tiếp rửa, sát trùng và cấp thuốc, hướng dẫn người dân cách trị bệnh, cách ly vật nuôi. Tuy nhiên hiện dịch bệnh vẫn khó khống chế do thói quen chăn thả rông vật nuôi của đồng bào vùng cao. “Chính quyền đã vận động, tuyên truyền bà con đưa bò về những chỗ cố định để cách ly nhưng nhiều người vẫn chủ quan và thả rông vật nuôi. Hơn nữa nhiều con bò mới vừa khỏi bệnh thì họ lại thả rông để chúng đi ăn. Chính điều nay làm mần bệnh phát tán mạnh và khó kiểm soát”. Ông Hưng nói.

Ông Trần Thanh Hà - Trưởng Trạm thú y huyện cho biết, mẫu bệnh phẩm được đưa đi phân tích dương tính với chủng vi rút Sero tye A từng gây bệnh LMLM ở huyện Núi Thành và Duy Xuyên. Hiện 4 nhân viên thú y của trạm đã được cử đến vùng dịch để kết hợp với những thú y ở tuyến xã cùng khống chế dịch. “Hiện nay trời mưa liên tục khiến việc khoanh vùng và cách ly gia súc tại các xã gặp khó khăn, công tác phun độc, khử trùng chưa hiệu quả. Bên cạnh cạnh đó, tỉ lệ tiêm phòng gia súc ở các xã đạt thấp chỉ có 51% nên nhiều vật nuôi dễ bị nhiễm bệnh. Nếu thời tiết tốt hơn tôi tin rằng việc dập dịch sẽ nhanh chóng hơn”. Ông Hà cho hay.

Hiện nay công tác phòng chống và dập dịch đang được huyện Phước Sơn tích cực triển khai. Theo Ông Nguyễn Phiếm - Trưởng phòng NN&PTNT huyện thì sau khi dịch bệnh LMLM bùng phát ở Phước Chánh thì huyện Phước Sơn đã có báo cáo gửi lên cấp trên và nhanh chóng chỉ đạo các xã có dịch nhanh chóng triển khai phương án phòng tránh, khoanh vùng dập dịch. Tuy nhiên hiện nay trời mưa liên tục và ý thức phòng dịch của người dân chưa cao nên việc dập dịch cũng gặp nhiều khó khăn. “Biện pháp hiện nay là tích cực khoang vùng dập dịch, tuyên truyền cho người dân có ý thức phòng chống dịch bệnh. Tuyệt đối kiểm soát không cho vật nuôi vùng dịch bị di chuyển, tiêu thụ hoặc giết mổ, huy động tối đa nhân lực để phòng, dập tắt dịch bệnh không để tiếp tục lay lan” - ông Phiếm nói.

DUY THÁI

DUY THÁI