Khắc phục hậu quả lũ lụt tại Phước Sơn: Thủy điện cần có trách nhiệm
Thủy điện Đăk My 4 xả lũ với lưu lượng lớn cộng với lượng nước mưa đã khiến nhà cửa của 14 hộ dân sống dọc sông Trường ở xã Phước Hiệp (huyện Phước Sơn) bị sạt lở nặng nề. Thế nhưng, chủ đầu tư thủy điện vẫn chưa có động thái tích cực hỗ trợ địa phương khắc phục hậu quả.
Nước lũ gây sạt lở nặng nề nhà cửa của nhiều hộ dân ở thôn 3, xã Phước Hiệp. Ảnh: T.S |
Thiệt hại nặng nề
Theo báo cáo của UBND huyện Phước Sơn, từ tối 14.11 đến hết ngày 15.11, trên địa bàn huyện Phước Sơn có mưa lớn, lượng nước chảy về thủy điện Đăk Mi 4 rất lớn. Để đảm bảo an toàn hồ, đập, Ban quản lý dự án nhà máy thủy điện Đăk Mi 4 đã xả tràn về vùng hạ lưu xã Phước Hiệp (Phước Sơn), cộng với lượng mưa trên diện rộng đã gây sạt lở nghiêm trọng vùng hạ lưu thủy điện Đăk Mi 4, nhất là xã Phước Hiệp. Tại địa phương này có khoảng 1.200m2 đất ở, có 14 nhà của người dân thôn 3 ở ven sông Trường bị sạt lở, trong đó có 9 nhà bị sạt lở, hư hỏng nặng. Ngoài ra, nước lũ còn gây ngập úng cho 30 nhà và sạt lở đất nhà, đất vườn của 4 hộ dân thôn 4; cầu qua sông Trường và cầu tràn bê tông thôn 10 (xã Phước Hiệp) cũng bị hư hỏng nặng...
Văn phòng UBND tỉnh cho biết UBND tỉnh vừa có văn bản gửi Tổng Công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp (IDICO) - cơ quan chủ quản của thủy điện Đăk Mi 4 đề nghị hỗ trợ kinh phí khắc phục thiệt hại vùng hạ lưu thủy điện Đăk Mi 4, trong đó hỗ trợ kinh phí làm đường vào khu sản xuất cho nhân dân thôn tái định cư thủy điện Đăk Mi 4A. Đối với 14 hộ dân bị sạt lở ở xã Phước Hiệp, UBND tỉnh đề nghị IDICO xem xét xây dựng khoảng 150m kè hoặc giải quyết kinh phí để di dời 14 hộ dân này đến nơi ở mới. |
Đã gần nửa tháng kể từ khi trận lũ quét qua, nhưng nhiều người dân sống ven sông Trường của xã Phước Hiệp vẫn chưa hoàn hồn. Những ngôi nhà chỏng chơ, xiêu vẹo bên dòng nước hung hãn vẫn còn nguyên đó. Hiện dòng nước chảy xiết vẫn tiếp tục “ngoạm” vào hai bờ sông, đe dọa tính mạng, tài sản của người dân nơi đây. Ông Bùi Thanh Vỹ (thôn 3, xã Phước Hiệp) bức xúc nói: “Sự việc may mà xảy ra ban ngày, dân chúng tôi kịp chạy, chứ nếu xảy ra ban đêm thì chắc cũng có người bị lũ cuốn trôi. Nhà chúng tôi ở gần thủy điện Đăk My 4, khoảng cách từ bờ đập đến nhà dân không quá 500m, lượng nước xả quá tức vì độ cao bờ đập trên 30m, còn nhà chúng tôi ở dưới thấp nên rất nguy hiểm. Bà con giờ đi mượn chỗ ăn chỗ ở, cuộc sống đảo lộn lên”.
Nhà ông Vỹ chỉ là một trong 14 hộ dân ở thôn 3, xã Phước Hiệp lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, đi không đặng mà ở cũng chẳng xong. Nỗi lo lũ do thiên tai và lũ của thủy điện đang đè nặng lên cuộc sống của những hộ dân nơi đây. Đau lòng hơn, căn nhà mới xây chưa được 2 tháng với trị giá gần 1 tỷ đồng của ông Vỹ giờ đang đứng trước nguy cơ đổ sập xuống dòng sông Trường. Sau khi lũ đi qua, chính quyền huyện Phước Sơn đã đến thăm hỏi, động viên người dân và tổ chức cuộc họp khẩn cấp với Ban quản lý dự án thủy điện Đăk My 4 để tìm giải pháp tháo gỡ. Song, Ban quản lý dự án thủy điện Đăk My 4 vẫn cho rằng sự cố này là do thiên tai và chưa có động thái thăm hỏi, hay kiểm tra tình hình thiệt hại của người dân.
Kiến nghị khắc phục sự cố
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Phiếm - Trưởng Phòng NN&PTNT, Phó ban Chỉ huy PCLB huyện Phước Sơn nói không đồng tình với việc thủy điện Đăk My 4 cho rằng đã vận hành thủy điện, vận hành hồ chứa trong mấy ngày lũ lụt đúng theo quy trình. Theo ông Phiếm, do cộng hưởng rất lớn từ dòng nước thủy điện xả lũ đã làm trôi hơn 1.200m2 đất, hàng chục bụi tre lâu năm, 15 con heo, hơn 100 con gia cầm, một số công trình phụ, nhà ở của 14 hộ dân bị rạn nứt, mất an toàn… Thế nhưng thủy điện lại bảo hoàn toàn do thiên tai điều không thể chấp nhận được.
Trước thực tế nêu trên, huyện Phước Sơn đã đề nghị cần gấp rút xây bờ kè hơn 150m ngay đoạn 14 hộ dân bị sạt lở đất, nhưng ban quản lý thủy điện cho rằng không đủ khả năng nên cuộc họp giữa UBND huyện Phước Sơn với Ban quản lý dự án thủy điện Đăk My 4 nói trên đã không đi đến sự thống nhất chung và không thể đưa ra kết luận. Ông Nguyễn Phiếm cho biết thêm: “UBND huyện Phước Sơn kiến nghị Tổng Công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp (IDICO) - cơ quan chủ quản của thủy điện Đăk Mi 4 cần bàn bạc, làm việc với UBND tỉnh giải quyết những chuyện trước mắt và lâu dài. Nếu không xây dựng bờ kè thì phải di dời dân đến nơi an toàn, vì thủy điện tiếp tục phát điện, tiếp tục xả lũ thì nguy cơ nhà dân bị cuốn trôi vẫn còn đó”.
Nhiều ý kiến cho rằng việc xây dựng hệ thống thủy điện bậc thang Đăk My đã tạo ra nghịch lý đó là chặn nước ở dòng sông lớn là Đăk My và đổi dòng nước về sông nhỏ là sông Trường. Mùa hè, vùng hạ lưu sông Vu Gia thường xuyên khô cạn, mùa mưa thì dòng sông Trường đổ ra sông Thu Bồn như một biển nước, gây ngập lụt tại các xã Phước Hòa, Phước Hiệp (huyện Phước Sơn). Không những thế, việc không tuân theo quy luật tự nhiên đã đang và sẽ xảy ra những hiểm họa khôn lường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân Phước Sơn, mà hậu quả của đợt lũ từ ngày 15 - 17.11 vừa qua là một minh chứng rõ nét nhất.
TẤN SỸ