Ngoại khóa "hai trong một"
Khoa Nghệ thuật, trường
Một tiết mục văn nghệ của giảng viên khoa Nghệ thuật trường Đại học Quảng Nam. Ảnh: NGỌC KẾT |
Không như nhiều hoạt động văn hóa - văn nghệ bình thường khác, chương trình “Sắc màu & giai điệu” khá đặc biệt ở chỗ, đây là lần đầu tiên những người thầy, người cô đứng trên bục giảng muốn tự thực hiện trọn vẹn một chương trình văn nghệ. Mà theo họ chia sẻ, bởi muốn thực sự là mình, muốn gửi gắm đến các bạn sinh viên một niềm tin và tình yêu sâu sắc với ngành đang theo học... Ai đó đã từng nói, dạy học là một nghệ thuật, dạy nghệ thuật lại càng phải nghệ thuật hơn. Chính vì thế, như cách nói của nhạc sĩ Lê Xuân Trúc - giảng viên khoa Nghệ thuật, làm thế nào để có một chương trình biểu diễn “sạch sẽ” đối với các “diễn viên” này là một chuyện, làm sao để sinh viên đang theo học tại khoa có một cái nhìn toàn diện, “tâm phục, khẩu phục” về các thầy cô của mình lại là một câu chuyện khác.
Và để tạo sự “tâm phục, khẩu phục” trong sinh viên, không chỉ tự thể hiện, nhiều tác phẩm của chương trình văn nghệ do thầy cô sáng tác trong suốt những năm “bén duyên” với nghệ thuật và bục giảng. Càng lý thú hơn khi ban nhạc của chương trình - được xem như sợi dây nối kết mạch nguồn cảm xúc và mạch chảy của nội dung “Sắc màu & giai điệu” - cũng chính là các thầy cô giáo. Như thầy giáo, nhạc sĩ Trần Cao Vân, Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, với cây đàn bầu đã theo anh từ thuở sinh viên trường nhạc. Hay thầy giáo, nhạc sĩ Lê Xuân Trúc với những ngón luyến láy đầy cá tính cùng cây ghi ta thùng; giảng viên thanh nhạc Hồng Hải với bộ gõ, họa sĩ Võ Như Diệu hào hứng trong những âm điệu của trống ca-don... Mỗi người một sắc thái, mỗi người một hình ảnh, tất cả đã cố gắng để làm nên một “bữa tiệc” nghệ thuật cho chính mình và cho sinh viên của ngành.
Nhờ sự cố gắng, nỗ lực hết mình của từng diễn viên - thầy cô trên sân khấu mà ngay từ đầu chương trình, sau khúc dạo ấn tượng của ban nhạc, cảm xúc được đẩy lên trong lòng người xem bởi những tiết mục được dàn dựng công phu. Tốp ca “Tôi là viên phấn nhỏ” - sáng tác của nhạc sĩ Phan Văn Minh - nguyên giảng viên khoa Nghệ thuật đã gợi lên trong tâm khảm người nghe hình ảnh những người thầy ngày đêm tận tụy với sự nghiệp trồng người, chỉ mong được làm viên phấn nhỏ, rơi đến những hạt phấn cuối cùng để thắp lên nguồn sáng tri thức trong trái tim và khối óc học trò. Nhạc sĩ Trần Cao Vân với “Lời ru đại ngàn” đã thổi lên những ám ảnh của sự hủy diệt môi trường nơi núi cao rừng thẳm. Lê Xuân Trúc với “Cội nguồn yêu thương” dâng tặng người xem những cảm xúc dạt dào của miền quê nơi anh sinh ra và ru ra - ru riếng một thời. Hay thầy giáo trẻ Nguyễn Văn Phin dịu dàng với “Mưa vội” như một bất ngờ của cảm xúc “Sắc màu & giai điệu”... Còn nhiều nữa những cô giáo Hồng Hải hóa thân vào vai thôn nữ miền quê đồng chiêm Bắc Bộ trong “Giấc mơ trưa” nồng hậu mà cũng rất thẹn thùng, e ấp; cô giáo - nghệ sĩ múa Thu Ba làm lặng yên khán phòng với độc vũ “Một mình dưới trăng” đầy nghệ thuật và xúc cảm...
Ngồi phía dưới khán phòng, tôi cảm nhận được sự thăng hoa của nghệ thuật bằng lối biểu diễn cháy hết mình của các diễn viên trên sân khấu. Đồng thời cũng kịp để lòng mình trôi theo cảm xúc của các bạn sinh viên trong từng tiết mục mà các thầy cô biểu diễn. Ở vào thời điểm mà giải trí bùng nổ như nấm sau mưa, để kéo các bạn trẻ ngồi xem một chương trình “cây nhà lá vườn” thật không dễ chút nào. Vậy mà, “Sắc màu & giai điệu” của các giảng viên khoa Nghệ thuật, trường Đại học Quảng Nam, lần đầu tiên ra mắt kể từ ngày thành lập 1.7.2013 đã không chỉ “giữ” chân mà còn lặng lẽ thổi vào tâm hồn các bạn trẻ nhiều cảm xúc lạ lẫm xen lẫn ngọt ngào. Phạm Thanh Tuấn, sinh viên K13, khoa Nghệ thuật chia sẻ rằng, đối với sinh viên ngành nghệ thuật, hoạt động này bắt đầu từ cảm xúc, sau đó là lan tỏa học hỏi và bản thân đã học hỏi được rất nhiều bài học quý về bộ môn mình theo học từ chương trình này.
Rõ ràng, một hoạt động được thực hiện bởi tâm huyết, bởi “máu” nghề nghiệp như “Sắc màu & giai điệu” không chỉ là sự tưởng thưởng xứng đáng cho các thầy cô giáo mà còn tạo được niềm tin vững vàng, giúp các bạn sinh viên yên tâm với ngành học của mình, yêu quý hơn những giá trị nghệ thuật mà thầy cô đã dày công truyền thụ. Có lẽ vì thế mà tiến sĩ Huỳnh Trọng Dương - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Quảng Nam đã không ngần ngại khẳng định: “Hoạt động ngoại khóa này cần được nhân rộng ra các khoa phòng khác, qua đó, giúp sinh viên tiếp cận với chuyên môn được nhẹ nhàng, hiệu quả hơn”.
Khi ngoại khóa trong giáo dục thể hiện được vai trò “kép” của mình, hiệu quả mang lại thực không nhỏ.
NGỌC KẾT