Sống ở "miệng" sóng
Bão lũ hoành hành, bờ biển Cửa Đại tiếp tục bị xâm thực nghiêm trọng khiến hàng chục hộ dân ở thôn Trung Phường (xã Duy Hải, huyện
Trước nguy cơ siêu bão Hải Yến ập tới, ông Bùi Văn Minh quyết định tháo dỡ ngôi nhà. |
Nơm nớp lo sợ
Do nằm sát bờ biển Cửa Đại, lại không có cây cối chắn sóng, cản gió nên hơn 10 năm nay cứ vào mùa mưa bão là gia đình ông Bùi Văn Minh (thôn Trung Phường, xã Duy Hải) lại thu gom đồ đạc dắt díu nhau đi lánh nạn. Khi nghe dự báo siêu bão Hải Yến có nguy cơ đổ bộ vào Quảng Nam, sợ quá ông Minh quyết định dỡ ngôi nhà, chuyển toàn bộ lương thực, thực phẩm vào khu đất trống cách bờ biển gần 1km dựng lều sống tạm. Không riêng gì ông, 17 hộ dân khác nằm sát bờ biển thuộc thôn Trung Phường cũng luôn nơm nớp lo mỗi khi mưa bão ập tới. Những năm qua bình quân mỗi mùa bão lũ bờ biển này bị xâm thực 30 – 40m, uy hiếp đến sinh mạng của họ. Cụ Phạm Thị Không – một người dân địa phương nói: “Cách đây 7 năm, ngôi nhà của tui cách bờ biển hơn 1 cây số. Hồi nớ muốn ra biển tắm, tụi nhỏ phải đi qua cái sân bóng đá, vài cái nhà, ruộng đồng rồi mới đến hàng dương, bãi cát. Vậy mà bây giờ, tui vừa bước ra khỏi ngõ là đã nhìn thấy nước mênh mông, sóng đánh ầm ầm”. Trong cơn bão số 11 vừa qua, căn nhà dưới của cụ Không bị gió cuốn bay toàn bộ mái tôn, đến nay vẫn chưa sửa lại. Theo bà, giờ nếu có được Nhà nước hỗ trợ tiền hoặc tôn thì bà cũng không khắc phục, bởi sợ rồi một ngày gần đây tất cả cũng sẽ trôi theo dòng nước.
Sáng 26.11, có mặt tại bờ biển Cửa Đại thuộc thôn Trung Phường, chúng tôi nhận thấy người dân nơi đây rất hoang mang trước sự an nguy của những ngôi nhà mà họ đang sinh sống. Nhìn ra biển, những cơn sóng dữ liên tục đập vào bờ khiến các hàng dừa chắn gió bị đánh bật gốc nằm la liệt, chỉ còn sót lại vài cây. Trong căn nhà trống tênh, ông Trần Văn Hiền thở dài: “Thiên tai thì không thể lường trước, lỡ nửa đêm sóng biển ào vào nhà là không thu dọn kịp. Vì vậy cách đây 2 tháng tôi phải đem gửi nhờ lúa gạo, bàn ghế ở nhà người thân. Sống cái kiểu ni khổ quá, mong sao chính quyền sớm có giải pháp để người dân làng tôi không phải phập phồng lo sợ nữa”.
Thiếu kinh phí di dời
Ông Nguyễn Văn Thống - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Hải cho biết, trước tình cảnh của gia đình ông Bùi Văn Minh, cách đây hơn 1 tuần chính quyền địa phương đã chọn 1 lô đất trống có diện tích 240m2 để bố trí cho ông Minh dựng lại nhà nhằm sớm ổn định cuộc sống. Chuyện bức xúc về chỗ ở của ông Minh xem như đã giải quyết xong. Thế nhưng, còn 17 hộ dân nằm trong diện “báo động đỏ” khác, theo ông Thống, lãnh đạo địa phương cùng một số ngành liên quan ở huyện Duy Xuyên vừa tiến hành khảo sát thực tế và quyết định chọn khu đất rộng 1ha để quy hoạch bố trí tái định cư khẩn cấp cho 17 hộ dân trên. Đồng thời dự phòng cho việc di dời khoảng 16 hộ dân khác cũng đang đứng trước nguy cơ bị sóng biển xâm thực. Khu đất này nằm ở vị trí rất cao ráo, cách bờ biển gần 900m. Trước đây, diện tích đất này được giao cho Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 để tiến hành thực hiện dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên thời gian qua chủ đầu tư không triển khai dự án trên, do đó hiện nay khu đất này đã được UBND tỉnh giao lại cho Ban quản lý Khu Kinh tế mở Chu Lai. “Lãnh đạo xã Duy Hải và UBND huyện Duy Xuyên vừa có tờ trình gửi UBND tỉnh, Ban quản lý Khu Kinh tế mở Chu Lai cùng các ngành chức năng xem xét giải quyết phương án di dời dân này. Tình hình đang rất bức thiết nên chúng tôi mong sớm nhận được ý kiến chỉ đạo từ cấp trên” - ông Thống nói.
Cũng theo ông Thống, nếu được UBND tỉnh và các đơn vị liên quan chấp thuận về việc bố trí lô đất rộng 1ha nêu trên phải có ít nhất 4 tỷ đồng để đền bù cây cối, di dời mồ mả, san ủi mặt bằng và xây dựng hệ thống nước sạch, đường giao thông, điện thắp sáng nhằm phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân tại khu tái định cư mới này. Tuy nhiên, với số tiền trên, ngân sách xã và huyện Duy Xuyên không thể gánh nổi. Vì vậy, rất cần sự hỗ trợ của phía tỉnh và các bộ ngành ở Trung ương. Trong khi đó, nhiều hộ dân trong diện di dời khẩn cấp lại có hoàn cảnh rất khó khăn. Ông Bùi Văn Minh chia sẻ: “Do phải dỡ căn nhà cũ chạy trước siêu bão Hải Yến nên những ngày qua gia đình tôi gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt thường nhật. Ngay sau khi được lãnh đạo xã cấp cho lô đất mới, tôi vay mượn anh em họ hàng được 50 triệu đồng về mua vật liệu xây lại nhà chứ lâu nay nghề nghiệp không ổn định nên đâu có của để dành. Thôi thì lo an cư trước đã, còn chuyện nợ nần trời cho sức khỏe sẽ làm trả sau”.
VĂN SỰ - PHI THÀNH