Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 17: Mổ xẻ các vấn đề "nóng"

NGUYÊN ĐOAN 25/11/2013 08:54

Cuối tuần qua, Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị lần thứ 17 (khóa XX) để đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết năm 2013 của Tỉnh ủy, thông qua Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ năm 2014; đánh giá sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy về công tác cán bộ. Các đồng chí Nguyễn Đức Hải - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Sỹ - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Phước Thanh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng chủ trì hội nghị.

  • Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 17: Năm 2014, phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế 11,5%

Tại hội nghị, các vấn đề về thực trạng nuôi tôm tự phát trên cát, định hướng phát triển cây cao su, việc xả lũ của thủy điện góp phần gây ngập lụt cho hạ du và những bất cập trong công tác cán bộ đã được các đại biểu tập trung nêu ý kiến để tìm giải pháp tháo gỡ.

Xây dựng ao nuôi tôm tự phát diễn ra rất phức tạp ở nhiều địa phương ven biển. Ảnh: M.ĐỨC
Xây dựng ao nuôi tôm tự phát diễn ra rất phức tạp ở nhiều địa phương ven biển. Ảnh: M.ĐỨC

Nóng chuyện con tôm, cây cao su

Theo ông Nguyễn Tiến - Bí thư Huyện ủy Núi Thành, thời gian qua tình trạng nuôi tôm tự phát trên cát tại một số xã ven biển của huyện diễn ra ồ ạt, chính quyền cơ sở gần như không kiểm soát được tình hình. Hấp lực kinh tế từ con tôm mang lại quá lớn khiến người dân đổ xô vào xây ao nuôi tôm, gây đe dọa nghiêm trọng đến các rừng dương ven biển, ảnh hưởng đến môi trường và gây xáo trộn cuộc sống người dân. Theo ông Tiến, để chấn chỉnh tình trạng trên cần có sự vào cuộc quyết liệt, xử lý triệt để của các ngành, các cấp chính quyền. “Về lâu dài nên chăng chúng ta điều chỉnh quy hoạch đưa rừng dương ven biển vào loại rừng phòng hộ để trên cơ sở đó công tác quản lý bảo vệ rừng được thực hiện tốt hơn, ngăn chặn được các hoạt động xâm hại loại rừng này” - ông Tiến đề xuất. Thời gian qua thực trạng nuôi tôm tự phát trên cát cũng “nóng” tại Thăng Bình, ông Phan Nghĩa - Bí thư Huyện ủy Thăng Bình kiến nghị: trước mắt phía tỉnh cần sớm nghiên cứu, khảo sát để đánh giá hiệu quả kinh tế do con tôm mang lại, trên cơ sở đó xây dựng quy hoạch tạm thời để tạo điều kiện cho người dân nuôi tôm, phát triển kinh tế. Nhưng về lâu dài, phải thực hiện quy hoạch chính thức về vùng nuôi tôm trên cát mới giải quyết căn cơ tình trạng này.

Cần siết chặt quản lý việc nuôi tôm và phát triển cây cao su

Theo ông Nguyễn Thanh Quang, tình hình nuôi tôm tự phát rất phức tạp. Để nuôi tôm, người dân phá rừng phi lao, phá vườn và thậm chí dỡ nhà để lấy đất cất hồ nuôi tôm. Sự phát triển nuôi tôm đã gây tác động xấu đến môi trường, gây xáo trộn đời sống. “Đề nghị tỉnh chỉ đạo hệ thống chính trị các cấp siết chặt công tác quản lý trên địa bàn. Ai vi phạm kiên quyết xử lý, chỉ đồng ý cho nuôi ở những khu vực đảm bảo các điều kiện về môi trường, đất đai trong khi chờ quy hoạch. Đã đến lúc chúng ta phải rà soát, thực hiện quy hoạch nuôi tôm trên cát nhằm phát triển kinh tế bền vững” - ông Quang nói.

Về phát triển cây cao su, ông Quang cũng cho rằng trừ các địa phương miền núi đảm bảo các điều kiện để phát triển, các địa phương ven biển đồng bằng kiên quyết không được trồng. Định hướng là ưu tiên phát triển cao su đại điền và lựa chọn doanh nghiệp có năng lực để đầu tư phát triển, khôi phục diện tích cao su bị thiệt hại.

Các cơn bão vừa qua đã làm ngã đổ hàng trăm héc ta cao su trên địa bàn tỉnh, điều này đặt ra vấn đề là có nên tiếp tục phát triển cây cao su trong thời gian đến hay không? Ông Huỳnh Tấn Triều - Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn nhìn nhận: phát triển cây cao su là chủ trương lớn, đa mục đích và được xem là cây xóa đói giảm nghèo cho các địa phương miền núi. Giá trị kinh tế từ cây cao su đã được khẳng định. Tuy nhiên các cơn bão số 10, số 11 vừa rồi đã làm ngã đổ nhiều diện tích, thiệt hại kinh tế không nhỏ, cây cao su đang có dấu hiệu chững lại. “Tỉnh cần định hướng phát triển cây cao su trên địa bàn” - ông Triều nói.

Quy trình xả lũ: chỉ đúng với chủ hồ!

Ông Nguyễn Văn Ngũ - Bí thư Huyện ủy Đại Lộc cho rằng tình hình lũ lụt “bất ngờ” đang là vấn đề được quan tâm của địa phương, cần  có sự quan tâm giải quyết của các cấp từ tỉnh đến Trung ương. Đợt lũ vừa qua, Đại Lộc bị thiệt hại khoảng 54 tỷ đồng. Nhân dân địa phương cho rằng tình hình lũ lụt phức tạp là do thủy điện xả lũ, chính quyền địa phương chưa thể đánh giá tác động và chỉ ghi nhận một số hiện tượng như nước lũ lên nhanh, dòng nước chảy xiết, xuất hiện nhiều điểm sạt lở mới và lũ lụt không theo quy luật, ngập lụt cục bộ.

Về vấn đề này, ông Lê Văn Lai - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho rằng, từ thực tế lũ lụt có thể đưa ra nhận định quy trình xả lũ của thủy điện là sai. “Tôi không đồng ý với quy trình xả lũ như vừa rồi. Tôi đề nghị sửa lại chỉ tiêu số 8 (chỉ tiêu về môi trường trong Nghị quyết năm 2014) là tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường và gây thiệt hại nghiêm trọng được xử lý 100% kể cả thủy lợi, thủy điện vì nó đã gây tác động quá lớn. Cần có sự phối hợp của các cơ quan chức năng để đánh giá lại quy trình xã lũ nhằm giải quyết dứt điểm, căn cơ các hệ lụy đã xảy ra cho người dân, môi trường” - ông Lai kiến nghị.

Ông Nguyễn Thanh Quang - Giám đốc Sở NN&PTNN nêu ý kiến: “Thủy điện không gây ra lũ lụt, thiên tai tạo ra nước, thủy điện tiếp sức gây ra lũ lụt. Quy trình xả lũ do chính thủy điện đề ra. Nói xả lũ đúng quy trình, nó chỉ đúng với chủ hồ nhưng nó không đúng với cuộc sống người dân. Kiến nghị tỉnh chỉ đạo các hồ nghiêm túc thực hiện việc xả lũ, chỉ được tích nước sau ngày 30.11”.

Công tác cán bộ: chú trọng thực chất, thực tài

Báo cáo sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy về công tác cán bộ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Trần Xuân Thọ cho biết công tác quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2015 - 2020 ở cả 3 cấp đã được tiến hành một cách đồng bộ, đúng nguyên tắc, quy trình; chất lượng đội ngũ cán bộ đưa vào quy hoạch được nâng lên đáng kể cả về trình độ học vấn, chính trị và chuyên môn nghiệp vụ; đảm bảo số lượng, cơ cấu hợp lý. Tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số ngày càng tăng. Trên cơ sở kết quả quy hoạch cán bộ, việc xây dựng kế hoạch đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, bố trí, điều động, luân chuyển cán bộ được thực hiện một cách chủ động hơn, cơ bản khắc phục tính hình thức trong quy hoạch cán bộ.

“Chúng ta cần có đánh giá toàn bộ các vấn đề liên quan đến thủy điện hiện nay, giao UBND tỉnh triển khai tổ chức hội nghị chuyên đề với sự tham dự của chủ các nhà máy thủy điện, chuyên gia môi trường, chính quyền các địa phương bị ảnh hưởng để cùng nghị bàn các vấn đề liên quan trên tinh thần xây dựng, tiến tới mô hình hóa quy trình xả lũ liên hồ, siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong việc xã lũ. Tỉnh không bao che cũng không ủng hộ cho thủy điện”.
(Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải)

Quan tâm đến công tác cán bộ trong thời gian qua, lãnh đạo các địa phương miền núi cùng có chung ý kiến về sự bất cập từ cơ chế cử tuyển trong con em địa phương người đồng bào. Sau khi học ra trường các em trở về xin việc khiến địa phương gặp lúng túng, vướng mắc trong việc giải quyết bố trí công việc. Ông Nguyễn Bằng - Bí thư Huyện ủy Đông Giang cho rằng, đã đến lúc nên đánh giá lại cơ chế cử tuyển này. Cần có một chủ trương chung để thực hiện nhằm khuyến khích các em nêu cao tinh thần phấn đấu tự học, tự rèn luyện, xóa bỏ thái độ ỷ lại, có như vậy miền núi mới có được đội ngũ cán bộ có năng lực, đáp ứng với nhiệm vụ được giao. Cùng quan điểm, ông Nguyễn Tấn Thắng - Giám đốc Sở GDĐT nêu ý kiến: “Thời gian đến, tỉnh cần quan tâm giảm dần các chỉ tiêu đào tạo thuộc hệ cử tuyển, tiến tới dừng hẳn cơ chế này vì nó không còn phù hợp với thực tế hiện nay”.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải yêu cầu, trong công tác cán bộ chú trọng thực hiện, trọng dụng nhân tài, bố trí cán bộ theo tinh thần đúng người đúng việc, có thực lực, thực tài; dứt khoát phải tổ chức thi tuyển một số chức danh lãnh đạo để lựa chọn người có năng lực. Người cán bộ công chức phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc kỷ cương, kỷ luật, đổi mới lề lối, tác phong làm việc, lấy sự hài lòng của nhân dân làm thước đo hiệu quả phục vụ của bộ máy công quyền.

NGUYÊN ĐOAN

NGUYÊN ĐOAN