Trung An cách trở
Hơn 15 năm, đời sống của hơn 150 hộ thuộc thôn Trung An (xã Quế Trung, huyện
Có được con đường đến trường không phải “nắng bụi, mưa lầy” là niềm mơ ước của trẻ em thôn Trung An. Ảnh: H.LIÊN |
Trở về nhà sau chặng đường vượt núi, dốc và đá gồ ghề, Doãn Thị Bích Phượng (thôn Trung An, xã Quế Trung, học sinh trường THCS Quế Trung) mệt nhoài nói: “Để được đến trường, nhiều năm nay, chúng em phải vượt 5 cây số đường đèo lầy lội, toàn đá lởm chởm. Lần đầu đi học, em được cha mẹ, người thân chở đi, dần dần có bạn bè rủ đi học nên quen rồi. Khổ nhất là đến mùa mưa lũ, đoạn đường nơi nhão nhoẹt bùn đất, đoạn đá lởm chởm. Đường xấu đến mấy chúng em cũng ráng đạp xe chứ không sẽ bị trễ học, nhưng chỉ có thể đạp được vài đoạn, còn lại phải dắt. Do đó, ngày nào cũng khoảng 4 giờ rưỡi sáng là tụi em phải lo dậy để chuẩn bị đến trường”. Bích Phượng cũng như nhiều em nhỏ ở thôn Trung An không nhớ mình đã trải qua bao mùa mưa nắng vượt con đường gồ ghề, chông chênh này để đến lớp. Em chỉ có thể nhớ là đã 4 năm đằng đẵng em và chúng bạn cùng lớp phải vượt đèo ngày 2 buổi đến trường. “Trời mưa đường lở thêm, còn trời nắng thì mấy chiếc xe tải chở đất cát, than, gạch qua lại đây suốt, bụi ơi là bụi. Đường nhỏ, hai bên là núi, là sông nên gặp xe qua chúng em phải nép sát vào lề, đợi xe qua mới dám đi tiếp. Khổ nhất là xe đạp cứ hư miết, nhiều lúc phải vứt xe dọc đường xin xe đến trường. Mấy em nhỏ học lớp 5, lớp 6 bé xíu cũng ráng cõng đoạn đường này tới trường” - Bích Phượng tâm sự.
Cô Lê Thị Thúy Vân - giáo viên dạy học từ năm 1986 đến nay ở trường thôn Trung An chia sẻ: “Con em trong thôn hầu hết không được học mẫu giáo, các bậc phụ huynh chỉ chờ con em đủ tuổi học lớp một là gửi vô học trường thôn. Trường vốn có 2 cô dạy học nhưng năm này học sinh ít, chỉ một cô đứng dạy 5 em lớp 1 và 6 em lớp 4, còn tôi không có lớp nên được chuyển về dạy ở trường chính. Vậy là hằng ngày cô trò phải vất vả vượt 6 cây số tới lớp. Vượt núi vượt đèo, người lớn vất vả đã đành, chỉ tội lũ trẻ phải gồng mình đạp xe, có hôm trời mưa trợt lấm lem, thấy xót”.
Ông Trần Văn Bối - Trưởng thôn Trung An cho biết, hơn 150 hộ dân thôn Trung An vốn là dân của thôn Khương Quế di dời qua do làng bị lở sông. Thời điểm năm 1997, nơi đây chỉ khoảng 100 hộ, nay toàn thôn tất thảy 153 hộ. Khu vực tái định cư này thời điểm đó mỗi hộ chỉ được cấp 1 nền nhà, chứ không được đầu tư xây dựng cơ bản gì thêm. Còn con đường duy nhất đi qua thôn này vốn là con đường đất nguyên thủy có từ thời Pháp (nay thuộc tuyến ĐT610). “Mười sáu năm nay, đường sá ngày càng xuống cấp, có đoạn sạt lở nặng do bị sông xâm thực mà không được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên. Chỉ có Công ty TNHH một thành viên Phan Ngọc Anh (Duy Xuyên) đứng ra duy tu một số đoạn để phục vụ vận chuyển gạch, than qua tuyến này. Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần tại các đợt tiếp xúc cử tri nhưng rồi không thấy động tĩnh gì”. Ông Trịnh Thanh Hảo, người dân trong thôn, bức xúc: “Mấy chục năm từ ngày giải phóng đến nay, giao thông khu vực này quá bế tắc. Bà con trong vùng không biết làm gì để phát triển kinh tế. Trồng cây chuối, nuôi con gà con vịt cũng không biết bán ra sao. Chúng tôi chỉ mong có được con đường để trẻ đi học, để bộ mặt nông thôn thay đổi. Trung An nhiều năm liền được công nhận “thôn văn hóa”, bà con ai cũng hưởng ứng cải tạo môi trường cảnh quan nông thôn, ai cũng lo làm tường rào, cổng ngõ sạch đẹp, nhưng chỉ có con đường là vướng mắc”.
Theo Trưởng thôn Trần Văn Bối, tuyến ĐT610, đoạn từ trung tâm xã Quế Trung đến hết địa phận của thôn Trung An dài chừng 6km có vị trí quan trọng, tiếp giáp với phía tây huyện Duy Xuyên, từ Trung An qua khu vực ngã ba Cây Muồng, tháp Mỹ Sơn chỉ khoảng hơn chục cây số. Nơi đây lại có lăng Bà Thu Bồn vốn được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2008. Nếu đường sá được thông thương, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái sẽ phát triển, bởi từ Mỹ Sơn qua lăng Bà Thu Bồn, làng nghề mỹ nghệ trầm hương, dó bầu Trung Phước, qua khu du lịch sinh thái Đại Bình vốn không xa. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Kim Dũng - Chủ tịch UBND xã Quế Trung cho biết, tuyến đường duy nhất này thuộc dự án đường tránh lũ của huyện Nông Sơn, nhưng chỉ mới được triển khai được một đoạn, rồi dừng lại từ năm 2009 đến nay. Mỗi năm, ngành chức năng đều có đầu tư cải tạo đường, san ủi, đổ đá cấp phối để bà con đi lại. Tuy nhiên, xe vận tải qua lại hay sau mỗi đợt mưa bão đường lại hư hại. Trong khi chờ dự án của tỉnh, địa phương kiến nghị sử dụng nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và nguồn đầu tư giao thông nông thôn để bê tông hóa tuyến đường, đảm bảo an toàn cho việc đi lại của thôn nhưng chưa được chấp thuận.
HOÀNG LIÊN