Nhân tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS: Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV

ANH TRÂM (thực hiện) 22/11/2013 11:32

Việt Nam đang hướng tới mục tiêu không còn người nhiễm mới HIV. Nhân Tháng hành động quốc gia về phòng chống HIV/AIDS năm nay, trả lời phỏng vấn Báo Quảng Nam, ông Trần Văn Kiệm - Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh cho biết:
Kiểm soát sự lây nhiễm HIV trong cộng đồng là một trong những mục tiêu ưu tiên của Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS. Do đó, nội dung chủ yếu của công tác phòng chống HIV/AIDS là truyền thông vận động thay đổi hành vi dự phòng lây nhiễm HIV và tăng cường tiếp cận, cung cấp các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS.

Đoàn thanh niên tham gia chương trình Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2012.Ảnh: A.T
Đoàn thanh niên tham gia chương trình Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2012.Ảnh: A.T


PV:Theo ông, khó khăn nhất trong công tác phòng chống HIV/AIDS nằm ở đâu?

Ông Trần Văn Kiệm: Theo mục tiêu 3 không của toàn cầu: không còn người nhiễm mới HIV; không còn người tử vong do AIDS; không phân biệt kỳ thị với người nhiễm HIV/AIDS. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến nhiễm HIV/AIDS vẫn còn tồn tại khá phổ biến. Kỳ thị và phân biệt đối xử tiếp tục là nguyên nhân hạn chế những người có hành vi nguy cơ cao cũng như những người nhiễm HIV/AIDS tiếp cận các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị nhiễm HIV/AIDS; là những rào cản đối với việc thực hiện đầy đủ các quyền của người nhiễm HIV/AIDS, bao gồm quyền học hành, lao động… đã được pháp luật các quốc gia quy định. Tuy chúng ta lấy chủ đề chính “Không có người nhiễm mới” nhưng công tác tuyên truyền để loại bỏ kỳ thị hết sức quan trọng.

Nếu cần thông tin liên quan đến HIV/AIDS, tại Quảng Nam có thể liên hệ đến các địa chỉ sau để được xét nghiệm và tư vấn miễn phí:
1. Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Quảng Nam, đường Nguyễn Du, phường An Mỹ, TP.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.
2. Phòng tư vấn sức khỏe cộng đồng, 129 Trưng Nữ Vương, TP.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.
3. Phòng tư vấn sức khỏe cộng đồng, Trung tâm Da liễu tỉnh Quảng Nam, đường Nguyễn Du, TP.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.
4. Phòng tư vấn sức khỏe sinh sản tại Phòng khám Khoa sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam, 01 Nguyễn Du, Tam Kỳ, Quảng Nam.
5.  Phòng khám tư vấn lao/HIV tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, đường Nguyễn Văn Trỗi, Tam Kỳ, Quảng Nam.
Nếu cần các dịch vụ chăm sóc, điều trị HIV/AIDS bạn đến với các địa chỉ sau:
1. Phòng khám ngoại trú người lớn đặt tại khoa Da liễu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam, số 01 Nguyễn Du, Tam Kỳ, Quảng Nam.
2. Phòng khám ngoại trú nhi, Bệnh viện Nhi tỉnh Quảng Nam, số 46 Lý Thường Kiệt, Tam Kỳ, Quảng Nam.
3. Phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, Khoa sản Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam.

PV:Cùng với chủ đề của toàn cầu, nhân tháng quốc gia phòng chống HIV/AIDS, Quảng Nam đưa ra những mục tiêu cụ thể nào trong công tác này, thưa ông?

Ông Trần Văn Kiệm: Hưởng ứng chủ đề ngày Thế giới phòng, chống AIDS năm 2013, Quảng Nam đưa ra 4 mục tiêu sau:

1. Thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và của toàn dân vào thực hiện “Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030”, Kế hoạch số 4263/KH-UBND ngày 7.11.2012 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và “Phong trào toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư”;

2. Nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi có hại, thực hiện hành vi an toàn dự phòng lây nhiễm HIV của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là của những người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc ít người;

3. Mở rộng độ bao phủ, nâng cao chất lượng và tăng cường quảng bá các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị HIV/AIDS đến mọi người dân;

4. Tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIV/AIDS với gia đình, xã hội, đặc biệt là trong dự phòng lây nhiễm HIV và tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
PV:Ông cho biết cụ thể hơn những chương trình hành động mà Quảng Nam sẽ thực hiện trong thời gian này cũng như giai đoạn kế tiếp?

Ông Trần Văn Kiệm: Cụ thể trong “Chiến lược phòng chống HIV/AIDS tỉnh Quảng Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030” có rất nhiều nội dung. Như: xây dựng chương trình can thiệp giảm thiểu tác hại cấp tỉnh và triển khai thí điểm các huyện, thành phố có số lượng tiêm chích ma túy nhiều để tăng độ bao phủ và chất lượng chương trình can thiệp giảm thiểu tác hại. Các hoạt động kỹ thuật tập trung vào chương trình trao đổi bơm kim tiêm sạch nhất là ở những địa bàn có tình trạng tiêm chích ma túy nhiều (Tam Kỳ, Phú Ninh, Thăng Bình, Tiên Phước, Quế Sơn...); chương trình phân phát, tiếp thị xã hội bao cao su ở những địa bàn có nhiều dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí, khu công nghiệp (Hội An, Điện Bàn, Tam Kỳ, Núi Thành, Duy Xuyên...); và chương trình điều trị nghiện bằng thuốc thay thế methadone (Chương trình methadone) phải được xúc tiến triển khai, đầu tiên sẽ thí điểm tại TP.Tam Kỳ, nơi có số người tiêm chích ma túy nhiều.

Đó là những kế hoạch, chiến lược dài hơi và cần có những quyết tâm cao cũng như sự hỗ trợ từ nhiều phía. Còn riêng trong Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS, chúng ta đẩy mạnh mảng tuyên truyền trong toàn tỉnh.

PV:Xin cảm ơn ông.

ANH TRÂM (thực hiện)

ANH TRÂM (thực hiện)