Ám ảnh mùa trôi

LÊ TRÂM 22/11/2013 08:07

1. Nỗi bất an ấy ám ảnh tôi gần như suốt đời. Mỗi khi nghe mưa trôi trên mái nhà tự nhiên lại có cái gì đó là lạ dội lên bên trong khiến gan ruột cứ nóng hơ. Có thể do suốt những năm dài của tuổi thơ ở dưới mái nhà tôn quanh năm mưa dột phải che chắn hứng chịu mùa này qua mùa khác nên đã hình thành một “nỗi bất an thường trực” trong tôi. Mới tí tuổi đã phải trèo lên tận “khu đĩ” một tay níu lấy đòn tay một tay úp lên mặt che mưa, những cơn mưa như xát vào mặt không ngớt, mắt len lét nhìn ra dòng nước đục ngầu đang giận dữ cuồn cuộn chảy mà gan ruột cứ thắt lên từng hồi. Nhà tôi ở sát bờ sông nên suốt đời lưu giữ trong tôi nỗi ám ảnh cái hình ảnh ba người ngồi thu lu trên mái nhà trôi lừng lững giữa dòng nước xiết. Đã hơn năm mươi năm qua rồi vẫn không hiểu họ, ba người ấy, đã trôi về tận đâu? Hay hình ảnh mẹ tôi bụng mang dạ chửa phải leo lên tận sát nóc nhà ngồi vắt vẻo trên thanh xà ngang ba tôi vội vàng gác lên. Cảnh ba tôi đi đâu cũng mang theo cái rựa chẳng hiểu để làm gì giữa ngày bão lũ. Té ra là để chặt hết rui mè tìm đường chui ra khi có người chèo ghe đến cứu. Rồi cả nhà cũng được đưa đến nổng cát trên rừng (một gò cát cao kéo dài đến tận biển, nơi ấy người ta cũng ăn ở sinh sống bằng nghề nông như chúng tôi, chẳng hiểu sao phải gọi là rừng; bây giờ chẳng thấy ai gọi như thế nữa). Có ai đó đem đến cho nhà tôi một nhúm gạo. Cả nhà tôi được một bữa cháo nhớ đời sau bao nhiêu ngày đói khát. Cảnh người ta lôi những con trâu bò trôi tận đâu từ trên nguồn xuống tấp vào rìa nổng cát để xẻ thịt, chia nhau. Nhà tôi cũng được chia dăm ba phần như vậy. Cái cách tự nhiên xẻ thịt chia nhau ấy sau này thỉnh thoảng nhớ lại tôi có cảm giác mà người ta lại hồn nhiên được như vậy trong những giờ phút khốn khó?

Cảnh chúng tôi trước khi được chuyển vào nổng cát giữa rừng, ghe tấp vào ở tạm nhà nội tôi. Nhà nội có kiên cố hơn nhưng rồi lũ mỗi ngày một lớn. Dí lúa đặt trên cái phản chính giữa nhà từ từ nổi lên theo con nước, nghĩa là lúa lúc ấy cũng từ từ trôi theo. Tiếng khóc ai oán bỗng bật lên nức nở. Bắt đầu từ bà nội rồi đến mẹ tôi, các cô rồi cả những bà hàng xóm. Họ khóc như nhà có tang. Tôi còn nhỏ quá đâu có hiểu gì nhưng cũng khóc theo. Tiếng khóc ám ảnh đến tận bây giờ.

Sau lũ, người ta vớt từng nhúm lúa như thế, đãi sạch đất cát, phơi khô, giã ra được lưng lửng tí gạo có mùi thum thủm. Lúc đầu bọn trẻ con chúng tôi không thể nào chịu nổi cái mùi thum thủm ấy nên cứ nhè ra. Nhưng đâu có gì ăn, cuối cùng cũng phải trợn mắt mà nuốt cho no bụng. Rồi cũng qua một mùa lũ dữ. Nhưng rồi nỗi ám ảnh thì còn mãi.

2. Thời đi học phổ thông những năm còn chiến tranh nhà tôi chuyển về Hội An. Lại phải đối mặt với những cơn lũ mỗi năm. Lũ nhỏ thì di tản sang cái gác gỗ nhà hàng xóm. Nước lớn, cơm đùm cơm gói xuống tận trường Nam tiểu học hoặc sân vận động dưới phố để sơ tán. Một ngày mùa đông như thế, trên cái rương gỗ trên gác nhà ông hàng xóm tốt bụng tôi viết cái truyện ngắn nhỏ xíu “Thiên đường” gửi tuần báo Tuổi Ngọc. Truyện được in ngay sau đó khiến tôi sướng run người đến gần hết một mùa giáng sinh. Và cũng từ đó văn chương đeo đuổi như một căn nghiệp khó dứt. Có điều sao mọi thứ cứ mơ hồ không tăm tích.

Cứ đến mùa mưa mái tôn lại rung lên tiếng ồn như trống ếch. Và nhà dột tứ bề. Tranh thủ mùa nắng, khi thì dầu hắc cuộn vải, khi thì điền điển nhúng xăng thành một thứ dung dịch nhầy nhầy trát khắp nơi nhưng chẳng hiểu sao mùa nào nhà cũng cứ dột. Nên cái thì che cái thì nhét giẻ vẫn dột tứ bề. Và tất thảy mọi thứ thau nồi soong chảo được tận dụng tối đa để hứng nước. Nhiều đêm đang chìm trong những cơn mơ tuyệt đẹp đã bị dựng dậy chạy đi lấy thau hứng nước. Tan tành cả những giấc mơ thời học trò. Vì thế nỗi ám ảnh nhiều khi kéo vào tận giấc ngủ. Có phải vì thế những cơn mưa khiến lòng tôi cứ như bị lửa đốt?

3. Lần đầu lên Sông Đà năm 1995. Cảm giác choáng ngợp sự kỳ vĩ của công trình. Và thán phục sự kỳ vĩ của con người. Lần lên dự lễ hội văn hóa thể thao miền núi, chúng tôi có ghé A Vương và Za Hung. Cảm giác chỉ còn là sự tiện lợi của một công trình thủy điện nho nhỏ và vô hại. Lần đi Trà My bắt gặp lại cảm giác bị thuyết phục khi nghe nhắc đến 4 công trình thủy điện chặt dòng sông Tranh. Lần ấy Sông Tranh 2 bắt đầu xây dựng. Chúng tôi lên tận Trà Nam. Là cái rốn mưa của Quảng Nam, nơi khởi nguồn của sông Tranh, sông Thu Bồn mà. Tự dưng có cảm giác bất an. Chúng tôi bảo nhau xuống tắm con suối đầu nguồn. Vừa nhận được cảm giác của sự khởi đầu của dòng sông Mẹ. Vừa nhận ra rằng, xuống dưới kia chắc gì đã còn sông mà tắm (hồi ấy vùng hạ du đã đục ngầu do nạn đào đãi vàng sa khoáng). Hóa ra cảm giác ấy là thật. Sự bất an của Sông Tranh 2. Sự bất an của mỗi lần A Vương (bây giờ thêm Đắk Mi 4, Sông Bung 4A, Sông Bung 5…) xả lũ. Bỗng dưng Đại Lộc trở thành nạn nhân của thủy điện. Và thêm sự gắn bó bất đắc dĩ giữa Đại Lộc và đô thị cổ Hội An. Đại Lộc bị xả lũ thì Hội An đi sơ  tán. Đúng dịp bão số 8 đổ về, tình cờ chúng tôi ba đứa kẻ Đại Lộc , người Quế Sơn, kẻ Hội An gặp nhau ở một hồ nước tận Vĩnh Phúc. Ba đứa nhắng cả lên vì lũ lụt ở quê nhà. Thằng ở đầu nguồn, thằng cuối sông. Và tôi thì ở giữa. Hỏi quê nhà Đại Lộc để còn lo “chỉ đạo” sơ tán người ở Hội An. Còn tôi, ở giữa, cứ liệu mà tính chuyện của mình. May mà cơn bão ấy không kịp xảy ra!

Người ta bảo rằng cẩn thận thì sẽ tránh được hiểm nguy trong bão, lũ. Nhà cửa sập hoặc trôi còn có thể làm lại. Có điều sẽ phải đối diện với nghèo đói. Bây giờ nhà cửa đã không còn tạm bợ như trận lụt năm Thìn xưa kia. Cho đến khi nghe thông tin về siêu bão Haiyan - Hải Yến. Hóa ra con người vẫn chẳng là gì trước đất trời. Tất cả đều đang vượt ra ngoài sự kiểm soát của con người. Tính mạng, nhà cửa, tài sản chẳng là gì trước những cơn bão cỡ như Haiyan! Trong sự hoang mang tột độ, vừa phải tiếp tục lo chống chọi với cơn bão dữ như thường lệ, không, chống chọi với sự hủy diệt, lòng không ngớt dội lên sự thắc mắc: Tại sao? Tại sao với sự tiến bộ và văn minh con người không lớn lên, cứng cỏi hơn để đương đầu với thiên tai mà lại ngày càng bé mọn đi? Và thiên tai, tại sao ngày cứ một thêm dữ dội? Tại sao sự bất an, bất trắc ngày càng bám mãi theo chúng ta? Chứng kiến dòng người trên đường quốc lộ đổ xô về quê sáng ngày thứ Bảy để chống chọi với cơn bão mang cái tên dịu dàng - Hải Yến - mới cảm thấy rõ sự hốt hoảng, hoang mang của con người. Tại sao nhỉ? Và phải làm gì?

May mà cơn bão không đổ bộ vào đất nước chúng ta. Nhưng, đâu phải chỉ có mỗi cơn bão kiểu Haiyan - Hải Yến!

Bây giờ, đến mùa, thủy điện Sông Tranh 2, Đăk Mi 4, Sông Bung, A Vương, hồ Phú Ninh… đua nhau xả lũ. Và, mỗi lần như thế, nước lại tràn vào nhà…

LÊ TRÂM

LÊ TRÂM