Đừng để thêm nỗi đau vì tai nạn giao thông
(QNO) - Hôm 18.11, nhiều nước trên thế giới tổ chức các hoạt động tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông (TNGT) với thông điệp cảnh tỉnh nhân loại đừng để thêm nỗi đau vì TNGT.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi ngày có hơn 3.500 người tử vong và khoảng 100 nghìn người khác bị thương vì TNGT trên toàn cầu, đặc biệt nghiêm trọng là giao thông đường bộ. Ngân sách quốc gia chi phí cho nạn nhân hay thiệt hại khác do TNGT chiếm từ 2-4% GDP của nhiều nước. Theo WHO, nếu tình trạng nhức nhối này không sớm được ngăn chặn, nhất là tại các nước đang phát triển thì đến năm 2030, số ca tử vong vì TNGT sẽ vượt số người chết vì HIV/AIDS, sốt rét, lao phổi…Vào ngày chủ nhật thứ ba của tháng 11 hàng năm vì thế được chọn là ngày tưởng nhớ nạn nhân TNGT trên phạm vi toàn cầu cũng như đánh động nhận loại về tình trạng TNGT.
Giáo dục trẻ em về luật giao thông là rất cần thiết. |
Theo WHO, nguyên nhân dẫn đến tình trạng TNGT vẫn diễn ra hết sức nghiêm trọng tại nhiều nước là do sự yếu kém về cơ sở hạ tầng giao thông trong lúc lượng phương tiện tham gia giao thông ngày càng lớn. Nhưng trên hết vẫn là ý thức của người tham gia giao thông, không tuân thủ luật giao thông như phóng nhanh vượt ẩu, sử dụng chất khích thích như rượu bia, không thắt dây an toàn trên ô tô, không đội mũ bảo hiểm hay sử dụng mũ bảo hiểm kém chất lượng, không tuân thủ chỉ dẫn của các tín hiệu giao thông…
Vào những năm 1960, mỗi năm tại Nhật Bản có đến 17 nghìn người tử vong vì TNGT khiến chính phủ Nhật Bản phải đưa ra khái niệm “Chiến tranh giao thông” bởi con số này tương đương với chiến tranh của Nhật Bản ở nhiều thập kỷ trước. Song Nhật Bản hiện được đánh giá là nơi có hệ thống giao thông an toàn nhất trên thế giới và người dân rất có ý thức cao khi tham gia giao thông. Để đến với thành công đó, Nhật Bản mất hơn 50 năm để cải thiện tình trạng giao thông và một trong những giải pháp được họ rất chú trọng đó là giáo dục an toàn giao thông cho trẻ em nhằm xây dựng ý thức ngay từ nhỏ.
Tại Pháp, số người chết vì TNGT từ những năm 1990 với hơn 10 nghìn ca tử vong mỗi năm thì nay đã giảm mạnh. Đó là nhờ hiệu quả của chính sách kiểm soát hiệu quả cấm uống rượu khi lái xe và sự hỗ trợ của các thiết bị kỹ thuật như sự an toàn của xe cộ đã tốt hơn trước, hệ thống ra đa kiểm soát tốc độ tự động cố định hay di động được lắp đặt nhiều nơi…
Bên cạnh tuyên truyền và nâng cao ý thức người tham gia giao thông thì việc phát triển và ứng dụng công nghệ để ngăn chặn TNGT thu hút quan tâm của mọi người. Mới đây, hãng ô tô Ford của Mỹ đã thử nghiệm thành công ở tốc độ trên 60km/h với công nghệ giúp tránh xe va chạm. Hệ thống sử dụng 6 ra đa, cảm biến siêu âm và một máy ảnh để quét khu vực đường phía trước trong vòng 200m. Khi phát hiện một vật thể đứng im hoặc di chuyển chậm phía trước xe, hệ thống này sẽ cảnh báo cho lái xe và phát tín hiệu báo động. Trong trường hợp lái xe không phản ứng, sau 1,5 giây, hệ thống sẽ tự điều khiển chiếc xe bằng cách áp dụng phanh tự động hoặc quét hình ảnh chỗ trống ở hai bên vật thể và tự động xử lý để tránh gây ra va chạm. Còn hãng Toyota (Nhật Bản) hiện đang phát triển công nghệ an toàn cho phép xe tự động có thể phanh hay đổi hướng khi không có khả năng dừng lại trước va chạm.
Còn một nhóm nghiên cứu ở Trung tâm Công nghệ trực thuộc Đại học La Trobe (Úc) đang phát triển Hệ thống giao thông thông minh để thiết lập kết nối thông tin không dây giữa tàu hỏa và các phương tiện đang đến gần đoạn cắt ngang đường sắt nhằm phát hiện khả năng xảy ra va chạm và cảnh báo lái xe qua chuông báo lắp trên xe có khả năng tăng âm lượng và cường độ khi tàu đến càng gần đoạn giao nhau.
KIM OANH