Dựng chòi tránh lũ
Hằng năm, cứ mỗi khi mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ về là nhiều khu vực dân cư ở huyện
Ông Trần Văn Kim (thôn 3, xã Quế Ninh) ở chòi tránh lũ của mình. Ảnh: Đoan Anh |
Tám giờ sáng 17.11, khi nước lũ bắt đầu rút, bà Đặng Thị Huệ (69 tuổi, thôn Trung Phước 3, xã Quế Trung) cũng bắt xuồng máy đi chợ Trung Phước. Bà Huệ đi bán vài nải chuối, rồi mua những đồ dùng thiết yếu cho gia đình. Đợi xuồng máy đón về, gặp chúng tôi, bà Huệ cho biết, nước lũ vừa rút thì gia đình bà cũng vừa quét dọn xong bùn non. Sợ lũ lụt làm hư hại nên mấy ngày trước vợ chồng bà đã lo đốn mấy buồng chuối đem ủ để đợi đến ngày rằm đi bán. Theo những gì bà Huệ nói, chúng tôi thầm nghĩ, mưa lũ, ngập lụt diễn ra liên miên nên người dân nơi đây đã đúc kết kinh nghiệm để ứng phó với mưa lũ, hình thành nên nếp sống, hay gọi chính xác hơn là kỹ năng sống chung với lũ lụt. Ở những vùng thấp lụt, những hộ có điều kiện thì xây nhà kiên cố, có gác, còn những gia đình ở nhà cấp 4 thì dựng chòi tránh lũ ở nơi cao ráo. “Nhà tôi ở vùng thấp, hằng năm nước lụt thường xuyên “xông” đất nên việc dựng trại tránh lụt luôn được cả gia đình ý thức thực hiện. Chòi được dựng ở nơi cao ráo theo mô hình nhà sàn của người dân vùng cao. Bước vào mùa mưa những tài sản không thiết yếu, và các loại lương thực được đưa lên cất, bảo quản trên chòi tránh lũ. Vì chủ động ứng phó như vậy mà những đợt lũ lụt gần đây nhà tôi không bị thiệt hại gì” - bà Huệ nói.
Ngoài dựng chòi tránh lũ, hộ dân vùng thấp lụt trên địa bàn Nông Sơn còn trang bị cho gia đình mình chiếc ghe nan để dùng vào việc di dời khi có lũ. Chuẩn bị bữa cơm trưa trên chòi tránh lũ của mình, ông Trần Văn Kim (thôn 3, xã Quế Ninh) chia sẻ với chúng tôi rằng, qua nắm tình hình thời tiết, nếu có mưa lũ, người già, trẻ em, phụ nữ sẽ được di dời đến nơi cao ráo an toàn trước. Đàn ông khỏe mạnh ở lại dọn dẹp nhà cửa. Nước lũ lên đến mức báo động phải di dời thì họ cũng bơi thuyền nan vận chuyển các vật dụng nhẹ, cần thiết đến điểm di dân tập trung. Bởi, tài sản lương thực của gia đình đã được đưa đến cất giữ ở chòi tránh lũ từ trước đó. “Nhờ dựng chòi tránh lũ mà các thiệt hại nặng về tài sản đã không còn xảy ra. Người dân cũng yên tâm thực hiện nghiêm yêu cầu sơ tán tránh lũ lụt. Tinh thần tự giác, ý thức tránh nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng trong ứng phó với lũ lụt để bảo vệ tài sản, tính mạng cũng được nâng lên” - ông Kim nói.
Ông Nguyễn Đình Sử - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nông Sơn cho hay, toàn huyện có 8.000 hộ dân, ước có khoảng 10% số hộ dựng chòi tránh lũ. Tập trung phần nhiều ở các xã Quế Ninh, Quế Lâm, Quế Trung, Quế Phước, Phước Ninh. Nhờ có chòi tránh lũ mà người dân các xã ven sông Thu Bồn này luôn yên tâm hơn trong việc bảo quản tài sản của mình khi bước vào mùa mưa lũ. “Giống như người dân Nam Bộ, người dân địa phương cũng đã hình thành nên thói quen sống chung với lũ lụt. Qua đó, góp phần giảm thiểu các thiệt hại do thiên tai mưa bão gây ra trong cộng đồng” - ông Sử nói.
H.GIANG - V.ANH