Bất ngờ chạy lũ

Nhóm PV - CTV 18/11/2013 08:54

Lũ dâng rất nhanh

Tại huyện Đại Lộc, ngay trong sáng 15.11, nước lũ dâng cao cộng với thủy điện xả lũ đã khiến nhiều vùng bị ngập sâu. UBND huyện đã lên phương án di dời ngay trong đêm 1.200 hộ dân với 3.900 nhân khẩu tại các khu vực trũng thấp đến nơi an toàn. Nhiều nhà dân ở thị trấn Ái Nghĩa cũng mau chóng bị lũ ập vào, nhiều điểm bị ngập hơn 1 mét khiến giao thông tê liệt. Trong khi đó, các vùng thấp trũng như Đại Hưng, Đại Lãnh, Đại Đồng… ngay trong chiều nay người dân đã khẩn trương di dời đồ đạc, con vật nuôi đến nơi cao ráo.

Nước lũ tràn qua quốc lộ 1 suốt ngày 16.11 khiến người dân đi lại khó khăn.  Ảnh:  MINH HẢI
Nước lũ tràn qua quốc lộ 1 suốt ngày 16.11 khiến người dân đi lại khó khăn. Ảnh: MINH HẢI

Đến trưa 16.11, dù mưa lớn không còn  nhưng nước từ thượng nguồn đổ về phía hạ du với lưu lượng rất lớn nhấn chìn hàng chục nghìn ngôi nhà ở huyện Quế Sơn, Duy Xuyên, Nông Sơn, Điện Bàn và TP.Hội An trong biển nước. Cũng vào thời điểm này, nước lũ bắt đầu tràn qua quốc lộ 1 tại các điểm thấp như thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên), Miếu Đỏ, Cống Ba (xã Quế Xuân 1, Quế Sơn), Môn Hạ, khu vực xã Điện Phương, Điện Minh (Điện Bàn) với độ sâu 0,3 - 07 mét. Nước chảy khá mạnh. Công an tỉnh đã tổ chức lực lượng Cảnh sát giao thông chốt chặn ở các điểm này để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông trên quốc lộ. Trong sáng 16.11, hàng chục chuyến xe buýt từ Đà Nẵng đi Tam Kỳ và ngược lại đã phải quay trở lại nơi xuất phát.

Tại huyện Điện Bàn, đến khoảng lúc 9 giờ 30 phút 16.11 mực nước trên sông Vĩnh Điện vượt mức báo động 3 khoảng 0,2 mét. Đợt lũ này đã khiến 8.000 nhà dân và nhiều cơ quan, công sở, trường học bị ngập từ 0,4 đến 1,2 mét nước, trong đó, chủ yếu là các xã Điện Quang, Điện Phong, Điện Trung, Điện Thọ, Điện Phước, Điện Hồng, Điện Phương, Điện Minh. Tuyến ĐT609 từ Vĩnh Điện lên Đại Lộc và ĐT608 từ Vĩnh Điện xuống Hội An đã ngập 0,5 - 0,8 mét, giao thông tê liệt hoàn toàn. Ngoài ra, con đường huyết mạch từ khu vực thôn Tiệm Rượu (thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên) lên 3 xã thuộc vùng Gò Nổi của huyện Điện Bàn cũng đã bị lũ chia cắt từ nửa đêm hôm trước (15.11).

Cứu 16 công nhân bị mắc kẹt giữa dòng nước lũ

Ngày 16.11, tại xã Điện Quang, Ban Chỉ huy PCLB xã và lực lượng xung kích của thôn Kỳ Lam xã Điện Quang đã giải cứu 16 công nhân của Công ty Thăng Long đang xây dựng tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đoạn qua thôn Kỳ Lam, bị nước lũ dâng cao cô lập trong 1 lán trại ven sông.

Theo ông Trần Công Quảng - Chủ tịch UBND xã Điện Quang cho biết, trước đó vào lúc 11 giờ đêm 15.11, địa phương đã cảnh báo và đề nghị di dời đến nơi cao ráo thế nhưng các công nhân trên vẫn cố tình trụ lại, đến 1 giờ sáng 16.11, khi nước lũ dâng cao 16 công nhân này kêu cứu. Do nước chảy xiết, mưa to, gió lớn sau gần 4 tiếng đồng hồ tìm cách tiếp cận, Ban Chỉ huy PCLB xã, lực lượng xung kích của thôn Kỳ Lam và bà con làm nghề đánh cá ở đây mới tiếp cận và đưa các công nhân này về nhà văn hóa thôn Kỳ Lam. Phạm Lộc

Tại huyện Thăng Bình, sáng 16.11, nước lũ đã nhanh chóng làm ngập nhiều vùng ở phía tây và phía đông của huyện. Mực nước tại các hồ chứa trên địa bàn huyện như Đông Tiển (Bình Trị), Phước Hà (Bình Phú), Cao Ngạn (Bình Lãnh) sau một đêm mưa to đều vượt tràn trên 1,5m, xấp xỉ mức báo động 3. Nước các sông dâng nhanh cộng với việc nước tràn qua các hồ chứa đã khiến các xã Bình Trị, Bình Lãnh bị ngập cục bộ, nhiều thôn bị ngập sâu. Còn tại vùng đông, đến chiều cùng ngày, các xã như Bình Đào, Bình Dương, Bình Hải, Bình Nam, Bình Giang... đều bị ngập sâu. Để giải cứu cầu tạm Bình Đào bị bèo ngập đan dày, UBND huyện Thăng Bình đã điều động 50 dân quân, bộ đội Đồn Biên phòng 264 cùng 3 xe xúc khẩn trương dời bèo đi nơi khác, tránh sức nặng “tấn công” cầu.

Tại TP.Tam Kỳ, trong ngày 16.11, hồ Phú Ninh xả lũ khiến mực nước các sông Tam Kỳ, Bàn Thạch (Tam Kỳ) hợp lưu với sông Trường Giang dâng cao, gây ngập lụt cục bộ cho các xã Tam Thăng, Tam Phú, phường An Phú, Phước Hòa, Hòa Hương (TP.Tam Kỳ) và các xã Tam Tiến, Tam Xuân (Núi Thành). Hơn 300 hộ dân  thôn Tân Phú (xã Tam Phú) sống dọc ven sông bị ngập sâu nhà cửa hơn 1m. Nhiều nhà dân ở vùng trũng thấp đã di chuyển người già, trẻ em lên ghe thuyền ở tạm. Nước ngập đã dâng lên quốc lộ 1, đoạn qua phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ, buộc lực lượng cảnh sát giao thông phải chốt chặn, tham gia điều tiết giao thông.

Sạt lở nặng nề ở miền núi

Lượng mưa tại các huyện miền núi của tỉnh trong các ngày 14 đến 16 rất lớn, có nơi lên đến 400mm khiến tình trạng sạt lở hết sức nặng nề. Trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua Phước Sơn, hàng trăm điểm sạt lở lớn nhỏ xuất hiện sau một đêm mưa lớn, hàng ngàn khối đất đá đổ xuống mặt đường khiến giao thông đình trệ. Đêm 15.11, hơn 800 hành khách đã phải nhọc nhằn tìm nơi lưu trú ở Khâm Đức để chờ thông đường.

Sau nhiều ngày mưa lớn, tuyến đường Hồ Chí Minh qua huyện Phước Sơn xuất hiện hàng trăm điểm sạt lở.  Ảnh: MINH HẢI
Sau nhiều ngày mưa lớn, tuyến đường Hồ Chí Minh qua huyện Phước Sơn xuất hiện hàng trăm điểm sạt lở. Ảnh: MINH HẢI

Còn tại huyện Nam Giang, trong đêm 15.11, năm ngôi nhà dân ở thôn Pà Dồn (xã Cà Dy) bị vùi lấp do đất đá từ trên núi cao sạt lở. Chính quyền huyện Nam Giang đã khẩn trương cho lực lượng đến hiện trường để chốt chặn không cho người dân đến gần khu vực nguy hiểm.

Ngay trong sáng 17.11, khi nước lũ bắt đầu rút chính quyền các địa phương đã khẩn trương huy động lực lượng giúp nhân dân khắc phục hậu quả lũ lụt, trong đó nhanh chóng dọn bùn non theo mực nước đang rút. Trạm y tế các xã đã cử lực lượng khử trùng giếng nước để người dân có nước sạch. Tại TP.Hội An, chính quyền thành phố đã huy động 40 phương tiện, hàng trăm công nhân môi trường, lực lượng xung kích dọn lụt giúp dân, đồng thời đưa lực lượng Cảnh sát giao thông túc trực, đảm bảo an toàn cho hơn 1.000 du khách đang tham quan Hội An mùa lũ.

Trong khi đó, tuyến đường ĐT616 từ Tam Kỳ đi Nam Trà My bị chia cắt hàng chục điểm do lũ cao qua các ngầm và nhiều điểm sạt lở. Tại ngầm sông Trường (xã Trà Tân, Bắc Trà My) nước lũ đổ về khiến giao thông lên 7 xã vùng cao huyện Bắc Trà My và toàn bộ huyện Nam Trà My bị cô lập hoàn toàn. Nhiều phương tiện vận tải khách cũng như lương thực, thực phẩm không thể chuyển lên cung cấp nhu cầu tiêu dùng cho nhân dân các địa phương này. Vào khoảng 12 giờ ngày 15.11 tại km65 trên tuyến ĐT616 (gần thủy điện Tà Vi thuộc xã Trà Giác, Bắc Trà My) cũng đã xảy ra sạt lở đất đá với khối lượng hàng trăm mét khối, gây cô lập giao thông hoàn toàn. Ngoài ra trên dọc tỉnh lộ này từ huyện Bắc Trà My lên Nam Trà My cũng xuất hiện thêm 4 điểm sạt lở khác. Cũng trên tuyến ĐT616 từ Tiên Phước lên huyện Bắc Trà My xuất hiện hơn chục điểm sạt lở ở khu vực Đèo Liêu, phần taluy dương bị sạt lở nặng, đất đá sụt xuống gây lấp đường đi. Trên địa bàn một số xã của huyện Tiên Phước còn xuất hiện lũ ống khiến nhiều khu vực bị ngập cục bộ, đêm 15.11, huyện Tiên Phước đã phải sơ tán 3.000 dân đến nơi an toàn… Huyện Tiên Phước ước tính thiệt hại trong đợt lũ này đến 200 tỷ đồng.

Nhóm PV - CTV

  • Lãnh đạo tỉnh và Quân khu 5 kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả lũ lụt
  • Các địa phương khẩn trương khắc phục sau lũ
  • Lũ rút chậm, phố cổ đông nghẹt du khách
  • Hội An: 2 cây cầu nguy cơ bị lũ cuốn trôi
  • Duy Xuyên: Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ
  • Lũ rút rất chậm
  • Phước Sơn: Gần 20 nhà sạt lở xuống sông
  • Nam Giang: Khẩn trương giúp nhiều nhà dân bị sạt lở vùi lấp, hư hại ổn định chỗ ở
  • Cứu sống sản phụ trong lũ dữ
  • Nông Sơn: Khoảng 1.500 hộ dân di dời tránh lũ


Nhóm PV - CTV