Lũ đã tràn qua quốc lộ 1, đã có 3 người chết trong lũ

16/11/2013 15:35

Cho đến 13 giờ trưa nay 16.11, dù mưa không còn to và kéo dài như đêm 15.11 nhưng nước từ thượng nguồn vẫn đổ về phía hạ du với lưu lượng rất lớn nhấn chìn hàng chục nghìn ngôi nhà ở huyện Quế Sơn, Duy Xuyên, Nông Sơn, Điện Bàn, Đại Lộc và thành phố Hội An trong biển lũ.

Lũ tràn qua quốc lộ 1, đoạn Quế Sơn. Ảnh: VĂN SỰ
Lũ tràn qua quốc lộ 1, đoạn Quế Sơn. Ảnh: VĂN SỰ

Lúc 13 giờ 15 phút chiều nay 16.11, lũ đã tràn qua quốc lộ 1 tại địa phận Miếu Đỏ, Cống Ba (xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn), Môn Hạ, cầu Trị Yên cũ (thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên) và khu vực xã Điện Phương, Điện Minh (huyện Điện Bàn) với độ sâu 0,3-07 mét, chảy rất xiết.

Nhiều phương tiện đi lại khó khăn trong sáng 16.11. Ảnh: VĂN SỰ
Nhiều phương tiện đi lại khó khăn trong sáng 16.11. Ảnh: VĂN SỰ

Trước tình hình trên, lực lượng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh đã điều động hàng chục cán bộ, chiến sĩ chốt chặn tại các khu vực bị ngập lũ để điều tiết giao thông. (VĂN SỰ )

* Dân Duy Xuyên trở tay không kịp với lũ

Người dân dùng ghe nhỏ đưa học sinh về nhà. Ảnh: TẤN CHÂU
Người dân dùng ghe nhỏ đưa học sinh về nhà. Ảnh: TẤN CHÂU

Tại Duy Xuyên, từ khuya 15.11 nước lũ từ thượng nguồn đổ về rất nhanh, nước đã tràn vào nhiều nhà dân tại khu vực thấp như xã Duy Châu, Duy Trinh, Duy Thành, Duy Phước làm người dân không kịp trở tay. Mặc dù cố gắng di chuyển tài sản và vật nuôi lên cao nhưng nhiều hộ đã bất lực nhìn vật dụng gia đình, gia súc, gia cầm trôi theo dòng nước lũ, lúa và nhiều nông sản khác bị ướt. Đến trưa nay 16.11 nước lũ tiếp tục lên nhanh, 12/14 xã, thị trấn huyện Duy Xuyên chìm trong nước lũ, nhiều khu dân cự nước ngập sâu hơn 1,5 mét, tuyến đường ĐT610 đi Mỹ Sơn nước ngập sâu gần 1 mét, nhiều học sinh, sinh viên đi học về và người dân đi xã về bị mắc kẹt tại thị trấn Nam Phước được các khối phố dùng ghe nhỏ đưa về nhà, khách du lịch từ Hội An nỗ lực đi Mỹ Sơn bằng xe đạp đến Nam Phước cũng không thể quay lại Hội An. Nước lũ tiếp tực dâng cao, mưa lớn nguy cơ đang xảy ra lụt lớn, uy hiếp nhiều người dân ven sông. (TẤN CHÂU)

Khu vực trung tâm thị trấn Nam Phước ngập sâu ngay trong sáng 16.11. Ảnh: TẤN CHÂU
Khu vực trung tâm thị trấn Nam Phước ngập sâu ngay trong sáng 16.11. Ảnh: TẤN CHÂU

* Thăng Bình: Khẩn trương sơ tán người dân khỏi vùng ngập lụt

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, mưa to và kéo dài đã khiến nước lũ dâng nhanh, gây ngập ở cả vùng đông vùng tây huyện Thăng Bình từ sáng nay. Đặc biệt, mực nước tại các hồ chứa trên địa bàn huyện như Đông Tiễn (Bình Trị), Phước Hà (Bình Phú), Cao Ngạn (Bình Lãnh) đều vượt tràn trên 1,5m, xấp xỉ mức báo động 3. Nước các sông dâng nhanh cộng với việc nước tràn qua các hồ chứa đã khiến các xã Bình Trị, Bình Lãnh bị ngập cục bộ, nhiều thôn bị ngập sâu. Ông Phạm Phú Hải, Giám đốc Chi nhánh thủy lợi huyện Thăng Bình cho biết: “Từ tối qua cho đến sáng nay, mực nước tại các hồ chứa mỗi lúc một lên nhanh. Hiện tại, chúng tôi tiếp tục theo dõi mực nước tại các hồ chứa và phối hợp với các xã trên địa bàn để có cách phòng chống lũ lụt hữu hiệu. Các phương án di dời người dân tại các vùng trũng thấp đến nơi cao ráo, an toàn đang được các địa phương quan tâm, triển khai”.

Cầu tạm Bình Đào bị bèo gây tắc nghẽn. Ảnh: Q.VIỆT
Cầu tạm Bình Đào bị bèo gây tắc nghẽn. Ảnh: Q.VIỆT

Tại các xã vùng đông, đến đầu giờ chiều nay, nhiều xã đã bị ngập sâu như Bình Đào, Bình Dương, Bình Hải, Bình Nam, Bình Giang... Tại xã Bình Dương, khu vực từ thôn 4 đến thôn Cây Mộc, đến đầu giờ chiều, nước đã ngập sâu quá đầu gối người qua đường. Các phương án di dời tại chỗ người dân đã được địa phương triển khai. Các nhà cao, kiên cố là điểm tập kết của nhiều gia đình tránh lũ lụt.  

Ông Cao Thành Phiện, Chủ tịch UBND xã Bình Dương cho biết: “Đến 5 giờ chiều nay, dự kiến sơ tán tại chỗ người dân sẽ được xã triển khai xong. Hiện tại, chúng tôi tiếp tục huy động ghe, thuyền, thúng, xuồng hỗ trợ người dân đưa người và tài sản đến nơi trú ẩn an toàn”. Tại xã Bình Đào, nhiều ngôi nhà đã bị ngập đến nửa mét. Cầu tạm Bình Đào bị nước dâng nhanh kèm theo bèo ngập đan dày khiến cho người đi sơ tán gặp nhiều khó khăn. Đến 13h30 chiều nay, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện tiếp cận khu vực bị lũ uy hiếp này. Ông Phan Công Vỹ - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình đã điều động 50 dân quân và bộ đội đồn biên phòng 264 cùng 3 xe xúc khẩn trương dời bèo đi chỗ khác, tránh sức nặng “tấn công” cầu. Đến 14h chiều nay, số người qua cầu được hạn chế đến mức tối đa, bèo được dời khẩn trương cũng đã hạn chế được sức nặng ép lên cây cầu. “Cây cầu tạm Bình Đào bị sập sẽ kéo theo việc vận chuyển, qua lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi đang triển khai phương án di dời người dân đến các nhà tránh trú bão Bình Đào, Bình Minh, Bình Dương… hạn chế tác động xấu của lũ lụt đến người dân các xã vùng đông”, ông Phan Công Vỹ nói.

22
Đường về vùng đông huyện Thăng Bình bị ách tắc do lũ dâng cao. Ảnh: Q.VIỆT

Đến 15 giờ chiều nay, huyện Thăng Bình đã di dời, sơ tán được 189 hộ gia đình với 641 nhân khẩu ra khỏi vùng bị ngập nặng. Ông Hồng Quốc Cường - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thăng Bình cho biết: “Hiện tại, chúng tôi đang huy động tối đa lực lượng công an, dân quân, đội xung kích phòng chống lụt bão về các vùng trũng thấp hỗ trợ nhân dân di chuyển đến nơi an toàn. Dự kiến, đến 17 giờ chiều nay, việc di dời người dân sẽ được thực hiện xong. Công an huyện, Phòng Kinh tế - hạ tầng là lực lượng đảm bảo an toàn, đường bộ, đường sông cho người dân qua lại từ nay cho đến khi hết lũ lụt. Phòng lao động - thương binh - xã hội đã có phương án phối hợp với các địa phương vận chuyển lương thực, thực phẩm… giúp các gia đình đi sơ tán ổn định sinh hoạt”.   

* Phú Ninh: Di dời nhiều gia đình ra khỏi khu vực bị nước lũ cô lập

Phó Chủ tịch HĐND xã Tam Lộc Võ Ngọc Hồng cho biết, trước diễn bước phức tạp của mưa lũ và nước từ thượng ngồn đổ về suối Phú Thị trong ngày 15.11, rạng sáng 16.11, UBND xã cùng Ban dân chính thôn Tam An, lực lượng thanh niên xung kích xã đã di dời khẩn cấp 4 hộ dân (17 nhân khẩu) ở tại tổ 2 và 9 thôn Tam An, xã Tam Lộc lên ra khỏi khu vực ngập lụt an toàn. Cũng theo ông Hồng, tại gần khu vực suối Phú Thị nước rất lớn lại chảy xiết, bốn gia đình sống ở gần khu vực trên  rất nguy hiểm đến tính mạng, tài sản nên xã chỉ đạo các đoàn thể giúp người dân di dời. Bên cạnh đó, các đoàn thể còn giúp các hộ trên vận chuyển 10 con bò, 2 con trâu và 30 con heo từ 20 đến 70kg lên khu vực không bị ngập lụt để chờ nước rút.(XUÂN NGHĨA)

* Vùng cao Trà My hoàn toàn bị cô lập do sạt lở

Từ tối 15 và trong ngày 16.11, vùng Trà My vẫn duy trì lượng mưa liên tục, tiếp tục gây lũ lớn, sạt lở đất nghiêm trọng, khiến hai huyện Nam và Bắc Trà My bị chia cắt, cô lập hoàn toàn với tỉnh lị Tam Kỳ.

22
Những ngưởi lở chuyến đi, phải thuê người khiêng xe qua điểm sạt lở rất nguy hiểm. Ảnh: VĂN BÌNH

 Trên tuyến ĐT616 từ tỉnh lị Tam Kỳ đi lên hai huyện Bắc và Nam Trà My, tại địa phận thôn Dương Thạnh xã Trà Dương huyện Bắc Trà My có đến hai điểm sạt lở lớn, liền kề nhau, giao thông qua lại đây hoàn toàn bị tắc nghẽn. Tình trạng sạt lở tại đây xảy ra vào khoảng 22 giờ tối ngày 15.11, một khối đất đá khổng lồ trên sườn núi bị nước mưa làm rệu rã, đổ xuống vùi lấp hoàn toàn một đoạn đường dài trên cả trăm mét. Nhiều người đi xe gắn máy vì lở chuyến buộc phải thuê người khiêng xe, còn các phương tiện xe bốn bánh thì tiến thoái lưỡng nan. Hiện hai điểm sạt lở này vẫn đang tiếp tục sạt đất với khối lượng rất lớn. “Trong khi chờ cơ quan chủ quản tiến hành khắc phục, thông tuyến, từ sáng sớm nay, dân quân và công an xã Trà Dương đã cử hai cán bộ túc trực tại hai điểm sạt lở này, giữ không cho người, phương tiện qua lại và hướng dẫn người dân đi đường tránh để bảo vệ an toàn. Sạt lở tại đây rất nguy hiểm, sẽ còn sạt lở nhiều hơn nữa và có thể xảy ra bất cứ lúc nào nên nếu không chốt chặn thì nhiều người vô ý và liều lĩnh băng qua sẽ dễ bị vùi lấp, thiệt mạng”, anh Lê Chí Tâm - thôn đội trưởng, thôn Dương Thạnh xã Trà Dương huyện Bắc Trà My, đang thực thi chốt chặn cho hay.

Tính đến trưa nay, lượng mưa ở vùng Trà My có giảm, song lưu lượng nước lũ đổ về thủy điện Sông Tranh 2 xấp xỉ 1.800m3/s, mực nước hồ chứa ở trên ngưỡng xả tràn hơn 3,3m, nước lũ đang tự chảy qua các cửa xả về phía hạ du trên 2.300m3/s. Từ việc xả lũ này đã làm ngời nước tại giao thủy Sông Tranh và Sông Trường, khiến nước dâng ngược lên phía cầu ngầm Sông Trường trên tuyến đường ĐT616 thuộc xã Trà Sơn huyện Bắc Trà My. Bởi vậy, ngầm này vẫn bị nước nhấn chìm gần 1m và nút giao thông huyết mạch qua đây đang còn bị tắc. Theo báo cáo bằng điện thoại từ các địa phương, tình hình sạt lở núi gây vùi lấp, ách tắc giao thông ở vùng Trà My đang rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, do địa bàn bị chia cắt nên địa phương này vẫn chưa thể tiếp cận và thống kê hết được. (NGUYỄN VĂN BÌNH)

* Phú Ninh xả lũ, nhiều ngôi nhà ven sông  ngập nước

Chiều tối qua, hồ thủy lợi Phú Ninh đã xả lũ, khiến mực nước các con sông Tam Kỳ, Bàn Thạch (Tam Kỳ) hợp lưu với sông Trường Giang dâng cao, gây ngập lụt cục bộ cho các xã Tam Thăng, Tam Phú, phường An Phú, Phước Hòa, Hòa Hương (TP.Tam Kỳ) và các xã Tam Tiến, Tam Xuân (Núi Thành). Hơn 300 hộ dân  thôn Tân Phú (xã Tam Phú) sống dọc ven sông bị ngập sâu nhà cửa hơn 1m. Nhiều nhà dân ngập thấp đã di chuyển người già, trẻ em lên ghe thuyền ở tạm.

22
Những ngôi nhà sống dọc ven sông Bàn Thạch, thuộc khối phố 6, phường Phước Hòa (TP.Tam Kỳ) chìm trong biển nước. Ảnh: H.PHÚC

Chính quyền phường Phước Hòa sáng 16.11 cho biết hơn 50 hộ dân  khối phố 6 phường Phước Hòa đã sơ tán trong đêm, đưa toàn bộ vật dụng, lương thực, thực phẩm ở trong những ngôi nhà thấp đến chỗ tránh lụt cao ráo an toàn. Đến trưa 12 giờ, con đường bê tông dẫn vào khu dân cư này vẫn bị chìm sâu trong biển nước, có khu vực ngập hơn 1m. Phương tiện đi lại chủ yếu của người dân nơi đây là xuồng, ghe.

55
Nước lũ chia cắt, người dân phường Tân Thạnh gặp khó khăn trong việc đi lại.

Nước ngập đã dâng lên cả quốc lộ 1, đoạn qua phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ, buộc lực lượng cảnh sát giao thông phải chốt chặn, tham gia điều tiết giao thông hợp lý. Con đường từ ngã ba Kỳ Lý về xã Tam Thăng hầu như không lưu thông được, do nước chia cắt. Rút kinh nghiệm từ tang thương của chuyến đò định mệnh năm xưa làm 5 người chết tại cầu Mỹ Cang – xã Tam Thăng, bây giờ nhờ tuyên truyền, vận động của chính quyền, hầu như không xảy ra tình trạng người dân liều lĩnh dùng đò qua lại dưới cầu.(HỮU PHÚC)

33
Nước tràn lên quốc lộ, đoạn phường Tân Thạnh (TP.Tam Kỳ) buộc lực lượng cảnh sát giao thông phải có mặt để điều tiết lưu thông.

* Nam Trà My: 1 người chết, 6 xã bị cô lập hoàn toàn

Mưa lũ những ngày qua tại huyện Nam Trà My đã khiến 1 người chết và toàn bộ các tuyến đường liên xã bị sạt lở đất đá gây cô lập hoàn toàn.

Nạn nhân là anh Nguyễn Thành Dũng 29 tuổi trú tại làng Tu Nứt thuộc thôn 5 xã Trà Cang. Vào khoảng 15 giờ ngày 15 trên đường đi làm rẫy về, anh Dũng đã lội qua sông Trang và bị nước lũ cuốn trôi. Đến sáng ngày 16, người thân cùng lực lượng xã Trà Cang đã tìm thấy thi thể anh Dũng và đưa về nhà an táng.

11
Nhà dân tại xã Trà Mai bị sạt đất. Ảnh: H.THỌ

Theo thông tin cập nhật từ Ban phòng chống lụt bão huyện Nam Trà My cho biết, mưa lũ trong 2 ngày qua đã gây ra hơn 100 điểm sạt lở trên các trục đường giao thông. Trong đó có hơn 20 điểm sạt lở với khối lượng lớn. Thống kê sơ bộ cho biết đã có khoảng 30 nghìn mét khối đất, đá sạt lở xuống các trục đường giao thông và gây ách tắc hoàn toàn. Trong đó các tuyến đường từ trung tâm huyện về xã Trà Vân, Trà Vinh, Trà Leng, Trà Cang, Trà Nam, Trà Linh bị sạt lở rất nhiều điểm. Ngay cả tuyến tỉnh lộ huyết mạch ĐT616 cũng xảy ra gần 10 điểm sạt lở gây cô lập giao thông hơn 24 tiếng đồng hồ. Ngoài ra mưa lũ cũng gây hư hỏng 4 nhà dân tại xã Trà Mai và gây thiệt hại nhiều hoa màu, cây cối của nhân dân. Nhiều công trình thủy lợi nhỏ và các chân ruộng bậc thang của nhân dân cũng bị mưa lũ gây thiệt hại nặng nề.

33
Điểm sạt lở tại Km 94 trên tỉnh lộ ĐT616. Ảnh: H.THỌ

Trước tình hình này, chính quyền huyện đã liên hệ với các đơn vị thi công tập trung giải phóng đất đá sạt lở trên tuyến ĐT616. Đến trưa ngày 16.11, giao thông trên trục đường này đã được thông tuyến. Phó Chủ tịch UBND huyện kiêm trưởng ban PCLB huyện Nam Trà My Lê Thanh Hưng cho biết, trước mắt huyện ưu tiên cho công tác giải phóng ách tắc trên các trục đường chính. “Nhờ liên hệ với các đơn vị thi công kịp thời nên hiện tại đã có phương tiện và công nhân được điều động để giải phóng ách tắc. Chúng tôi tập trung trên tuyến ĐT616 để thông tuyến nhằm đảm bảo cho phương tiện vận chuyển lương thực, thực phẩm lên phục vụ đời sống nhân dân”. Cũng theo Ban PCLB huyện Nam Trà My cho hay, hiện tại tình hình thiệt hại ở các xã vùng cao vẫn chưa tổng hợp được do tắc đường, mất thông tin liên lạc. Trong khi đó hiện tại mưa lớn vẫn còn đang diễn ra và mực nước trên các sông suối còn dâng cao và chảy rất mạnh. Các trục đường giao thông tiếp tục xảy ra sạt lở đất đá, cây cối nên gây khó khăn cho công tác khắc phục. (HOÀNG THỌ)

* Tiên Phước: 20 điểm sạt lở nặng

Trên tuyến ĐT616 từ Tiên Phước lên huyện Bắc Trà My, có hơn chục điểm sạt lở ở khu vực Đèo Liêu, phần taluy dương bị sạt lở nặng, đất đá sụt xuống gây lấp đường đi, nước chảy tràn khiến những đoạn taluy âm sụt lún, ăn sâu vào mép đường mới được bê tông hóa. Những ngầm nước chảy qua tuyến ĐT616 có cầu chìm ở xã Tiên Cảnh, Tiên Hiệp đều bị nước chảy tràn qua cầu và chảy xiết, rất nguy hiểm cho người và phương tiện khi lưu thông. Các xã đã huy động lực lượng xung kích, cứu hộ cứu nạn chốt tại các điểm có cầu chìm, giúp người và phương tiện qua cầu chìm an toàn, phòng trường hợp nước tràn qua chảy mạnh thì cấm không cho phương tiện lưu thông.

2
Trên Đèo Liêu, phần taluy âm bị sạt lở nặng ăn vào mép đường. Ảnh: D.LỆ

Từ tuyến ĐT616 chạy vào các xã Tiên Hiệp, Tiên Ngọc, Tiên Lãnh, nhiều đoạn sạt lở khiến đất đá chảy tràn xuống mặt đường. Đoạn sạt lở nặng nhất là đoạn dốc Đất Đỏ, chỉ có thể đi bộ qua chứ xe máy không thể đi qua được. Lực lượng thanh niên tại thôn 6, xã Tiên Ngọc đã chủ động huy động lực lượng, túc trực tại điểm sạt lở từ sáng sớm, giúp khiêng xe máy của người đi đường qua điểm sạt lở. Anh Hà Nhật Tân, một thanh niên ra giúp dân, cho biết: “Điểm dốc Đất Đỏ này sạt lở từ hồi tối 15.11, lúc trời đang mưa to. Từ sáng sớm, anh em đi xem núi sạt lở thế nào, rồi thấy người dân đi qua lại không được, nên ở luôn đây giúp dân khiêng xe máy qua”. Đến trưa ngày 16.11, huyện Tiên Phước đã huy động xe múc ra múc đất đá bị sạt xuống, giúp người dân có thể đi lại được bằng xe máy trên tuyến này.

4
Thanh niên giúp dân khiêng xe máy qua đoạn sạt lở. Ảnh: D.LỆ

Theo Ban chỉ huy PCLB huyện Tiên Phước, trên toàn huyện có hơn 20 điểm sạt lở nặng, ở khu vực núi Đầu Voi (xã Tiên An), tuyến đường từ Tiên Sơn đi Bình Tú (Thăng Bình), tuyến Tiên Châu- Tiên Hà, và các tuyến đường đi Tiên Hiệp, Tiên Ngọc, Tiên Lãnh. Ngay trong ngày hôm nay, huyện sẽ huy động toàn bộ phương tiện và lực lượng khắc phục các điểm sạt lở, giúp lưu thông các tuyến đường sớm nhất.

Ông Võ Hồng Nhiệm, Chủ tịch UBND xã Tiên Lãnh, cho biết: “Trong đêm 15.11, xã Tiên Lãnh có 122 hộ dân với hơn 300 nhân khẩu ở vùng trũng thấp đã được di dời khẩn cấp khi nước dâng quá nhanh trong đêm. Có 1 hộ với 4 nhân khẩu chưa di dời kịp đã bị nước lũ dâng lên gây ngập nhà. Lực lượng xung kích của xã đã có mặt kịp thời, ứng cứu 4 trường hợp này. Những hộ dân này toàn bộ tài sản trong gia đình không vận chuyển kịp đã trôi theo nước lũ. UBND xã cũng đã mua ngay 50 thùng mì tôm, phát cho người dân có cái ăn trong khi tránh lũ. Sáng nay UBND huyện đã kịp thời tiếp ứng thêm mì tôm cho xã giúp dân”.

12
Địa phương cung cấp mì tôm giúp dân tránh lũ. Ảnh: D.LỆ

Còn ông Võ Tấn Lạt, Phó Bí thư Thường trực xã Tiên Ngọc, cho biết: “Xã Tiên Ngọc có thôn 1 bị cô lập hoàn toàn bị núi sạt xuống chia cắt con đường, nước lũ qua suối lại dâng nhanh. Bây giờ muốn vào trong đó ứng cứu 54 hộ dân của thôn 1 chỉ còn cách đi băng qua núi. Ngay trong ngày hôm nay, chúng tôi sẽ cố gắng huy động lực lượng khắc phục đoạn bị núi lở để mang nhu yếu phẩm cần thiết vào cho người dân”.

Trong đêm 15.11, nước lũ ống đổ về khiến nước trên các con sông, suối ở Tiên Phước dâng nhanh và mạnh. Toàn bộ nhà ở của 26 hộ dân ở chung quanh khu vực cầu Sơn Lu (thôn 3, xã Tiên Hiệp) bị ngập hết hai phần căn nhà, người dân chạy lên gác tránh lũ. Sáng nay, khi nước đã rút, ông Võ Tấn Vẽ bàng hoàng kể lại: “Từ nhỏ đến giờ tôi chưa bao giờ thấy nước dâng nhanh và cao hơn, tôi vừa qua nhà hàng xóm thì nước ở nhà dâng lên, chạy về không kịp, vợ con chỉ còn cách lên gác tránh lũ. Sáng nay, toàn bộ tài sản trong nhà như lúa gạo, ti vi, heo, gà, vịt, tủ... đã trôi hết rồi. Bà con chạy tới giúp tôi vớt được chiếc xe máy và xe đạp, còn lại mất hết”. Toàn xã Tiên Hiệp có 39 hộ dân vùng trũng thấp nằm trong diện di dời, nhưng chưa di dời kịp thì nước lũ đã tràn xuống và dâng cao.

Theo thống kê ban đầu của huyện Tiên Phước, toàn huyện đã di dời khoảng 600 hộ dân với hơn 3.000 nhân khẩu ngay trong đêm 15.11 đi tránh lũ. Tại TT.Tiên Kỳ, nước dâng nhanh trong đêm khiến hàng chục hộ dân và học sinh ở trọ trong khu vực trũng thấp đã chạy đến trụ sở UBND huyện, Công an huyện và Ban chỉ huy Quân sự huyện để tránh lũ qua đêm. Ông Lê Trí Hiệu, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban chỉ huy PCLB huyện Tiên Phước, cho biết: “Các xã đã chủ động di dời dân đến tránh lũ ở nơi an toàn nên tránh được thiệt hại về nhân mạng, nhưng tài sản của người dân thì bị lũ cuốn hoàn toàn. Một số trường học trên địa bàn huyện đã bị hư hỏng toàn bộ thiết bị dạy học do nước ngập vào phòng để thiết bị. Ngay trong chiều hôm nay đến ngày mai, khi nước lũ rút, chúng tôi sẽ cố gắng tiếp cận với người dân ở những vùng bị cô lập và người dân bị thiệt hại do lũ để cứu trợ khẩn cấp, không để người dân thiếu đói vì lúa gạo đã bị cuốn trôi”. (DIỄM LỆ)

Tây Giang: nước lũ cuốn trôi một chiếc xe máy và 600 triệu đồng

Chiều 15.11, anh Riáh Ngô, cán bộ thương binh - xã hội xã Gari, huyện miền núi Tây Giang trên đường đi nhận tiền từ huyện về đã bị nước lũ cuốn trôi một chiếc xe máy và 600 triệu đồng tại suối Kanoonh 1 (xã Axan) người dân đã với được chiếc xe máy và 1 triệu dồng, số tiền còn lại chưa tìm thấy được. Rất may anh Ngô không hề hấn gì.

Hiện, vụ việc đang được cơ quan công an xã Axan điều tra nguyên nhân…và trong sáng nay (16.11) huyện Tây Giang đã nỗ lực tạm khắc phục xong các điểm sạt lở tại tuyến đường Hồ Chí Minh và tuyến Azứt đi xã Lăng. Tuyến lăng lên vùng cao đang tiếp tục khắc phục. Lãnh đạo huyện tiếp tục chỉ đạo xuống các xã bị sạt lở tiếp tục chỉ đạo nhân dân dân di dời nhà cửa đến nơi an toàn. (ĐÌNH HIỆP).