"Pho sử sống" của làng
Đã ở tuổi 85 nhưng ông Đỗ Hoàng (thôn Bãi Quả, Đại Sơn, Đại Lộc) vẫn còn minh mẫn để nhớ và kể chúng tôi nghe về những ngày tháng oanh liệt trong chiến tranh, cả những truyền thuyết, huyền thoại của vùng đất quê hương… Ông được xem như “pho sử sống” của làng.
Chứng nhân của vùng đất
Chúng tôi tìm về Đại Sơn, quê hương của trái nam trân, nơi có bến Hội Khách vang tiếng một thời. Trong ngôi nhà cấp 4, cụ Đỗ Hoàng tiếp chúng tôi với nụ cười hiền lành, gương mặt hằn nếp thời gian. Cuộc đời ông gắn với Bãi Quả - Đại Sơn hết hai phần thế kỷ, ngoài những câu chuyện do ông cha kể lại, bản thân ông đã tận mắt chứng kiến bao thăng trầm của vùng đất quê hương. Cụ Hoàng kể, bến Hội Khách xưa là tâm điểm của những chuyến mua bán, trao đổi giữa hai miền xuôi - ngược. Về địa lý, Hội Khách nằm giáp ranh giữa Đại Sơn và Nam Giang. Từ Hội Khách qua Đồng Chàm, Đầu Gò rồi mới lên Nam Giang. Do nằm bên sông Vu Gia, vị trí thuận lợi, Hội Khách trở thành điểm gặp gỡ khách buôn, thương nhân từ dưới biển lên, trên nguồn xuống tụ tập trao đổi hàng hóa, sản phẩm. Danh xưng Hội Khách, tức nơi hội tụ khách buôn cũng từ đó. Cụ Hoàng còn cho hay, xưa kia, cha ông cũng là một thương nhân xuôi ngược trên những chuyến thuyền chở hàng từ miền xuôi đến bến Hội Khách để bán rồi mua hàng hóa, nông sản của người bản địa chở về xuôi. Húp một ngụm chè xanh, giọng cụ Hoàng chậm rãi: “Bến Hội Khách có từ thời Pháp do người dân tạo ra trong quá trình giao lưu buôn bán. Trước kia, giao thông đường bộ chưa đóng vai trò huyết mạch nối liền giữa các miền ngược - xuôi, lại thêm sự kiểm soát gắt gao của thực dân Pháp, giao thông đường bộ bị chia cắt, cô lập, đường thủy trở thành tuyến giao thông thiết yếu”.
Cụ Đỗ Hoàng - “pho sử sống” về nguồn gốc, lịch sử vùng đất Đại Sơn. |
Theo lời cụ Hoàng, Hội Khách bấy giờ hàng ngày trong cảnh “trên bến dưới thuyền” tấp nập. Hàng hóa miền xuôi đem lên đủ thức mắm, muối, cá, chiếu, gạo…, hàng miền ngược chuyển xuống là gỗ, than, củi, mật ong, mây, cây trái… Trên bờ, người dân trong vùng dựng hàng quán bán thức ăn, nước uống cho khách thương hồ. Trong đó, cụ Hoàng cho biết, nổi tiếng nhất phải kể đến mỳ Quảng Khe Hoa, ai tới vùng này cũng đều tìm đến thưởng thức. Vừa nghe ông kể chuyện, vừa nhìn ra bến sông một thời là nơi hội tụ thuyền buôn xuôi ngược, chỉ thấy một màu xanh yên ắng, êm đềm của dòng Vu Gia. Bến xưa hưng thịnh giờ chỉ còn neo trong ký ức, xa xa chỉ có vài chiếc thuyền của dân chài, có chiếc đã đưa khách sang sông…
Đoàn thuyền thầm lặng
Ánh mắt cụ Đỗ Hoàng linh hoạt hẳn lên khi chúng tôi hỏi về những truyền thuyết, huyền thoại của vùng đất Đại Sơn. Theo cụ, danh xưng Bãi Quả gắn liền với truyền thuyết chúa Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn đánh đuổi chạy tới vùng này. Những danh xưng như núi Kiền Ngựa, Hóc Tướng, Hòn Chùa, đường mòn Gia Long… cũng bắt nguồn từ đây. Trong lúc chạy cùng đường, chúa Nguyễn được hai con rùa đưa sang sông, đám tùy tùng bước lên bầy trạnh để qua. Số khác chặt lồ ô, cây chuối kết bè đi theo. Về sau, người ta gọi vùng đất này là Bãi Quả, tức bãi nhân quả, bãi của chúa, được thần linh phù hộ. Còn sự tích trái nam trân (viên ngọc quý phương Nam) hay còn gọi là trái trung quân, trái lòn bon lâu nay vẫn được lưu truyền trong dân gian, rằng, lúc vua Gia Long chạy ngược dòng Vu Gia đến cánh rừng Đại Sơn, lòn bon đang mùa trĩu trái. Trong cơn đói lả, đoàn quân hái trái lạ nếm thử thấy ăn được, và suốt thời gian ở rừng, nhờ loại trái cây này mà đoàn quân cầm cự qua ngày. Sau này, nhớ ơn loại trái đã cứu sống mình, Gia Long ban tên gọi trái nam trân và cắt cử người trông coi khu rừng... |
Năm 1946, thực dân Pháp siết chặt kiểm soát, bắt bớ, gây cảnh đau thương, tan tác, nhiều gia đình ở xuôi di tản lên vùng này sinh sống. Cũng trên tuyến sông này, cụ Hoàng còn nhớ như in tháng ngày ông và đồng đội vất vả, đối phó với bao hiểm nguy khi tham gia Phân đoàn Vận tải Đại Sơn (thuộc Công đoàn Vận tải Đại Lộc - ra đời năm 1948). Nhiệm vụ chính của cụ Hoàng cùng đồng đội lúc bấy giờ là chuyển hàng hóa tiếp tế cho bộ đội thuộc hành lang phía đông khu Hạ Lào. Tuyến vận chuyển từ Bình Yên (Nông Sơn) đến Bến Giằng. Đoàn thuyền tải thuộc phân đoàn gồm 30 thuyền và 60 tay lái, do cụ Hoàng chỉ huy, được chia thành 2 đội. Mỗi thuyền chở 800 - 1.200kg hàng từ Tân An, Phú Gia (Hiệp Đức) hoặc Bình Yên rồi xuôi sông Thu Bồn đi Giao Thủy (Đại Lộc), rồi ngược dòng Vu Gia lên Thạnh Mỹ. Để qua mắt địch, hàng hóa luôn được ngụy trang kỹ. Cụ Hoàng tâm sự: “Tham gia vận tải, sự sống và cái chết chỉ cách lằn ranh mong manh, nhưng ai nấy cũng sẵn sàng tâm thế, dù hiểm nguy đến mấy cũng không được nao núng, phải bảo vệ trọn vẹn chuyến hàng”. Khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, đoàn thuyền tự giải tán. Sau đó chính quyền Ngô Đình Diệm tiến hành bắt bớ và cầm tù những người từng vận tải hàng hóa cho bộ đội, trong đó có cụ Hoàng. Sau một năm bị cầm tù, cụ được thả về và sống trên mảnh đất Đại Sơn cho đến ngày hôm nay.
Chiến tranh lùi xa, những đồng đội của cụ Hoàng ở Phân đoàn Vận tải Đại Sơn năm xưa số hy sinh, số có lẽ đã mất hoặc không biết cách gì để liên lạc. Không còn gì chứng minh sự cống hiến cho cách mạng nên cụ Hoàng chưa được hưởng chính sách gì của Nhà nước. Từ bấy đến nay, cụ sống trong cảnh khó khăn, tuổi cao, sức yếu. Tuy vậy, cụ vẫn giữ tâm thế lạc quan: “Việc góp công sức cho quê hương là nhiệm vụ mà tôi và bao người dân thời ấy phải làm. Tôi luôn giữ kỷ niệm đẹp về cái thời đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ. Cứ để cho con thuyền ngày ấy là con thuyền thầm lặng”.
TRIÊU NHAN - NHẬT DUY