Bi kịch chưa có hồi kết
Những tưởng thời gian sẽ là phương thuốc nhiệm màu chữa lành vết thương, nhưng sau 5 năm, vụ án về kẻ giết người hàng loạt vẫn để lại bi kịch cho những người ở lại.
|
Cách đây 5 năm, làng quê Tiên Hiệp (Tiên Phước) rúng động bởi vụ án mạng do Lê Văn Lâm (sinh năm 1983, xã Tiên Hiệp, huyện Tiên Phước) ra tay sát hại nhiều người, trong đó có cha và em trai. Tòa án sau đó tuyên tử hình đối với Lê Văn Lâm. Năm năm sau trở lại vùng quê này, nỗi đau vẫn cứ hằn lên trong từng lời kể.
Cảnh trái ngang
Sau ngày Lâm gây án, chị Nguyễn Thị Bích Hồng - vợ Lâm bụng mang dạ chửa ôm con gái đầu vừa thôi nôi vượt núi về nhà mẹ đẻ nương nhờ. “Cho dù nó là người có tội, nhưng vợ con nó cũng là con, cháu mình. Oán hận làm gì cho tội người ở lại...” - bà Nguyễn Thị Sửu đau đớn. Ở tuổi lục tuần, bà Sửu vẫn phải mò mẫm trong núi để kiếm cơm, bòn chút rau cháo nuôi 2 đứa cháu nay đã mồ côi cả cha lẫn mẹ (chị Hồng - mẹ 2 cháu, bị tai nạn giao thông, qua đời).
Cháu Hồng Nga xem bà ngoại đoạn củi và thắp hương trước bàn thờ mẹ - chị Bích Hồng. |
“Tôi nhớ như in cái ngày định mệnh ấy, rằm tháng 7 âm lịch năm 2010, con Hồng nói dối tôi đi Tam Kỳ để nộp hồ sơ xin việc nhưng kỳ thực là đi thăm mộ chồng. Tôi mà biết là tôi không cho đi” - bà Sửu khóc, kể chuyện. Người quen chạy về báo Hồng bị tai nạn trầy xước nhẹ. Bà Sửu chưa kịp tìm chiếc nón lá quay ra ngõ đón xe đã thấy người ta mang thi thể Hồng về nhà. Theo lời cảnh sát điều tra, xe chị Hồng vừa rời khỏi mộ chồng chưa đầy 1km thì tai nạn đã xảy ra, vĩnh viễn cướp đi mạng sống của người phụ nữ trẻ. Nhìn 2 đứa cháu gái Lê Thị Ánh Nguyên (học lớp 2) và Nguyễn Thị Hồng Nga (chị Hồng không muốn đứa con gái thứ hai mang họ cha nên khi đi làm khai sinh lấy theo họ mẹ - PV) học mẫu giáo xinh xắn, ngoan ngoãn mà ai cũng xót xa. Từ ngày Lê Văn Lâm bị tử hình, phía nhà nội 2 cháu cũng dần biệt tăm tin tức. Không nỡ gửi cháu vào trại mồ côi, ngày ngày, bà Sửu tảo tần vào núi sâu, chặt mót từng chút quế vụn để kiếm tiền nuôi cháu. “Cực thì ráng chịu nhưng tôi không nỡ lòng để 2 đứa vào trại mồ côi. Tụi nó là niềm vui, nguồn sống của tôi bây giờ. Tôi nghĩ, bà cháu rau cháo nuôi nhau, miễn là được sống với tụi nhỏ để bù đắp nỗi đau mất mát tình thương cha mẹ” - bà Sửu kể.
Tan tác những mái nhà
Lần tìm về vùng quê xảy ra án mạng, những câu chuyện đau lòng còn được nối dài thêm với nhiều người, nhiều gia đình khác. Khi cuộc truy sát bất thành với chính người chú của mình là ông Lê Hòe (SN 1962), Lâm quay trở lại ra tay sát hại mẹ ông Hòe - bà Trần Thị Tuấn. Chôn cất mẹ xong, vợ chồng ông Hòe và 3 gia đình khác trong thôn cũng rời quê, bỏ cả gia sản gồm ruộng vườn, rừng keo...
Nhà chị Trần Thị Sáu, ở cạnh lối đi vào nhà Lê Văn Lâm. Mẹ chồng chị Sáu - bà Phạm Thị Bổn kể: “Khi thấy Lâm vung dao chém em nó ở hiên nhà rồi đuổi theo chém chết ngoài ruộng, hàng xóm hô hoán chạy vào rừng. Con dâu tôi lúc đó đang quét sân, nghĩ mình không làm gì phật ý Lâm, lại là đàn bà nên không chạy. Nhưng không biết vì say mồi hay ảo giác từ rượu đưa đến mà Lâm chém luôn con Sáu”. Chị Sáu đưa tay đỡ nên bị lưỡi dao của Lâm cướp đi nguyên bàn tay trái, ba ngón tay phải và vết thương trên đầu. Được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam nhưng do vết thương quá nặng, chị được chuyển ra Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Mười tháng sau, chị Sáu mất. Lao động chính ra đi, bao nhiêu tiền của, vay mượn đều đổ vào để chữa lành vết thương cho chị Sáu; còn anh Cao Văn Lanh - chồng chị Sáu lại bị bệnh nặng, đàn con 6 đứa nheo nhóc… càng đẩy gia cảnh nhà anh Lanh vào chỗ khốn cùng. Gia cảnh bi thương của bà Trần Thị Tuấn (SN 1932) - bà nội của Lê Văn Lâm cũng khiến chúng tôi thắt ruột trong chuỗi bi kịch do Lê Văn Lâm tạo ra. Bà Trần Thị Tuấn bị Lâm cướp đi sinh mạng khi đang ngồi giặt áo quần bên giếng làng. Chồng của bà sau đó không lâu cũng thắt cổ tự tử vì quá đau đớn. Bóng tối và giá lạnh bao trùm ngôi nhà đã hoang vắng từ đó.
Một vụ án, cùng một lúc để lại quá nhiều tang thương cho nhiều gia đình ở vùng quê Tiên Phước. Năm năm trước, khi tôi có mặt ở vùng quê này, nhiều người đã thêu dệt rằng do người trong làng ăn phải thịt của con rắn thần nên bị trừng phạt. Nhưng có một thực tế không thể chối cãi, tấn bi kịch này do con “ma men” dẫn đường, cộng thêm sự nghèo khó bị ức chế và sự thiếu hiểu biết của cả hung thủ lẫn nạn nhân. Bởi, trước đó, Lê Văn Lâm và cha mẹ Lâm tranh cãi nhau để được cầm số tiền mừng thôi nôi con gái Lê Văn Lâm là…1 triệu đồng.
Trên đường trở về, tôi cứ ám ảnh bi kịch không biết khi nào mới kết thúc trong những mái nhà đã bỏ hoang đó. Bài vè về 2 đứa con gái Lê Văn Lâm cứ bám vào từng ý nghĩ: “Ba sinh ra làm chuyện trái ngang/ Mẹ thương con mẹ bỏ con đi/ Để lại 2 con không nơi nương tựa/ Đời con không biết về đâu/ Trời ơi là trời...”.
VƯƠNG HẰNG SA