Những ngôi làng hiếu học
Những ngôi làng xứ Quảng vẫn đang gìn giữ truyền thống hiếu học vốn có từ lâu đời. “Chăm lo từ gốc” là câu nói người dân thường nhắc nhau để nuôi dưỡng ý chí vươn lên nhờ sự học cho thế hệ trẻ.
Lần giở những tàng thư về sự học của đất Quảng, theo nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, ít có nơi nào sự học lại được coi trọng như nơi đây. Những ngôi làng trên vùng đất “Ngũ phụng tề phi” luôn ưu ái cho sự học và coi đây là cách “thoát thân” cho tương lai con em mình.
Từ xưa đến nay
Làng Bảo An (Điện Quang, Điện Bàn), theo nhiều tư liệu xưa để lại, được thành lập từ thế kỷ thứ XV. Trong thời nhà Nguyễn, Bảo An có 27 người đỗ tú tài, 17 cử nhân và 2 phó bảng. Đến thời Pháp thuộc, vào khoảng từ năm 1925 đến 1945, Bảo An có đến 50 người đỗ đạt cao. Trong số đó, nhiều người chọn làm nghề giáo thay vì làm quan và đã có nhiều nhà giáo dục nổi tiếng như Phan Bá Lân, Phan Xuân Cáo, Phan Đảng, Ngô Quang Cường, Phan Hoành. Từ năm 1914, Bảo An đã có trường dạy học ở đình làng do ông Phan Đắc Lộc mở. Sau này số học sinh mỗi ngày một đông, chính quyền cho phép mở trường. Đến 1928, trường Tiểu học Bảo An thành lập, được xem là cái nôi của sự nghiệp giáo dục của làng. Từ 1928 đến 1946, trường đã đào tạo hàng trăm học sinh tốt nghiệp cấp tiểu học, hàng nghìn học sinh đổ sơ học yếu lược, cao đẳng tiểu học. Đến nay, trường Tiểu học Bảo An đã đổi tên thành trường Tiểu học Phan Thanh. Kế thừa truyền thống, những thế hệ sau cứ thế noi gương chăm lo sự học. Ở Bảo An, các gia đình luôn coi việc học của con cháu là quan trọng nhất. Nghèo khổ cách chi cũng phải lo cho con đến trường.
Trường Tiểu học Phan Thanh (Bảo An, Điện Quang), tiền thân là trường Tiểu học Bảo An, nơi nổi tiếng một thời đào tạo nên những danh nhân đất Việt. |
Nằm khá gần quốc lộ 1, làng Thuận An (Tam An, Phú Ninh) với 100% hộ dân làm nghề nông. Tuy nhiên, trong số 164 hộ của thôn, có đến 150 hộ có con em đỗ vào các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc. Không những vậy, hiện cả thôn có đến 4 thạc sĩ, 1 phó tiến sĩ. Ông Trần Văn Bản - Trưởng thôn Thuận An cho hay, gia đình nào ở làng dù nghèo khó đến mấy, miễn con em ham học là họ quyết nuôi con ăn học thành tài. “Như gia đình bà Nguyễn Thị Hường, chồng mất sớm, một mẹ nuôi 5 con, vậy mà cả 5 đều đỗ đại học, hiện đã có 3 con ra trường, có công ăn việc làm ổn định. Ở Thuận An, rất nhiều gia đình có 3, 4 con em tốt nghiệp đại học” - ông Bản nói. Tuy không phải là vùng đất học truyền thống của Quảng Nam, nhưng cái đáng quý nhất ở Thuận An chính là sự học vươn lên từ trong khó nghèo, từ suy nghĩ rất sâu xa và lạc quan của những nông dân. Họ quan niệm, không có học vấn sẽ không thể thoát khỏi nghèo khổ, ý thức này được truyền dạy kỹ càng đến thế hệ con cháu. Giữ kỷ lục trong làng phải kể đến gia đình các ông Nguyễn Bá Vinh, Phạm Hoằng, Bùi Phu với 7 - 8 người con đều là cử nhân hoặc thạc sĩ.
Mạnh từ khuyến học
Đặc điểm chung của những ngôi làng đang nổi danh về sự học đều quan tâm đến công tác khuyến học, khơi gợi cảm hứng học tập cho con em trong làng. Ông Phan Tín - Bí thư Chi bộ thôn Bảo An Đông cho biết, người làng Bảo An đặc biệt chú trọng đến truyền thống hiếu học. Mỗi tộc họ đều thành lập ban khuyến học để theo dõi tình hình học tập của con cháu trong tộc. Ban khuyến học còn phải lập quỹ, kêu gọi các thành viên trong tộc họ đóng góp để phục vụ cho công tác khuyến học. Theo ông Tín, mỗi năm, các tộc họ đều dành một số tiền để thưởng cho những học sinh đỗ đại học, cao đẳng. Đặc biệt đối với những học sinh nghèo, không có tiền đi học, quỹ khuyến học của tộc sẽ có nghĩa vụ nuôi các em đến khi ra trường. “Làng Bảo An có truyền thống tương thân tương ái, không để con em trong làng phải bỏ học giữa chừng vì không có tiền. Từ quỹ khuyến học của các tộc, mỗi năm làng Bảo An có đến hàng chục sinh viên được nuôi cho đến khi tốt nghiệp đại học” - ông Tín cho biết.
Ông Bùi Phu (làng Thuận An), người có đến 6 con đều tốt nghiệp đại học. Ảnh: L.QUÂN |
Đối với làng Thuận An, mặc dù người dân đều làm nông, kiếm đồng tiền một cách khó nhọc, nhưng đối với việc khuyến học của làng, họ rất sẵn lòng đóng góp. Trưởng thôn Trần Văn Bản cho hay, hằng năm thôn đều tổ chức gặp mặt học sinh - sinh viên trong thôn để sinh viên đi học xa nhà chia sẻ kinh nghiệm cho các em học sinh đang chuẩn bị thi đại học. Bên cạnh đó, thôn cũng thành lập Quỹ khuyến học từ sự đóng góp của người dân trong làng, con em trong làng đã ăn học thành tài có công ăn việc làm ổn định cũng quay lại đóng góp cho quỹ. Từ nguồn quỹ này, Chi hội khuyến học của thôn có trách nhiệm giúp đỡ những em có hoàn cảnh khó khăn, khen thưởng trường hợp có thành tích học tập tốt. Dù chỉ mang ý nghĩa giá trị về mặt tinh thần là chính, nhưng những món quà, phần thưởng thể hiện sự quan tâm, trở thành nguồn động viên để các em tiếp tục phấn đấu trên con đường tri thức.
LÊ QUÂN