Bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị: Chú trọng cán bộ nữ

DIỄM LỆ 15/11/2013 08:34

Dù nữ giới giữ các chức danh chủ chốt còn chiếm tỷ lệ khiêm tốn, nhưng đó là những bước tiến đáng ghi nhận trong lĩnh vực tham chính và công tác đề bạt, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ nữ của Quảng Nam thời gian qua.

Tiếng nói, vai trò của cán bộ nữ ngày càng được khẳng định trong lĩnh vực chính trị.Ảnh: D.L
Tiếng nói, vai trò của cán bộ nữ ngày càng được khẳng định trong lĩnh vực chính trị.Ảnh: D.L

Chương trình quốc gia về BĐG giai đoạn 2011 - 2020 hướng đến sự bình đẳng thực chất nam - nữ về cơ hội và việc tham gia trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội. Một trong những mục tiêu cụ thể của chiến lược là tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo nhằm từng bước giảm dần khoảng cách về giới trong lĩnh vực chính trị. Cụ thể hóa vấn đề này, Quảng Nam xác định công tác cán bộ nói chung và công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ nữ nói riêng là nội dung quan trọng, đảm bảo cho công tác cán bộ đáp ứng cả nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nữ. Trong đó, triển khai các chính sách hỗ trợ cán bộ nữ được đào tạo để chuẩn hóa trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, đào tạo sau đại học. Bên cạnh đó, Nghị quyết của Tỉnh ủy về công tác cán bộ giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020 có mục tiêu, chính sách, giải pháp ưu tiên đối với cán bộ nữ, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ nữ trong việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, đáp ứng yêu cầu quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ.

Trên cơ sở các văn bản của Trung ương, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 09 về BĐG; UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 16 về việc tăng cường chỉ đạo triển khai Luật BĐG. Theo đó, các sở, ban ngành, địa phương xây dựng kế hoạch, chương trình và hướng dẫn thực hiện về BĐG. Theo chương trình cấp vùng về thúc đẩy BĐG trong tham chính, từ năm 2011-2013, Sở Nội vụ đã phối hợp với Hội LHPN tỉnh xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng (kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng giao tiếp, thuyết trình...) cho cán bộ nữ cấp huyện, cấp xã, đặc biệt là cán bộ nữ thuộc Dự án 600 của Trung ương và Đề án 500 của tỉnh ở các xã thuộc các huyện miền núi. Bà Trần Thị Thu Ba -  Bí thư Đảng ủy thị trấn Tiên Kỳ (huyện Tiên Phước) cho biết: “Từ khi được bổ nhiệm giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy thị trấn, tôi luôn cố gắng hoàn thành tốt công việc của mình để khẳng định vai trò của người phụ nữ tham chính. Phụ nữ làm công tác lãnh đạo có những thuận lợi riêng, nhận được sự quan tâm, giúp đỡ tận tình của cả đồng nghiệp và nhân dân. Đó là vấn đề cốt yếu để phụ nữ hoàn thành được nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước đã tin tưởng, giao phó”.

Theo thông tin từ Sở Nội vụ, số lượng cũng như chất lượng cán bộ nữ của tỉnh ngày càng được nâng cao. Toàn tỉnh hiện có 28.456 cán bộ, công chức, viên chức; trong đó nữ là 18.012 người, chiếm tỷ lệ 63,3%. Công tác quy hoạch cán bộ giai đoạn 2010 - 2015 đã chú trọng đến đội ngũ cán bộ nữ. Việc sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ nữ ở cấp huyện, thành phố đến nay đạt tỷ lệ 10,18%; ở cấp ủy tỉnh đạt 5,5%; nữ giám đốc, phó giám đốc sở, ngành đạt 7,02%. Nữ đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011 - 2016 đạt 20,68%, huyện 20,2% và xã 18,2%. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2011 - 2015 ở cấp tỉnh là 5,45%, huyện 10,13% và xã 17,98%.

DIỄM LỆ

DIỄM LỆ