Bảo tồn phố cổ Hội An: Áp lực từ dân nhập cư
Các nhà nghiên cứu từng cảnh báo về tình trạng “xâm hại nghiêm trọng các giá trị văn hóa truyền thống của Hội An” dưới áp lực của sự phát triển kinh tế du lịch và gia tăng dân số, trong đó có tác động không nhỏ do những người mới nhập cư.
Xâm hại
Tại hội thảo về “Văn hóa làng xã trong bối cảnh đô thị hóa tại Hội An” mới đây, nhà văn Trần Kỳ Trung (ở Hội An) cho rằng việc thay đổi chủ sở hữu các căn nhà, các di tích nhà ở trong khu phố cổ, đặc biệt là với các chủ sở hữu là người nhập cư đã “đánh mất” dần bản sắc Hội An. Theo thống kê, từ năm 1999 đến nay, khu phố cổ Hội An đã có hơn 83 trường hợp chuyển nhượng và 181 trường hợp cho thuê nhà. Nghĩa là đã có 264 chủ nhà - di tích, tương đương với 3.000 cư dân phố cổ đã phải rời khỏi nhà của mình vì đã bán hoặc cho người khác thuê để làm cửa hiệu kinh doanh.
Dù 8 giờ sáng, nhiều nhà trong khu phố cổ vẫn còn khóa cửa.Ảnh: Q.HẢI |
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, qua 4 giai đoạn biến động dân cư gắn với tiến trình đô thị hóa ở Hội An từ thế kỷ XV đến nay, cho thấy những người từ các nơi khác đến Hội An, kể cả người nước ngoài lập nghiệp, dựng nhà ở Hội An đều nhằm vừa để ở, vừa để buôn bán. Thế nhưng, xu hướng hiện nay có rất nhiều trường hợp dân cư từ các địa phương khác đến Hội An mua nhà hoặc thuê nhà, chủ yếu ở mặt tiền các tuyến phố chỉ với mục đích làm cửa hiệu, nhà hàng để kinh doanh, buôn bán. Trên thực tế, họ hoàn toàn không sống trong phố mà chỉ đi lại, trông nom, quản lý nhân viên. Do đó, khi hết giờ buôn bán thì cửa hiệu, nhà hàng đóng cửa, đúng hơn là khóa cửa.
Các nhà nghiên cứu nhận định rằng, với tốc độ biến động dân cư mạnh mẽ như hiện nay thì trong vài năm nữa, ở khu vực trung tâm khu phố cổ, các tuyến phố sẽ biến thành những cửa hiệu, nhà hàng mà rất ít người sinh sống đúng nghĩa. Những chủ nhà, người dân gốc, các hộ đăng ký thường trú hay có thể gọi là dân chính cư đang bị đẩy dần, một cách tự nguyện ra vùng ven, thành người đăng ký tạm trú. Thay vào đó là những nhân viên làm thuê trong các cửa hiệu, nhà hàng, họ trở thành người “thường trú” trong giờ kinh doanh, hết giờ thì họ cũng về nhà hoặc về nơi tạm trú ở ngoài khu phố cổ. Và như vậy, hầu như họ (kể cả chủ và người làm thuê trong các cửa hiệu, nhà hàng) đều không có quan hệ gì và cũng không cần để ý gì đến cộng đồng dân cư nơi họ đang kinh doanh. “Xu hướng này đang đe dọa đến những giá trị nổi bật toàn cầu, tính độc đáo của Di sản văn hóa thế giới Hội An. Nghĩa là nó liên quan đến sự bảo tồn và phát triển bền vững. Thực trạng này đã tác động đến lối sống, sinh hoạt văn hóa, phong tục tập quán, ứng xử, ẩm thực..., những yếu tố gắn kết, tạo thành giá trị văn hóa độc đáo của khu phố cổ Hội An” - ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An nói.
Nỗ lực giữ gìn
TP.Hội An đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, từng bước có chính sách và chế độ khuyến khích người dân “trụ lại” trong khu đô thị di sản. Hàng loạt chính sách tiếp tục ưu tiên hỗ trợ việc tu bổ nhà ở, cho vay vốn hoặc giảm thuế để đầu tư kinh doanh đã được thực hiện. Thậm chí, Hội An đã và đang áp dụng biện pháp cho vay vốn không lãi để tu bổ di tích với điều kiện chủ di tích phải ở ngay trong nhà, không được bán nhà. Biện pháp này từng được các tổ chức của Nhật Bản khuyến cáo từ 10 năm trước với mục đích, khi bảo tồn, phải giữ gìn nếp sống, sinh hoạt trong mỗi gia đình, giữ gìn cả giềng mối quan hệ mật thiết bên trong mỗi ngôi nhà. “Các ngành đã và đang khảo sát để nắm rõ điều kiện sống, kinh doanh, nhu cầu về cải tạo nhà ở - di tích, sự gắn bó với di sản, quyền lợi, nghĩa vụ trong bảo tồn và phát triển cũng như các nguyện vọng khác của người dân. Đối với các ngôi nhà có giá trị bảo tồn loại đặc biệt, loại 1 và loại 2, thành phố quy định giữ cho được chức năng sử dụng vốn có của nó dù đã chuyển nhượng hoặc cho thuê” - ông Nguyễn Văn Lanh, Trưởng phòng VH&TT TP.Hội An cho biết.
Ông Lê Văn Giảng - Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết: “Hội An đang quy hoạch chi tiết các khu dân cư, điều chỉnh mật độ xây dựng, kiến trúc và mật độ dân cư ở các khu vực, kể cả vùng trung tâm, vùng đệm và vùng chuyển tiếp đối với khu đô thị di sản. Các vùng cảnh quan cũng được bảo tồn theo mô hình sinh thái - nhân văn. Về phía người dân, cả người chính cư, mới nhập cư, ngụ cư và người tạm trú đều được xem như là một người dân địa phương, bình đẳng, có quyền lợi ngang nhau, trong đó mỗi người phải tiếp tục nâng cao niềm tự hào và cộng đồng trách nhiệm”. |
Nhiều năm qua, Hội An luôn chú trọng khơi nguồn và hồi sinh những giá trị, truyền thống văn hóa đô thị đặc thù, tránh du nhập thiếu lựa chọn những hình thức hoạt động văn hóa xa lạ với đô thị có tính cách riêng như Hội An. Các cách thức truyền lại cho hậu thế về thông tin lịch sử, bảo tồn và tạo ra các đặc điểm đô thị, nhất là các hoạt động lễ hội, sự kiện văn hóa, nghệ thuật… trong khu vực phố cổ cũng được tổ chức hết sức cân nhắc. Một số lễ hội dân gian như xô cộ, rước Long Chu, du hồ… trong phố cổ đang được thành phố phục dựng và bàn giao lại cho cộng đồng tổ chức nhằm đảm bảo không gian “thiêng”, thời gian “thiêng” cũng như tâm thức “thiêng” của nó. Mặt khác, người ngụ cư, tạm trú, bao gồm cả những người thuê nhà hoặc mua nhà để kinh doanh, hoặc đã mua đất làm nhà ở và cả những người thuê trọ đều phải gắn bó quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm với Hội An như một người dân chính cư và được công nhận là “công dân Hội An” thực thụ.
Thiết nghĩ, khi có chiến lược đúng, nhận thức đầy đủ và đồng bộ về vấn đề dân cư và dân số học, đồng thời có những giải pháp thích hợp trong quản lý, điều hành thì Di sản đô thị cổ Hội An - một “bảo tàng sống, mẫu hình tiêu biểu ở Đông Nam Á” sẽ vượt qua mọi áp lực để được bảo tồn và phát triển bền vững.
QUỐC HẢI