Đào tạo và thu hút bác sĩ: Ưu tiên vùng khó khăn

XUÂN PHÚ 13/11/2013 08:21

Đề án Đào tạo và thu hút bác sĩ, bác sĩ nội trú tỉnh Quảng Nam (dự kiến sẽ trình Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khóa VIII) đã nhận được nhiều sự quan tâm của các ban HĐND tỉnh, các sở, ngành chức năng tại cuộc họp do Thường trực HĐND tỉnh tổ chức mới đây.
Nuôi sinh viên ăn học

Đề án Đào tạo và thu hút bác sĩ, bác sĩ nội trú tỉnh Quảng Nam được UBND tỉnh giao Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh chịu trách nhiệm soạn thảo. Sau nhiều cuộc họp do UBND tỉnh tổ chức, trưng cầu ý kiến của các địa phương, đơn vị, dự thảo đề án vừa tiếp tục được điều chỉnh, bổ sung. Theo ông Lương Văn Vui - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh, với yêu cầu là nguồn nhân lực chất lượng cao nên đối tượng đào tạo và thu hút theo đề án chỉ bó hẹp trong phạm vi 3 trung tâm đào tạo bác sĩ lớn và có chất lượng cao nhất cả nước là trường Đại học Y Hà Nội, Đại học Y dược TP.Hồ Chí Minh, Đại học Y dược Huế (bác sĩ đào  tạo hệ chuyên tu, cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ sử dụng, đại học hệ 4 năm không thuộc đối tượng theo đề án này). Đây là lần đầu tiên đối tượng đào tạo được hưởng cơ chế chính sách hỗ trợ của tỉnh là sinh viên nhằm thu hút bác sĩ về công tác tại tỉnh, tăng cường nhân lực cho ngành y tế vốn đang thiếu (trước đây mới chỉ là quy định tạm thời của UBND tỉnh mà cụ thể là Quyết định 1187, ngày 16.4.2013). Quyền lợi dành cho đối tượng này cũng khá ưu đãi. Cụ thể, sinh viên theo học bác sĩ hoặc học viên theo học bác sĩ nội trú sẽ được cấp 100% học phí, sinh hoạt phí hàng tháng (bao gồm ăn, ở, bảo hiểm y tế, chi phí đi lại…); được hỗ trợ lại toàn bộ học phí, sinh hoạt phí trong suốt thời gian học bác sĩ và từ bác sĩ lên bác sĩ nội trú trước khi tham gia đề án. Sau khi tốt nghiệp sẽ được hỗ trợ 100 triệu đồng tiền mua đất làm nhà ở. Như vậy, có thể nói để trở thành bác sĩ, người học gần như được tỉnh nuôi ăn học hoàn toàn.

Với thành tích thi đỗ vào trường Đại học Y dược Huế năm 2013 với 28,25 điểm, em Phan Thị Giao Uyên (trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm) được UBND tỉnh khen thưởng. Ảnh: X.P
Với thành tích thi đỗ vào trường Đại học Y dược Huế năm 2013 với 28,25 điểm, em Phan Thị Giao Uyên (trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm) được UBND tỉnh khen thưởng. Ảnh: X.P

Về chính sách thu hút, ngoài các đối tượng có trình độ sau đại học gồm bác sĩ chuyên khoa I, II, thạc sĩ, tiến sĩ, lần này còn mở rộng thêm đối tượng là bác sĩ. Khác với đối tượng đào tạo, đối tượng thu hút sẽ được hưởng chế độ ưu đãi khá hấp dẫn gồm tiền hỗ trợ một lần và tiền mua đất làm nhà ở. Cụ thể, bác sĩ tốt nghiệp loại giỏi được hỗ trợ 350 triệu đồng (trong đó 250 triệu đồng hỗ trợ một lần, 100 triệu đồng tiền mua đất), loại khá 330 triệu đồng còn trung bình là 300 triệu đồng. Đối với bác sĩ có trình độ sau đại học, hỗ trợ 600 triệu đồng cho người có học vị tiến sĩ (kể cả 100 triệu đồng tiền mua đất làm nhà ở), 450 triệu đồng bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa II, 400 triệu đồng bác sĩ chuyên khoa I. Riêng với những người làm việc tại các huyện miền núi được tăng thêm từ 0,1 - 0,4 lần tùy theo địa bàn. Thật ra chính sách thu hút bác sĩ, bác sĩ có trình độ sau đại học không phải là mới (Nghị quyết 100 ngày 14.12.2007 của HĐND tỉnh và quy định tạm thời tại Quyết định 3116, ngày 11.10.2013) nhưng mức thu hút theo đề án này cao hơn nhiều.

Thu hút phải có sức hấp dẫn

Theo dự thảo đề án Đào tạo và thu hút bác sĩ, bác sĩ nội trú tỉnh Quảng Nam, đối tượng đào tạo có nghĩa vụ làm việc tại các cơ sở y tế công lập 12 năm đối với bác sĩ, 18 năm đối với bác sĩ nội trú; đối tượng thu hút 12 năm với bác sĩ, 16 năm với bác sĩ chuyên khoa I, thạc sĩ, 18 năm với bác  sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa II, tiến sĩ.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Kim Hùng khẳng định việc xây dựng và ban hành đề án là rất cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu về công tác khám chữa bệnh cho nhân dân. Tuy nhiên, đề án phải tập trung đẩy mạnh cơ chế thu hút bác sĩ tốt nghiệp loại khá giỏi về công tác tại các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa. Cơ chế thu hút phải có sức hút mạnh mẽ. 74 tỷ đồng thực hiện trong 5 năm không phải là nhiều so với nhu cầu thu hút bác sĩ của tỉnh.

Theo đánh giá của Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh, sau thời gian ngắn triển khai thực hiện quy định tạm thời của UBND tỉnh về chính sách đào tạo và thu hút bác sĩ, bước đầu đã có nhiều dấu hiệu khả quan. Đến nay, có 25  trường hợp đang theo học bác sĩ đăng ký sau khi hoàn thành khóa học sẽ về làm việc tại tỉnh. Số lượng học sinh THPT đăng ký thi vào ngành y năm 2013 cũng tăng khá nhiều. Bà Nguyễn Thị Liên - Phó Giám đốc Sở Y tế cho rằng, đây là điều rất đáng mừng vì nhiều năm nay gần như không có bác sĩ chính quy nào về công tác tại Quảng Nam. Tuy nhiên, mức hỗ trợ sinh hoạt phí cho người đi học cần được xem lại vì cao hơn lương khởi điểm. “Bác sĩ mới ra trường lương mỗi tháng tầm 2,6 triệu đồng chưa trừ các khoản như bảo hiểm, trong khi mức sinh hoạt phí khi còn đang đi học lên đến 3 triệu đồng là chưa hợp lý” - bà Liên phân tích. Trong khi đó, ông Nguyễn Cảnh - Bí thư Huyện ủy Phú Ninh cho rằng, đào tạo nguồn nhân lực phải có địa chỉ rõ ràng mới hiệu quả, nếu không sẽ dẫn đến lãng phí. Cùng với đó cần có chính sách sử dụng, phát huy người tài. “Thời gian qua có tình trạng nhiều bác sĩ giỏi xin chuyển công tác khỏi Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam. Tại sao chúng ta lại dễ dàng cho đi trong khi lại phải tốn ngân sách để đào tạo, thu hút bác sĩ về ?” - ông Cảnh băn khoăn.

Cũng có nhiều ý kiến đề nghị chỉ nên thực hiện cơ chế thu hút bác sĩ mà không cần đào tạo. Dẫn chứng thực tế hiện nay cả  tỉnh có trên 300 sinh viên tốt nghiệp đại học đạt loại giỏi, xuất sắc không xin được việc làm, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trần Thế Thái cho rằng vấn đề là xác định cơ chế thu  hút chứ không nên bỏ tiền ra để đào tạo. Ông Thái lập luận: “Số sinh viên này tỉnh không tốn một đồng nào mà các em tốt nghiệp giỏi, xuất sắc trong khi đầu tư tiền nhiều nhưng chưa chắc học giỏi và đây là điều đáng suy nghĩ”. Ông Nguyễn Đình Dưỡng - Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp (Sở GDĐT) thông tin, từ năm 2006 đến nay có gần 1.500 học sinh Quảng Nam theo học các ngành về sức khỏe, trong đó ngành bác sĩ đa khoa khoảng 700 (chưa kể ngành bác sĩ răng hàm mặt, nha sĩ). Hiện tại chỉ riêng trường Đại học Y dược Huế đã có khoảng 600 sinh viên người Quảng Nam. Những con số này cho thấy số lượng con em Quảng Nam học bác sĩ là khá nhiều. Do đó, làm thế nào để khuyến khích, động viên sinh viên Quảng Nam sau khi tốt nghiệp về tỉnh nhà công tác là cần thiết hơn. Với quan điểm không cần thiết ban hành chính sách đào tạo mà chỉ thu hút, ông Nguyễn Đình Tâm - Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh đề nghị tăng thêm mức hỗ trợ để tạo ra sức hấp dẫp lớn trong thu hút. “Nhưng thu hút về, bố trí công tác ở đâu mới quan trọng. Quảng Nam đang thiếu hụt bác sĩ nhưng nhu cầu lớn nhất vẫn là các huyện miền núi chứ không phải ở Tam Kỳ, Hội An hay Điện Bàn. Vì vậy, tăng chính sách thu hút để bác sĩ về công tác tại miền núi, vùng khó khăn” - ông Tâm đề xuất. Trước các ý kiến này, ông Lương Văn Vui giải thích: “Cơ chế đối với sinh viên đang học năm thứ 5 và 6 chỉ là tạo cơ sở, nền tảng cho cơ chế thu hút sau này và rất cần thiết”.

    XUÂN PHÚ

XUÂN PHÚ