Thăng Bình, Nam Giang giúp hàng ngàn người dân tìm nơi an toàn tránh bão

LĂNG A CÚI 09/11/2013 20:53

(QNO) - Chiều nay 9.11, mọi công tác ứng phó với bão Haiyan được chính quyền, nhân dân huyện Thăng Bình tiếp tục khẩn trương thực hiện.

  • Phòng chống bão Haiyan, 2 người chết, hơn 30 người bị thương
  • Công điện của Thủ tướng chỉ đạo đối phó với bão HaiYan
  • Nhân dân vùng ven biển Tam Kỳ, Thăng Bình, Núi Thành khẩn trương chạy bão
  • Thăng Bình: Hoàn thành di dời dân trước 19 giờ hôm nay (9.11)
  • Toàn cảnh bão số 14
Lãnh đạo huyện Thăng Bình thăm hỏi người dân tại nơi tránh, trú bão.
Lãnh đạo huyện Thăng Bình thăm hỏi người dân tại nơi tránh, trú bão.

Trong các hoạt động ứng phó với cơn bão, chính quyền huyện Thăng Bình đã tập trung chỉ đạo các địa phương khẩn trương di dời dân đến nơi an toàn. Theo ông Nguyễn Văn Ngữ - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình đến chiều tối nay, huyện Thăng Bình đã cơ bản di dời người dân đến nơi an toàn. Theo đó đã có 2.938 hộ với 7.329 nhân khẩu được chính quyền các địa phương di dời đến nơi tránh, trú bão an toàn như: trụ sở UBND, trường học và trạm y tế các xã. Đặc biệt, người dân các xã vùng ven biển đã đào 1.045 hầm tránh, trú bão, trong đó có 5 hầm trú bão tập thể với khoảng 100 người/hầm.  

Bắt đầu từ chiều nay, công tác di dời được các địa phương thực hiện quyết liệt nhằm đảm bảo an toàn người dân. Tại xã Bình Nam (Thăng Bình), bắt đầu từ 13 giờ 30 phút chiều nay, công tác di dời người dân đến nơi an toàn đã được địa phương thực hiện khẩn trương.

Các cụ già tại xã Bình Nam tránh trú bão.
Các cụ già tại xã Bình Nam tránh trú bão.

Theo ông Trần Văn Tốt – Chủ tịch UBND xã Bình Nam, để đảm bảo an toàn cho người dân, từ chiều nay, xã đã thuê xe đến các thôn để di dời người già, trẻ em đến tránh bão tại trụ sở UBND xã, Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm và Trạm Y tế xã. Đến nay, đã có 236 người (36 trẻ em) tại 180 hộ được di dời đến nơi an toàn. Trong số này, có 25 người già bị đau, yếu được địa phương đưa vào ở tại Trạm Y tế xã để thuận tiện chăm sóc. Ngoài việc di dời dân, ông Trần Văn Tốt còn cho biết, trong trường hợp mưa lớn, triều cương dâng thì xã sẽ tiếp tục di dời khoảng 150 hộ dân của 2 thôn Phương Tân và Vĩnh Giang đến nơi an toàn.

Được biết, do làm tốt công tác vận động, đặc biêt từ thực tế cơn bão số 11, xã Bình Nam làm tốt công tác di dời nên đa số người dân đều hưởng ứng công tác di dời dân. “Khi vận động mặc dù còn một số hộ dân chưa chịu di dời nhưng qua thực tế cơn bão số 11 và sự vận động tuyên truyền, đến cuối buổi chiều tất cả người già, trẻ em đều đã được chúng tôi đưa đến nơi an toàn” – ông Tốt cho biết.

Có mặt tại UBND xã Bình Nam lúc 5 giờ 30 chiều 9.11, phóng viên Báo Quảng Nam ghi nhận hàng trăm cụ già, trẻ nhỏ đang ăn bữa tối đạm bạc là mì tôm tại UBND xã. Được biết, UBND xã Bình Nam đã chuẩn bị 150 thùng mì tôm, nước uống, thuốc men… để chuẩn bị cho người dân đến trú bão.  Bà Trần Thị Nga (70 tuổi, trú tại thôn Phương Tân, xã Bình Nam) sống với đứa cháu nhỏ trong căn nhà ọp ẹp. Nhờ sự quan tâm của địa phương, từ trưa nay bà Nga đã được đưa đến Trạm Y tế xã tránh bão. “Nhà có 2 bà cháu, tui giờ lại già cả, ốm yếu. Trưa nay được các anh bên xã đến vận động và đưa 2 bà cháu đi trú bão. Tại đây, vừa có chỗ ở an toàn, vừa có thực phẩm nên tui yên tâm lắm!” – bà Nga tâm sự. (VINH ANH)

Nam Giang: 1.000 hộ dân được sơ tán đến nơi an toàn

Chiều 9.11, UBND huyện Nam Giang đã tổ chức sơ tán hơn 1.000 hộ dân với khoảng trên 3.600 khẩu ở các thôn Rô, Pà Roong, Cà Rung (xã Cà Dy); thôn Dung, Pà Dương, Thạnh Mỹ 1 và Thạnh Mỹ 3 (thị trấn Thạnh Mỹ) đến nơi an toàn tránh bão.

Người dân được bố trí nơi trú bão an toàn. Ảnh: A Lăng Ngước
Người dân được bố trí nơi trú bão an toàn. Ảnh: A Lăng Ngước

Theo ông Tơngôl Với - Chánh Văn phòng UBND huyện Nam Giang, toàn bộ các hộ dân đều được bố trí tập trung tại các địa điểm: Hội trường UBND huyện, Nhà văn hóa cộng đồng huyện, trụ sở Ban chỉ huy quân sự huyện, trường THPT Nam Giang, Ban quản lý Thủy điện Avương và trụ sở của các xã. Toàn bộ các hộ dân được sơ tán nằm trong vùng nguy hiểm do sạt lở đất, vùng trũng thấp có nguy cơ bị lũ quét. Trước đó, chính quyền huyện Nam Giang cũng đã triển khai phương án di dời khẩn cấp 22 hộ dân ở các thôn Pà Oi, Pà Lan, Đắc Ngọn (xã La Êê) đến trú tại Đồn biên phòng La Êê, đảm bảo an toàn trước bão.

Các em nhỏ tranh thủ học bài.
Các em nhỏ tranh thủ học bài.

Tối 9.11, bên trong Hội trường UBND huyện Nam Giang, cụ Alăng Dè (90 tuổi, ở thôn Pà Roong, xã Cà Dy) cứ ngồi im nhìn mấy đứa nhỏ nô đùa. Cụ cho biết, đây là lần đầu tiên cụ cùng bà con thôn bản rời làng đến nơi khác để tránh bão. “Nghe cán bộ nói gió bão mạnh lắm. Mái tôn nhà mình có thể bay mất, ai cũng sợ. Ở đây thấy yên tâm hơn”, cụ Dè thật lòng. Cách đó không xa, nhiều cụ cứ ngồi yên, vẻ lo lắng nhìn những hạt mưa đổ về.

Theo ghi nhận của phóng viên, từ cuối giờ chiều 9.11, trên địa bàn xuất hiện những đợt mưa, mây đen xám xịt. Càng về đêm, mưa càng to nhưng trời không chút gió. Tại các xã vùng cao, hiện nhiều tuyến đường đã bị sạt lở nặng, chính quyền các địa phương cũng đang khẩn trương triển khai công tác khắc phục, kịp thời ứng phó với bão. Cũng trong cuối giờ chiều nay, Nhà máy thủy điện Sông Bung 5 đã có thông báo về việc tổ chức vận hành xả điều tiết hồ chứa thủy điện với lưu lượng từ 500 đến 2.500 m3/s. Dự kiến, thời gian xả tràn vào lúc 19 giờ tối 9.11 nhằm đảm bảo quy trình vận hành hồ chứa thủy điện.

LĂNG A CÚI

LĂNG A CÚI