Điểm đến Khe Tân
Hồ Khe Tân, xã Đại Chánh (Đại Lộc) là một trong những hồ rộng lớn ở Quảng Nam với diện tích gần 840ha, hơn 46 triệu mét khối nước. Hồ không chỉ là nơi nuôi trồng thủy sản và cấp nước sinh hoạt cho nhân dân các xã lân cận mà còn là điểm du lịch sinh thái lý tưởng.
Nếu trước đây để đến với Khe Tân chỉ có con đường bộ từ xã Đại Thắng qua cầu Khe Đá đến với Gò Đu trần trụi nắng cháy, ngày nay du khách có thể đến Khe Tân theo con đường từ cầu Quảng Huế rẽ vào Quảng Đại dọc dòng sông Thu Bồn ngược lên Phú Thuận qua cầu Xuân Nam đến Bến Dầu vào hồ. Dù con đường có vẻ dài hơn nhưng bù lại du khách sẽ được trải nghiệm những cảm giác mới lạ của khung cảnh làng quê, tận hưởng cảm giác tĩnh lặng của những khu vườn cây trái xanh tươi. Trên đường đi có thể ghé thăm làng Giảng Hòa (Đại Thắng), quê hương của cụ Tú Quỳ để nghe người dân kể những giai thoại về cuộc đời và thơ cụ. Đến Đại Thạnh ghé thôn Hanh Tây thăm mảnh đất từng sinh ra gánh hát tuồng Bàu Toa lừng danh một thời...
Mênh mang Khe Tân. |
Đến Khe Tân vào sáng tinh mơ hay những khi chiều buông, du khách sẽ ngỡ ngàng với cảnh trời nước mênh mang, ngắm nhìn từng đợt sóng vỗ lăn tăn xô bờ và xa xa là những hòn đảo lớn nhỏ ẩn hiện trong làn sương mờ tỏ, nơi mà mỗi tên gọi đều gắn với những con vật quen thuộc và những điều bình dị của cuộc sống: hòn Cò, hòn Én, hòn Cóc, hòn Sấu, hòn Sư Tử, hòn Nón, hòn Ôm... Nếu du khách đến hồ vào những ngày nắng nóng, sẽ thấy lòng dịu lại bởi màu xanh tươi mát của những xóm làng trù phú, những cánh đồng lúa xanh mơn mởn như bức tranh quê mềm mại bên hồ. Rời lòng hồ, ngược dòng suối Róc Rách, du khách sẽ bắt gặp ngọn thác đổ trắng xóa nằm giữa khu rừng nguyên sơ, nơi một thời nổi tiếng với bao sản vật của núi rừng từ chò, dẻ, cồng, kiền kiền, dầu rái... đến muôn thú chim muông, dù qua bao biến thiên thời gian vẫn còn gợi cho du khách bao niềm nuối tiếc. Xa hơn là những Vũng Rùa đầu khe Dài, đập Hóc Tròn đầu khe Mài, Xãi Nhỏ, Xãi Lớn dưới chân Dốc Gà… như đang dang cánh tay lá xanh biếc mời mọc dấu chân người, hay bồng bềnh trong mây trời dịu êm thanh thoát trên các đỉnh cao sườn Ổ Cu, Dốc Xối, Trại Thượng, Dương Thông… không khác gì một Sa Pa hay Đà Lạt thu nhỏ...
Với nhiều cảnh đẹp của trời mây, núi rừng, khe suối, Khe Tân đang trở thành điểm đến du lịch sinh thái đầy triển vọng. Đã có nhiều công ty đến khảo sát đầu tư, hứa hẹn đánh thức tiềm năng vẫn còn hoang sơ nơi đây.
Dù đi xa mà lòng vẫn nhớ! Khu vực Khe Tân, trong những năm chiến tranh ác liệt từng là “chiếc nôi cách mạng”. Ở đây có nhiều căn cứ như: Khe Rèn, Khe Rúc, Dốc Gió, Dốc Ông Thủ... gắn liền với tên đất, tên làng quen thuộc như: Tập Phước, Thọ Lâm, Phúc Hương, Hữu Niên - đã từng là cơ quan, là nhà, là quê hương của nhiều chiến sĩ cách mạng. Nhân đây cũng xin nói thêm về Dốc Ông Thủ. Dốc có vị trí khá đặc biệt: nằm ở ngã tư đường lên Thạnh Mỹ (Nam Giang), qua Đại Hồng, xuống vùng B Đại Lộc và đi Quế Sơn. Không rõ do ai đặt tên, từ năm 1962, con dốc được mang tên Dốc Ông Thủ và trở thành đường dây của thanh niên xung phong Đại Lộc. Các đồng chí Hồ Nghinh, Phạm Đức Nam đã đến đây trong các chuyến công tác chỉ đạo phong trào cách mạng Quảng Đà. Bộ đội, cán bộ, du kích mỗi khi xuống đồng bằng hoặc trở lại căn cứ đi qua con dốc này thường dừng nghỉ chân. Cho đến nay, nhiều người còn nhớ câu ca: “Leo lên trên dốc (Ông Thủ)/ Ăn tán đường đen/ Đường tình đường nghĩa/ Đường quen buổi đầu”. Trong tâm khảm những người kháng chiến ở Đại Lộc và Quảng Đà, 3 tiếng “Dốc Ông Thủ” không chỉ là những tiếng gọi thân thương mà còn trở thành niềm tin, là chỗ dựa tinh thần vô giá trong những năm tháng đấu tranh đầy cam go với quân thù. |
NGUYÊN KHANG