Quế Sơn, Hiệp Đức, Nông Sơn, Tiên Phước khẩn trương đối phó với siêu bão

09/11/2013 10:53

(QNO) - Trước những diễn biến hết sức phức tạp của siêu bão số 14, từ sáng sớm nay 9.11, chính quyền các địa phương cùng nhân dân trên địa bàn huyện Quế SơnHiệp Đức và Nông Sơn khẩn trương chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cây cối, di dời đến nơi trú ẩn an toàn.

  • Nam Giang: Họp khẩn tại các địa phương, triển khai ứng phó với bão
  • Dỡ nhà, đào hầm tránh siêu bão Haiyan
  • Lực lượng vũ trang tích cực chuẩn bị đối phó bão số 14
  • 24 giờ tới, tâm của siêu bão Haiyan vào vùng biển Huế - Bình Định
  • Thủ tướng chỉ đạo các địa phương tập trung cao nhất để ứng phó với siêu bão Haiyan
  • Các địa phương tích cực triển khai phương án phòng, chống siêu bão Haiyan
  • Ngày 10-11, bão Haiyan sẽ vào khu vực miền Trung Việt Nam
  • Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo khẩn về phòng, chống bão Haiyan
Nhân dân huyện Quế Sơn đang nỗ lực chằng chống nhà cửa.
Nhân dân huyện Quế Sơn đang nỗ lực chằng chống nhà cửa.

Không có chồng, đứa con trai duy nhất lại đi làm ăn xa nên 6 giờ sáng 9.11 bà Trương Thị Mẫn ở thôn Trà Đình 2 (xã Quế Phú, huyện Quế Sơn) vội vã chạy đi mua mấy chục cái bao tời loại nhỏ rồi ra bờ sông xúc cát đổ vào. Thân đàn bà, không leo trèo được, bà Mẫn mượn anh em họ hàng và thanh niên trong xóm đưa bao cát lên chần mái nhà.

Nhìn căn nhà mái tôn vách phên, bà Mẫn thở dài, nói: “Khi tối, xem ti vi thấy người ta dự báo siêu bão số 14 sẽ đổ bộ trực tiếp vào các địa phương thuộc khu vực miền Trung, tôi lo quá. Chừ chằng chống nhà cửa, thu dọn đồ đạc xong, tôi sẽ sang nhà hàng xóm xin trú nhờ”. Cách đây gần 1 tháng, bão số 11 hoành hành khiến ngôi nhà của bà Mẫn bị tốc mái hoàn toàn và hư hỏng nặng. Bà vừa bỏ ra một số tiền không nhỏ để mua vật tư, thuê người sửa chữa để có chỗ trú mưa, trú nắng thì nay lại nơm nớp lo căn nhà sẽ bị đổ sập trước sự đe dọa của cơn cuồng phong mang tên Hải Yến đang hung hăng áp sát đất liền.

Sáng 9.11, có mặt tại thôn Trà Đình 2, chúng tôi thấy người dân nào cũng hối hả chạy lên chợ Mộc Bài mua đinh, dây kẽm, bao cát, dây dừa về chằng chống nhà cửa. Nhiều người già, trẻ nhỏ trú ngụ trong các ngôi nhà tạm bợ, bán kiên cố, ven sông, vùng trũng thấp khẩn trương thu xếp áo quần và các nhu yếu phẩm cần thiết để sơ tán đến nơi an toàn trước khi bão đến. Sự lo lắng và chủ động di dời của người dân địa phương này là hoàn toàn đúng, bởi nơi đây nằm cách bờ biển không xa, lâu nay được xem là họng gió mỗi khi có bão.

Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, ông Đồng Phước Thoại - Chủ tịch UBND xã Quế Phú cho biết, trước sự đe dọa nghiêm trọng của siêu bão số 14, ngay từ sáng sớm nay 9.11 bên cạnh việc tích cực vận động nhân dân khẩn trương chằng chống nhà cửa, chính quyền địa phương đã lên phương án và bắt đầu huy động lực lượng thanh niên xung kích, dân quân cơ động tiến hành sơ tán gần 1 nghìn người dân đang sống trong 360 ngôi nhà tạm bợ, vùng bị ngập lụt sâu đến các trường học, nhà kiên cố trú ẩn. Ông Thoại nói: “Chúng tôi đang dốc toàn lực để thực hiện công tác sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, phấn đấu hoàn thành khâu này trước 17 giờ chiều nay 9.11”.

Người dân đổ xô đi mua vật dụng về chằng chống nhà cửa.
Người dân đổ xô đi mua vật dụng về chằng chống nhà cửa.

Ông Trần Đại Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn cho biết, lúc 7 giờ sáng nay 9.11 tất cả các thành viên trong Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão - giảm nhẹ thiên tai của huyện đã về đứng cánh tại 14 xã, thị trấn để trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc chính quyền các địa phương trong việc đối phó với siêu bão số 14. Ông Nghĩa nói: “Ngoài 360 hộ dân ở xã Quế Phú, chúng tôi đang điều động cả trăm cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng Công an huyện, Ban Chỉ huy Quân sự huyện, thanh niên xung kích, dân quân cơ động khẩn trương di dời 500 hộ dân sống trong các ngôi nhà không kiên cố trên địa bàn các xã Quế Xuân 1, Hương An, Quế Cường, Quế Xuân 2, Quế Châu đến nơi an toàn. Bằng mọi giá, công tác này phải hoàn thành trước 19 giờ tối nay”.

Hỏi về sự an nguy của hơn 6 nghìn héc ta cao su đại điền và tiểu điền hiện có trên địa bàn huyện Hiệp Đức, ông Đào Bội Thuyên chia sẻ: “Mấy hôm nay các doanh nghiệp và nhân dân đã tích cực chặt tỉa nhánh, chằng níu các cây có nguy cơ đổ ngã. Nhưng, nếu gió bão với cấp 14, giật cấp 17 thì chắc có lẽ không có cây nào trụ nổi”.

Tại xã Bình Lâm (huyện Hiệp Đức) công tác đối phó với siêu bão cũng diễn ra hết sức khẩn trương. Ông Lê Tấn Quán - Chủ tịch UBND xã này cho biết, ngay sau khi nhận được Công điện khẩn của cấp trên, tối qua 8.11 toàn bộ 10 Ban Dân chính thôn trên địa bàn đã tổ chức họp dân để thông báo về diễn biến của bão và yêu cầu, vận động nhân dân tập trung phòng, chống bão. Đồng thời, chính quyền cơ sở đã huy động tối đa lực lượng phục vụ khâu sơ tán dân. Ông Quán cho hay: “Hiện nay toàn xã Bình Lâm có tổng cộng 2.100 nhà dân. Tuy nhiên, do đa phần là nhà tạm bợ, trong khi đó dự báo sức gió của bão cực mạnh nên chúng tôi đã lên phương án di dời khoảng 900 hộ đến các cơ quan, công sở, trường học kiên cố trú ẩn. Theo dự kiến, chậm nhất là 18 giờ tối nay 9.11 việc sơ tán dân sẽ hoàn thành”.

Ông Đào Bội Thuyên - Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức cho biết, trước sự đe dọa nghiêm trọng của cơn bão số 14, hiện nay ngành liên quan, chính quyền các địa phương và nhân dân trên địa bàn huyện đang nỗ lực đối phó, trong đó đặc biệt ưu tiên cho việc chằng chống nhà cửa, sơ tán dân. Ông Thuyên nói: “Sáng nay tôi và tất cả các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện, các ngành, đoàn thể đã trực tiếp về những địa phương trực tiếp chỉ đạo chính quyền cấp cơ sở thực hiện việc di dời dân theo phương thức đưa những người sống trong các ngôi nhà tạm bợ đến trú ngụ trong những ngôi nhà kiên cố, trường học, trạm xá có sàn đổ bê tông cốt thép. Trước dự báo hết sức khó lường của cơn bão này, ý thức của nhân dân trong khâu phòng chống được nâng lên rõ rệt. Đi đến đâu tôi cũng thấy lực lượng xung kích và người dân tập trung chằng chống nhà cửa, thu dọn đồ đạc để chuẩn bị đi tránh bão khi có lệnh khẩn cấp”.

Ông Nguyễn Đình Sử - Phó phòng NN&PTNT Nông Sơn cho biết, từ sáng sớm nay 9.11, Trung tâm Văn hóa – thông tin huyện đã dùng xe tuyên truyền lưu động đi khắp 39 thôn trên địa bàn 7 xã để thông báo cho cán bộ ở cơ sở và toàn thể nhân dân biết về sự nguy hiểm cũng như những diễn biến mới nhất của siêu bão số 14. Đồng thời, tích cực vận động người dân nỗ lực chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cây cối để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra.

Theo ông Sử, đến trưa nay tất cả các thành viên trong Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão của huyện đang có mặt tại 7 xã để trực tiếp chỉ đạo chính quyền cơ sở triển khai công tác sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. “Từ nay đến 20 giờ tối 9.11, các đơn vị liên quan sẽ tập trung di dời 2.500 hộ dân với tổng số 7.000 nhân khẩu đang sống trong những ngôi nhà tạm bợ, nằm sát sông, vùng trũng thấp, nước chảy xiết đến trú ẩn tại các ngôi nhà kiên cố, trường học, tạm y tế và nhiều cơ quan, công sở khác” – ông Sử nói.

Để đề phòng trường hợp lũ lớn xuất hiện gây chia cắt, cô lập các khu dân cư kéo dài, những ngày qua chính quyền các cấp ở huyện Nông Sơn thường xuyên khuyến cáo người dân chủ động dự trữ đầy đủ lương thực, thực phẩm, nước uống và các nhu yếu phẩm cần thiết khác, đảm bảo sử dụng tại chỗ trong vòng 10 ngày. (VĂN SỰ)

Từ sáng nay, 9.11, nhân dân huyện Tiên Phước khẩn trương phòng chống bão số 14. Khắp các xã, người dân hối hả chặt tỉa cây, cành dễ ngã đỗ, chằng chống nhà cửa ứng phó với cơn bão mạnh nhất từ trước đến nay. Tại các cửa hàng, người dân tấp nập đến mua bao tải, đinh, bạc, đèn dầu, đèn pin sạc và các nhu yếu phẩm cần thiết khác... về dự trữ trong nhà. Rút kinh nghiệm từ cơn bão số 11 vừa qua, người dân huyện Tiên Phước không chủ quan trong công tác phòng chống bão, đặc biệt là cơn bão số 14 cực mạnh này.

Các trường học tập trung dọn dẹp hồ sơ, tài sản của nhà trường vào phòng an toàn.
Các trường học  trên địa bàn huyện Tiên Phước tập trung dọn dẹp hồ sơ, tài sản của nhà trường vào phòng an toàn.

Từ chiều ngày 8.11, hệ thống các loa phát thanh ở trung tâm huyện, xã đến các thôn đã liên tục phát đi những thông tin cảnh báo khẩn cấp, và công điện khẩn của Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước yêu cầu tất cả các địa phương, ngành và nhân dân chủ động phòng tránh bão số 14. Sáng nay, lãnh đạo huyện Tiên Phước đã chia làm 5 tổ công tác, đi đến từng thôn của các xã trên địa bàn huyện, chỉ đạo công tác ứng phó với bão, đồng thời kêu gọi nhân dân chủ động chống bão. Đối với những hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, lũ ống như núi Đầu Voi (xã Tiên An), Rẫy Tranh Lớn (xã Tiên Cảnh), núi Đoát (xã Tiên Hà) và vùng hạ du thủy điện sông Tranh 2 gồm thôn 7, 8,9 (xã Tiên Lãnh), chính quyền xã phối hợp với Ban nhân dân các thôn đến từng nhà người dân, vận động bà con di dời đến chỗ trú ẩn an toàn được các xã bố trí tại các trường học, trạm y tế đảm bảo điều kiện. Tại các địa điểm trú ẩn an toàn, các nhu yếu phẩm cần thiết như mì tôm, thức uống, thuốc men... cho bà con trong thời gian trú bão từ chiều ngày 9.11 đến khi bão tan.

Lãnh đạo huyện Tiên Phước động viên người dân sơ tán đến nơi trú ẩn an toàn.
Lãnh đạo huyện Tiên Phước động viên người dân sơ tán đến nơi trú ẩn an toàn.

Đối với các đơn vị, cơ quan, trường học, trạm y tế đã huy động toàn bộ lực lượng cán bộ và người lao động trực chiến, chèn chống các mái tôn, chặt tỉa cây xanh có nguy cơ ngã đổ. Lực lượng bộ đội của đơn vị Thao trường 885 đóng chân trên địa bàn huyện Tiên Phước đã giúp các cơ quan và người dân chèn chống nhà cửa, trường học. Trong đêm nay, tất cả các cơ quan, đơn vị đều có người trực chiến để ứng phó với bão. Điện lực Tiên Phước đã tăng cường tối đa nhân công, vật lực để kiểm tra an toàn lưới điện. Người dân sống gần các trạm ăng ten phát sóng của các mạng điện thoại được địa phương và đơn vị quản lý vận động di dời đến nơi trú ẩn an toàn. (DIỄM LỆ)