Các địa phương tích cực triển khai phương án phòng, chống siêu bão Haiyan
(QNO) - Sau cuộc họp trực tuyến với Thủ tướng Chính phủ để quán triệt các giải pháp ứng phó với siêu bão Haiyan, vào cuối giờ chiều nay 8.11, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh cũng đã họp nhanh với lãnh đạo các địa phương để năm tính hình và tiếp tục chỉ đạo triển khai các giải pháp ứng phó với bão.
Theo báo cáo của các địa phương, công tác ứng phó với siêu bão Haiyan đang được triển khai theo đúng tinh thần chỉ đạo. Công tác nắm thông tin về tình hình diễn biến của siêu bão Haiyan cũng được thường xuyên cập nhật, theo dõi và thông báo cho nhân dân được biết nhằm thực hiện các biện pháp ứng phó với bão. Ông Nguyễn Sự - Bí thư Thành ủy Hội An cho biết, công tác chuẩn bị ứng phó với bão Haiyan đã được địa phương này triển khai hoàn tất. Tại xã đảo Tân Hiệp việc triển khai chằng chống nhà cửa được chính quyền và nhân dân tích cực thực hiện. Đến 15 giờ chiều mai các hộ dân sống dọc bờ biển của xã sẽ được di dời đến nơi an toàn. “Tàu bè của ngư dân trên đảo đã được tháo máy đưa lên bờ an toàn. Máy thông tin liên lạc cũng đã được lắp đặt tại trụ sở UBND xã Tân Hiệp để phục vụ công tác thông tin trong thời gian siêu bão đổ bộ. Phương án di dời dân ở các vùng ven biển như Cửa Đại, Cẩm An, Cẩm Thanh cũng đã được chuẩn bị sẵn sàng triển khai vào ngày mai” - ông Sự nói.
Tại Duy Xuyên công tác ứng phó với siêu bão Haiyan cũng đã được gấp rút triển khai. Đại diện lãnh đạo huyện này cho biết, đến thời điểm này tất cả tàu thuyền đã vào tránh trú bão. Hơn 1.690 hộ dân ở hai xã ven biển trọng yếu Duy Nghĩa, Duy Hải đã được lên phương án di dời đến nơi an toàn. Đại Lộc là địa phương có nguy cơ cao về tình trạng ngập lụt cục bộ nên công tác triển khai ứng phó với siêu bão Haiyan, ứng phó với tình trạng ngập lụt đang được thực hiện khẩn cấp. “Ngày mai, 3 tổ công tác do 3 đồng chí Thường trực Huyện ủy sẽ trực tiếp về 3 vùng của huyện để nắm tình hình, đôn đốc công tác ứng phó với bão lũ” - ông Phan Đức Tính, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc nói.
Còn ông Nguyễn Văn Lúa - Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho biết, khoảng 6 nghìn dân của xã Tam Thanh đã được lên phương án di dời đến nơi an toàn vào trước 17 giờ chiều ngày 9.11. Địa phương cũng đã kiểm tra, giám sát tình hình triển khai ứng phó với siêu bão Haiyan tại các doanh nghiệm, khu công nghiệp trên địa bàn…
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh yêu cầu các địa phương, đơn vị trên địa bàn tiếp tục triển khai tích cực, đồng bộ các giải pháp ứng phó với siêu bão Haiyan để hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại do bão gây ra. Trong đó, yêu cầu 6 huyện ven biển cần nắm tình hình các căn nhà cấp 4 có nguy cơ cao về sập đổ khi bão bổ bộ để lên phương án di dời dân đến các nơi an toàn, nghiên cứu khảo sát địa hình để đào hầm tránh bão. Miền núi phải lên phương án di dời dân ra khỏi các vùng có nguy cơ cao về sạt lở núi. Các địa phương, đơn vị cần tiếp tục triển khai công tác chằng chống nhà cửa, thực hiện nghiêm túc lệnh cấm biển theo chỉ đạo của Thủ tướng, chủ động nắm thông tin ứng phó với bão Haiyan của các doanh nghiệp, các khu công nghiệp để kịp thời hỗ trợ giúp đỡ các doanh nghiệp này ứng phó hiệu quả với bão, hạn chế thấp nhất các thiệt hại do bão gây ra…(NGUYÊN ĐOAN)
* Để phòng chống cơn bão Haiyan, chiều ngày 8.11 sau khi kết thúc phiên họp giao ban trực tuyến phòng chống với Chính phủ, UBND huyện Tây Giang đã tổ chức phiên họp khẩn chuẩn bị triển khai mọi phương án phòng chống.
Huyện Tây Giang kiểm tra công tác dự trữ lúa gạo ở các thôn. |
Các địa phương của huyện Tây Giang đã báo cáo phương án PCLB, thống kê số hộ nằm trên vùng có nguy cơ sạt ở, tình hình đảm bảo thông suốt giao thông trước - trong và sau bão, nắm tình hình dự trữ lương thực tại các xã, các trường bán trú, nội trú cũng như công tác chỉ đạo PCLB tại 10 xã... Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phạm A, Tây Giang cần thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ, huy động toàn bộ lực lượng dân quân, du kích 10 xã tham gia phòng chống. Kiểm tra công tác hậu cần, khâu chuẩn bị xăng, dầu, xe múc, xe tải và các phương tiện để phục vụ cho công tác phòng chống, thống kê lại số lượng hàng hóa, lương thực, thực phẩm tại các gian hàng tư thương tại các xã, nhất tại 4 xã vùng cao. Sau khi kết thúc cuộc họp, các thành viên Ban chỉ đạo trực tiếp xuống dân, bán dân, giúp dân, hướng dẫn nhân dân chằng chống nhà cửa, quản lý tốt đàn gia súc gia cầm trong mùa mưa.
Theo phương án di dời của huyện Tây Giang, các hộ dân tại các thôn Arui, Kà xeeng, Katiết (xã Dang); các thôn Atu 1, Atu 2 (xã Ch'ơm); A Ching (xã Atiêng) nằm trên vùng sạt lở cần phải di dời đến nơi an toàn. Nhanh chóng vận chuyển hàng hóa lên vùng cao; bố trí xe múc tại các điểm dễ xảy ra sạt lở… Một trong những khó khăn nhất hiện nay là nhiều trường học bán trú tại 2 xã vùng cao (Ch'ơm và Gari) có nguy cơ thiếu nguồn thực thực phẩm, trong những tuần qua các thầy cô và học sinh nơi đây phải tự xoay ở nguồn thực phẩm, chủ yếu là cá khô, mì tôm vì xe chở gạo chưa tiếp cận được.
Huyện Tây Giang đã dự trữ nguồn kinh phí hỗ trợ kịp thời người bị hại sau bão, lũ đi qua. Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện phát liên tục các tin về dự báo diễn biến của con bão Haiyan đến với bà con.
Tính đến thời điểm hiện nay, huyện Tây Giang đã dự trữ được 12 tấn lúa/10 kho lúa của xã. Trước đó huyện cũng đã mua và cấp 13 tấn gạo 496 hộ 4 xã vùng cao và 5 tấn cho trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và 05 tấn tại trường THCS xã Ch'ơm nhằm đảm bảo cứu đói giáp hạt và dự trữ trong mùa mưa lụt bão cho bà con nhân dân và học sinh. (ĐÌNH HIỆP)
* Huyện Nam Giang lập sở Chỉ huy tiền phương để chỉ đạo công tác PCLB
Ngày 8.11, Chủ tịch UBND huyện Nam Giang Alăng Mai đã ký công văn khẩn gửi thủ trưởng các cơ quan, ban ngành; Chủ tịch các xã, thị trấn trên địa bàn huyện yêu cầu lập Sở chỉ huy tiền phương để chỉ đạo công tác ứng phó với cơn bão số 14.
Theo đó, khu vực 4 xã vùng thấp được đặt tại Văn phòng UBND huyện, do đồng chí Phạm Thị Như - Phó Chủ tịch UBND huyện - Trưởng ban chỉ huy PCLB huyện làm tổ trưởng. Còn khu vực 8 xã vùng cao đặt tại UBND xã Chà Vàl, phối hợp với các địa phương chỉ đạo công tác ứng phó, tổ chức sơ tán người, vận động nhân dân tham gia việc chằng chống nhà cửa, cơ quan, chặt tỉa cây cối tại các khu vực dân cư.
UBND huyện yêu cầu Chủ tịch các xã, thị trấn khẩn trương và thường xuyên thông báo tình hình, diễn biến cơn bão cho từng bán bộ, nhân dân để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại khi bão đổ bộ. Đồng thời cho kiểm tra, rà soát nhà ở tại các khu dân cư tại các vùng trũng thấp, có nguy cơ sạt lở để khẩn trương công tác di dời, sơ tán đến nơi an toàn. Chỉ đạo nhân dân các địa phương dự trữ lương thực, quán triệt không lên nương rẫy, sông suối trước và trong bão; nghiêm cấm người và phương tiện qua lại trên những tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết, ngầm; tổ chức lực lượng xung kích phòng chống lụt bão tại địa phương để ứng phó và khắc phục thiệt hại sau bão. Các lực lượng quân sự, công an, Hạt quản lý đường Hồ Chí Minh,… chủ động bố trí người và các phương tiện cùng tham gia công tác ứng phó với bão, đảm bảo khắc phục khi mọi tình huống xảy ra. (LĂNG A CÚI)
* Để chủ động ứng phó, phòng tránh những thiệt hại có thể xảy ra do bão, ngày 8.11 UBND huyện Đông Giang đã có công văn đề nghị các địa phương, đơn vị trên địa bàn huyện thực hiện tập trung triển khai công tác phòng chống lụt bão bảo đảm theo phương châm “4 tại chỗ”. Tiến hành kiểm tra, rà soát các hộ dân có nhà tạm bợ, có nhà ở những khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét để có biện pháp di dời dân đến nơi an toàn. Yêu cầu Chủ tịch các xã, thị trấn tổ chức triển khai chủ động theo dõi thường xuyên diễn biến bão và tình hình thực tế ở từng địa phương. Đồng thời, chỉ đạo hướng dẫn nhân dân và các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn tổ chức chèn chống nhà cửa, trụ sở làm việc (hoàn thành trước 17giờ ngày 9.11). Vận động nhân dân tự tổ chức dự trữ lương thực và nhu yếu phẩm, nhất là những nơi dễ bị chia cắt, cô lập do mưa bão.
Tại những tuyến đường có nguy cơ bị ngập sâu, nước chảy xiết như: cầu Sông Vàng (thôn Phú Bảo, xã Ba); ngầm Dốc Rùa (thôn Aliêng, xã ATing); cầu Lấy - Nà Hoa (xã Tư); cầu Brùa (thôn Brùa, xã Jơ Ngây); cầu Ba Nga (xã Kà Dăng);…cần tổ chức cho người cảnh giới, chốt chặn và kiên quyết nghiêm cấm người và phương tiện đi lại. Quán triệt nhân dân tuyệt đối không ra sông suối vớt củi, bắt cá hoặc đi lại sản xuất qua các sông suối trong suốt thời gian xảy ra mưa bão để tránh xảy ra thiệt hại về người. Phân công cán bộ thường xuyên trực 24/24 tại UBND các xã, thị trấn; theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 14, thông tin kịp thời đến từng thôn xóm và toàn thể nhân dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó; phân công các thành viên Ban chỉ huy trực tiếp xuống địa bàn để theo dõi nắm bắt, xử lý mọi tình huống xảy ra; kịp thời báo cáo về Ban chỉ huy PCLB huyện.
Cơ quan Quân sự huyện, Công an huyện phối hợp xây dựng kế hoạch, phương án bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng cứu giúp dân trước, trong và sau khi mưa bão xảy ra. Chủ trì huy động lực lượng, phương tiện và chỉ huy điều hành công tác tìm kiếm cứu nạn có thể xảy ra do sạt lở đất. Hướng dẫn nhân dân không tham gia giao thông tại các tuyến đường bị ngập sâu khi có mưa lũ. UBND huyện cũng yêu cầu Phòng Dân tộc huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra theo dõi các khu vực có nhà ở có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét để tổ chức vận động các hộ di dời đến nơi an toàn. Tổ chức bố trí đảm bảo nguồn hàng dự trữ theo kế hoạch, sẵn sàng cấp phát theo yêu cầu của Ban chỉ huy PCLB huyện khi cần. (LĂNG A CÚI)