"Nhân bản" ĐTM
Đánh giá tác động môi trường, gọi tắt là ĐTM (hoặc tiếng Anh là EIA) - một thuật ngữ xuất hiện với tần suất khá dày trên các phương tiện truyền thông khi đề cập đến các dự án phát triển. Dù là khâu rất quan trọng đối với việc triển khai một dự án nhưng việc “kiểm soát” ĐTM vẫn còn nhiều bất cập.
Theo luật định, bất cứ dự án phát triển kinh tế nào “đụng” đến môi trường, gây xáo trộn đời sống xã hội đều phải có báo cáo ĐTM. ĐTM là đánh giá toàn diện trên các phương diện hiệu quả kinh tế, tác động xã hội, ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe người dân. ĐTM tối quan trọng khi triển khai dự án nhưng lại bị chủ đầu tư thủy điện, khai khoáng, cũng như nhiều dự án khác xem nhẹ. Có một sự thật là nhiều doanh nghiệp thuê đơn vị tư vấn làm ĐTM sơ sài, qua loa chỉ để đối phó với cơ quan chức năng. Ở Quảng Nam, câu chuyện ĐTM chỉ bắt đầu thực sự thu hút sự chú ý của dư luận khi xảy ra sự cố rò rỉ thân đập nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 (Bắc Trà My). Trong số hàng trăm trang giấy dài dằng dặc của bản ĐTM trong dự án thủy điện Sông Tranh 2, thật sửng sốt trước nội dung đã trích dẫn tài liệu của một tác giả ở Viện Địa lý (thuộc Trung tâm Khoa học tự nhiên và công nghệ quốc gia) trong “Phân tích các hướng dẫn ĐTM các dự án thủy điện” năm 2002. Để thuyết phục hơn, bản báo cáo này cho rằng, hồ thủy điện Sông Tranh 2 khi tích nước sẽ không gây khả năng động đất kích thích, không gây rủi ro môi trường.
TS.Nguyễn Khắc Kinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Thẩm định & đánh giá ĐTM (Bộ TNMT), Phó Chủ tịch Hội ĐTM xác nhận, nhiều chủ dự án làm ĐTM chỉ mang tính đối phó, không tuân thủ cam kết; đồng thời cảnh báo “nhân bản” ĐTM sẽ để lại hậu quả hết sức nguy hiểm, đe dọa sự phát triển bền vững của một quốc gia. Thêm nữa, năng lực lập báo cáo ĐTM của các chủ dự án, đơn vị tư vấn và cơ quan công quyền còn hạn chế; khâu kiểm tra, giám sát hậu ĐTM chưa tốt dẫn đến hệ lụy ô nhiễm, suy thoái môi trường khi vận hành dự án; xảy ra khiếu nại, khiếu kiện làm mất nhiều thời gian, tiền của. |
Nhà báo Thu Sương (Báo Người Lao Động) trong hội thảo “Khai thác công cụ đánh giá tác động môi trường phục vụ điều tra báo chí và phản biện chính sách môi trường” vừa diễn ra tại tỉnh Vĩnh Phúc, còn dẫn dụ sự thật “cháy nhà mới ra mặt chuột” trong dự án thủy điện Đồng Nai 6-6A. Rằng, bản ĐTM dài hàng trăm trang còn thơm mùi giấy, đoạn đầu và phần cuối thì “che mắt” được “thiên hạ” với những luận cứ khoa học chặt chẽ, đánh giá, dự báo tưởng chừng rất nghiêm túc, nhưng nội dung ở giữa thì lại đánh giá về… thủy điện Quảng Nam. Sự copy, “nhân bản” ĐTM dự án khác để vận vào thủy điện Đồng Nai 6-6A (dự án mà mới đây Thủ tướng Chính phủ quyết định loại bỏ đầu tư vì xâm hại nghiêm trọng rừng quốc gia Cát Tiên) quá ẩu tả, không thể chấp nhận được.
Nhiều chuyên gia nhấn mạnh, ĐTM quyết định sự sống còn đối với môi trường, cần được đánh giá, dự báo bằng những dữ liệu thông tin khoa học, chính xác. Ở các nước tiên tiến, ĐTM được nghiên cứu độc lập, cẩn trọng. Trong khi ở trong nước, lĩnh vực này còn mới mẻ, chưa được đầu tư đúng mức. Nghịch lý ở chỗ, các dự án đều tư vấn độc lập về báo cáo ĐTM, có thể phản biện những bất cập, tác động xấu khi thực thi dự án, đề xuất chủ đầu tư thay đổi quy mô, thiết kế, hạn chế thấp nhất mức độ rủi ro đến môi trường; nhưng thực tế đơn vị tư vấn chỉ đi làm thuê, theo yêu cầu của chủ đầu tư. Nhà tư vấn về ĐTM dù có chuyên môn giỏi cũng đành… lực bất tòng tâm. Các đơn vị tư vấn thừa nhận, trong báo cáo ĐTM, tham vấn cộng đồng là cực kỳ quan trọng, nhưng họ phải làm theo hình thức để “lấy lòng” nhà đầu tư.
GS. Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT ví von, trong khi ĐTM chưa trở thành “cây đũa thần” thì tình trạng “ăn quỵt” môi trường – hình thức tham nhũng mới nhan nhản khắp nơi. Từ vụ chôn thuốc trừ sâu tại Thanh Hóa, có thế thấy ĐTM còn “xa lạ” so với thực tế ô nhiễm mà người dân đã, đang gánh chịu. Theo GS. Đặng Hùng Võ, đến lúc ĐTM cần có sự thay đổi trong cách đánh giá, trở thành công cụ quản lý môi trường, đảm bảo công bằng và quyền lợi cho người yếu thế trong xã hội. Muốn được như vậy, ĐTM bắt buộc tuân thủ đầy đủ 3 yếu tố như kiểm soát được quyền ra quyết định, thông tin minh bạch và có sự tham gia, tham vấn cộng đồng của người dân địa phương.
HỮU PHÚC