Cái gì lợi, dân sẽ làm
Cách đây trên vài mươi năm, quế là cây có giá trị kinh tế cao của miền núi Quảng Nam. Thời ấy, thị trấn Trà My “phất” lên nhờ quế. Các vườn quế bạt ngàn trải xanh khắp các sườn đồi ở các huyện miền núi của tỉnh. Nhưng do sự vận động của thị trường, cây quế lụi tàn như người ta thường nói “đắt quế ế củi”. Đến cây thứ hai là cây trẩu. Nghe nói dầu trẩu làm được thứ gì đó giá trị lắm ở các nước trên thế giới. Người ta thi nhau trồng trẩu. Thế rồi cây trẩu chưa cho kết quả đã phải nhanh chóng chặt bỏ. Bây giờ chạy xe từ Trà My về Tam Kỳ, ta thấy còn một ít cây trẩu cao to trên các đồi núi ven đường, chứng tích của một thời quá vãng... Do yêu cầu phát triển, Nhà nước cùng người dân trăn trở để tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát huy tiềm năng đất đai. Từ đó cây keo lá tràm, cây keo tai tượng xuất hiện cùng với sự phát triển của công nghiệp giấy nội địa và xuất khẩu bột làm giấy; công nghiệp đóng bao bì và nhu cầu gỗ dân dụng khi rừng tự nhiên đã bị kiệt quệ. Giá trị của cây keo không cao, một héc ta keo 5 - 6 năm thu được 30 - 40 triệu đồng, nhưng chắc ăn. Điều quan trọng là có thị trường tiêu thụ. Cây keo thịnh hành đã kéo theo bao điều thay đổi.
Quảng Nam trước đây vài mươi năm cơ man là đồi trọc. Nhưng vì miếng cơm manh áo thì dẫu có san núi bạt đồi con người cũng sẵn sàng. Và đây! Giờ đây, theo các con đường Đại Lộc - Đông Giang, Nam Giang; Thăng Bình - Hiệp Đức, Quế Sơn; Tam Kỳ - Tiên Phước, Trà My; thị trấn Núi Thành - Tam Trà, Tam Sơn, Tam Thạnh... sẽ thấy bạt ngàn keo là keo. Cây keo xuất hiện ở Quảng Nam như một cơ hội xóa đói giảm nghèo đầy hiệu quả. Người có rừng nhiều thì làm giàu từ keo; người có năm ba héc ta thì cơ bản thay đổi được cuộc sống, người có ít hoặc không có rừng thì đi chặt cây, cưa cây thuê mướn. Cây keo đã góp phần làm thay đổi cơ cấu, tập quán lao động của người dân. Ở miền núi, người ta đã tự động hình thành từng tổ, từng đội khai thác cây keo theo phương thức khoán sản phẩm với kỷ luật lao động khá nghiêm ngặt. Ví như có người đi trễ thì tự động ra về. Vì một người trễ là ảnh hưởng năng suất của toàn đội. Cây keo làm cho dân miền núi không còn thời gian nông nhàn. Hết mùa gieo cấy, gặt hái là họ kéo nhau đi khai thác keo, chí ít mỗi công cũng được vài trăm nghìn đồng.
Đi dọc các con đường miền núi, nhìn lên các ngọn đồi thấy dốc đứng là vậy, đường hiểm là vậy, nhưng hàng ngàn tấn keo vẫn được con người đưa xuống rồi chất lên xe được tất. Thấy và biết được những điều như thế mới ngộ rằng, cây keo đã làm cho ý chí con người cao hơn, tính hợp tác trong lao động cao hơn. Một điều có giá trị thực tiễn nữa là đâu có cần hô hào lớn tiếng, đâu có cần chương trình quảng cáo với panô áp phích rùm beng về cải tạo môi trường nhưng vì cuộc sống, vì quyền lợi thiết thân của người dân mà hàng chục ngàn héc ta keo cứ âm thầm phủ xanh đất trống đồi trọc trên xứ Quảng!
PHẠM THÔNG